Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về rừng Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai gặp ông Tơ Tơ - một già làng nổi danh, từng khuất phục nhiều “ông ba mươi” chuyên ăn thịt người...

Linh hồn của rừng già

Già làng Tơ Tơ là tên gọi theo tiếng Châu Ro. Tên tiếng Kinh của ông là Nguyễn Văn Nổi. Người dân trong làng thường gọi ông với cái tên thân mật là ông Năm (vì là con thứ năm trong gia đình).

Đã bước qua tuổi 90 nhưng ông Năm còn khỏe và rắn chắc lắm. Hàng ngày, ông và vợ con cùng các cháu quây quần trong một ngôi nhà sàn cả trăm tuổi. Để ghi nhớ những thành tích mà ông Năm đã cống hiến cho cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến, Nhà nước đã xây tặng ông ngôi nhà rất khang trang.

Nhưng ông thật thà bảo: “Già ở nhà sàn quen rồi”. Vì thế, khi căn nhà được xây xong, ông trang trọng dùng nó làm nơi tiếp khách và treo những bằng khen kỷ niệm một thời oanh liệt.

Bên bếp lửa bập bùng và ấm áp giữa cái lạnh heo heo của núi rừng, già làng miên man kể về thời trai trẻ đánh Pháp bằng giọng sôi nổi pha lẫn chút tự hào. Trước đây, có một tờ báo viết về ông với chiến công là bắn rơi máy bay Mỹ, nhưng ông Năm thật thà khẳng định: “Tau chỉ lấy súng trường mát bắn ngay “bụng” nó, có xoẹt lửa chứ làm sao rơi nổi”.

Suốt buổi tối hôm ấy, ông Năm đã kể cho chúng tôi nghe chuyện về những lần “chiến đấu” với mãnh chúa rừng xanh. Tiếng lửa cháy lách tách giữa màn đêm tĩnh mịch, chúng tôi ngồi thu lu một góc say sưa nghe từng lời kể đầy hào hứng của ông.

< Một góc nhà của già làng Tơ Tơ xếp đầy những bằng khen.

Trong cuộc đời làm cách mạng của mình, nhất là những lần làm giao liên, ông Năm đã nhiều lần gặp cọp. “Ngày đó, vùng này toàn đồi núi âm u, cây cối um tùm, người thưa thớt lắm, chứ không có quán xá, nhà cửa như hiện nay đâu” - ông vào chuyện. Bao nhiêu cảm xúc ùa về khiến đôi mắt ông Năm sáng rực.

Ông còn nhớ rất rõ con cọp ba móng, nặng 150kg chuyên vào nhà sàn để ăn thịt người. Thời điểm ấy vào khoảng năm 1942: trong làng thường xuyên xảy ra những vụ mất tích. Ai cũng biết, nhiều người Châu Ro đã bị cọp vồ và tha luôn vào rừng ăn thịt.

Người mất, người thương tiếc, khóc rên buồn bã. Không khí u uất bao trùm khắp nơi. “Ông ba mươi” trở thành nỗi khiếp đảm cho cả làng. Không thể để đồng bào đau buồn vì thú dữ, già làng Tơ Tơ đã đứng lên vận động bà con làm bẫy, làm hầm thuốc độc để quyết triệt hạ loài hổ hung hãn này. Lúc đó, ông còn là một chàng thanh niên khỏe mạnh và cam đảm, tự tay tạo ra loại thuốc độc được bào chế từ trái cây rừng. Sau vài lần bị thương vì bẫy, con cọp đã di chuyển xuống núi Chứa Chan (nay là huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), tiếp tục vồ nhiều người khác để ăn thịt.

Đương đầu với hổ dữ

Già làng Tơ Tơ quá đau lòng khi biết con hổ này đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người. Ông còn nhớ rõ, người cuối cùng bị hổ vồ chết là ông Bốn - sinh sống trong buôn làng Châu Ro. Trước tình thế này, ông Năm bàn với vợ: “Phải hy sinh tau đi, chứ nếu không làm sao giết được nó”.

< Già làng Tơ Tơ biểu diễn lại pha đả cọp cách nay hơn nửa thế kỷ.

Mặc kệ vợ khóc lóc, van xin, ý ông đã quyết. Sau khi bố trí hầm bẫy xung quanh, ông giả vờ nằm im trên nhà sàn để làm mồi nhử hổ. Đúng như dự đoán, con thú dữ quay lại. Sau ít phút lăm le, con hổ hung hăng nhảy vồ ông Năm thì bất ngờ bị sập bẫy. Cú rơi của nó làm lung lay cả nhà sàn. Bộ đội cùng ông xúm vào tóm gọn con hổ dữ.

Mười năm sau, khoảng năm 1952, trong một lần băng rừng đi giao liên cho cách mạng, ông Năm lại bị cọp vồ. Khi đó rừng núi hoang vu, trắc trở lắm. Đó chính là nơi lý tưởng cho nhiều thú dữ sinh sống, trong đó có rất nhiều cọp. Bà con buôn làng thường bảo nhau: “Đi giao liên tiếp tế cho bộ đội, không sợ địch vì chúng đóng ở đâu thì biết ngay. Nhưng cọp núp trong bụi nhảy ra, vồ người thì chỉ có... chết”. Ấy vậy mà già làng Tơ Tơ đã né được cú vồ bất ngờ của cọp.

< Già làng Tơ Tơ giới thiệu với tác giả về bộ cồng chiêng cổ.

Ông bảo: gặp cọp không thể bỏ chạy, mà phải xáp lá cà với nó, vì khi có khoảng cách, cọp sẽ nhảy tới vồ và ăn thịt người rất dễ dàng. Lúc ấy, trong tình thế mặt đối mặt, khi con cọp dáo dác nhìn thì ông nhanh tay rút xà-gạc (một trong những loại vũ khí tự vệ khi đi rừng, ngoài gùi, dao găm, ná của người Châu Ro) quyết tử chiến với nó. Khi con cọp lấy đà nhảy lên, ông dang rộng tay với xà-gạc, đưa một nhát chí mạng vào yết hầu con cọp. Bất ngờ trúng đòn ngay chỗ hiểm, mãnh hổ rừng xanh ngã bổ ra chết tại chỗ. Khi xong việc, ông quay lại đưa xác cọp về buôn làng. Thấy ông kéo hổ về làng, mọi người đổ xô ra xem và quá nể phục khi con hổ nặng cả trăm ký đã bị ông khuất phục.

Do nhiều năm hoạt động cách mạng ở Chiến khu Đ, già làng Tơ Tơ nói rất chuẩn tiếng Kinh, dù vợ ông vẫn sử dụng tiếng Châu Ro để giao tiếp với con cháu. Để chúng tôi hiểu thêm câu chuyện và chứng kiến những thế đả cọp, ông mặc lại bộ trang phục ngày trước và biểu diễn lại pha chém vào yết hầu mãnh chúa rừng xanh rất dũng mãnh.

Rời khỏi khu rừng già lúc bình minh vừa ló dạng, cái vẫy tay của ông Năm khuất dần ở con đường ngoằn ngoèo, hun hút; chúng tôi mang theo những kỷ niệm về một ông già làng đã từng đả chiến với hổ bằng sự khâm phục sâu sắc. Ánh nắng bắt đầu xuyên rọi qua những tán cây rừng.

Du lịch, GO! - Theo HT (ĐSCT), ảnh internet