Trong bài viết có tựa đề “Lịch sử dân gian của Việt Nam được phản ánh trong các tòa nhà”, phóng viên Mike Ives của thời báo New York Times đã bày tỏ sự ấn tượng của mình trước một công trình kiến trúc hoành tráng ở Việt Nam: Việt phủ Thành Chương.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Việt phủ Thành Chương là một tổ hợp của các công trình kiến trúc giả cổ được xây dựng ở huyện Sóc Sơn, vùng ngoại ô của Hà Nội. Chủ nhân của nó, một họa sĩ địa phương tên là Thành Chương. Ông xây dựng công trình này nhằm tôn vinh các di sản kiến trúc truyền thống của Việt Nam.
Tại đây, hàng chục hạng mục công trình đã được xây dựng trên diện tích khoảng 1ha của một quả đồi nằm gần một con đường đầy bụi và ổ gà, cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 10km. Để thực hiện nó, khoảng 200 nhân công đến từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã được huy động.

Có thể thấy, nhiều công trình mang dáng dấp hoài cổ tại Việt phủ Thành Chương được làm từ các vật liệu cổ điển như gỗ và tre nứa. Rải rác khắp khu vực là những cây đa và bồ đề lớn, được trồng đúng vị trí bằng cần cẩu.

Nhìn chung, tổ hợp kiến trúc này tạo một cảm giác choáng ngợp về vẻ hấp dẫn và phong cách riêng của kiến trúc cổ Việt Nam. Nó gợi nhớ đến bảo tàng The Cloisters ở New York, nơi tập hợp các tinh hoa kiến trúc từ thời Trung cổ của châu Âu.

Họa sĩ Thành Chương cho biết: “Người Việt Nam luôn tự hào với những nét văn hóa truyền thống của mình. Nhưng lịch sử đất nước chúng tôi đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh và thiên tai. Nhiều di sản lịch sử đã bị hủy hoại vì điều này. Tôi muốn tạo một nơi để giữ gìn các giá trị tốt đẹp từ quá khứ cho các thế hệ sau này và bạn bè quốc tế thưởng lãm".

Bạn sẽ không thể không bị hút hồn bởi cánh cổng tam quan bằng đá, lấy cảm hứng từ một cây cầu đá 500 tuổi, hay một nhà hát nhỏ được thiết kế để biểu diễn múa rối nước, nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của Việt Nam. Các buổi biểu diễn được tiến hành thường xuyên trước khán đài có sức chứa 80 khán giả.

Đi qua một ao nước, bạn sẽ thấy một ngôi nhà sàn 2 tầng. Ngôi nhà này từng thuộc về một người nông dân ở phía Bắc tỉnh Hòa Bình. Ngoài ra cũng có một ngôi nhà mái lá với tường đất, mà ông Chương cho biết nó được đưa về từ vùng đất thời thơ ấu ông từng sinh sống ở Bắc Giang, nơi gia đình ông sơ tán trong cuộc chiến giành độc lập từ Pháp đầu những năm 1950. Gần đó là một tòa vọng lâu có mái lạt gạch, có gắn biển đề những dòng chữ tiếng Hán, có nghĩa là "Ngồi giữa gió mùa xuân".

Vào một buổi chiều mùa xuân, du khách có thể thư giãn khi ngồi từ nhà ăn ngắm nhìn những cành trúc đào bung nở hoa bên ao thả cá, nghe tiếng hót líu lo của các loài chim, tiếng vo vo của côn trùng, dù đôi khi cũng có tiếng đồng cơ của những chiếc máy bay cất cánh hoặc hạ cánh tại sân bay Nội Bài gần đó.

Họa sĩ Chương vốn xuất thân từ một gia đình trí thức nổi tiếng. Trước đây ông từng là một người lính công binh, chuyên xử lý bom mìn cho quân đội Giải phóng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Sang thời bình, ông làm một họa sĩ chuyên vẽ minh họa cho các báo Văn Nghệ, Văn học và Nghệ thuật.

Năm 2001, ông ký hợp đồng thuê 50 năm đối với khu đất dự định xây Việt phủ Thành Chương và mất 3 năm để chuyển đổi khu vực này từ một sườn đồi trọc thành một công trình lộng lẫy. Công trình mở cửa không chính thức cho du khách một cách miễn phí trong vài năm.

Mặc dù không thể quy tụ bản sắc của tất cả 54 dân tộc được công nhận ở Việt Nam, ông vẫn hi vọng rằng tổ hợp kiến trúc của mình sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn bản sắc của dân tộc Việt. "Chúng tôi không có một Vạn Lý Trường Thành như của Trung Quốc, hay những tòa cung điện tráng lệ như châu Âu. Nhưng chúng tôi có một không gian sống truyền thống, nơi mà bạn cảm thấy rằng bầu trời, trái đất, động vật và cây cối tồn tại trong sự hài hòa hoàn hảo", họa sĩ Chương chia sẻ.

Ông Chương cho biết, các phí tổn xây dựng được ông thanh toán bằng tiền bán các tác phẩm nghệ thuật cho khách sạn Daewoo Hà Nội.

Trong một vài tòa nhà tại Việt phủ Thành Chương, có các bức chân dung tự họa theo phong cách Picasso của họa sĩ Thành Chương. Trong số đó, có bức có kích thước to bằng một chiếc tủ lạnh.

Ông Suzanne Lecht, Giám đốc nghệ thuật của một thư viện tại Hà Nội, đồng thời là người trưng bày các bức tranh của ông Chương ở Hong kong cho biết, có thể gọi công trình của họa sĩ Việt Nam là một "công viên chủ đề nghệ thuật" (artistic theme park).


Tuy vậy, có nhà phê bình cho rằng Việt phủ Thành Chương có dáng dấp của một “thái ấp”. Ông Nora Annesley Taylor, một giáo sư chuyên về nghệ thuật Nam Á và Đông Nam Á tại Viện Nghệ thuật Chicago, người đã đến thăm Việt phủ của ông Chương vào năm 2004 cho biết, ông cảm thấy rất ấn tượng với công trình này...

Trong ấn phẩm giới thiệu về Việt phủ Thành Chương, có đoạn viết rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói công trình này là một dự án “thực sự quý giá”. Chính phủ Việt Nam đã đưa địa điểm này vào danh sách các tour du lịch chính thức trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ông Chương cho biết bản thân mình không tìm cách để quảng bá cho Việt phủ Thành Chương trong các phương tiện thông tin đại chúng. “Hoa thơm sẽ tự làm cho sự hiện diện của nó được biết đến", ông nói.

Du lịch, GO! - Theo V.H (The New York Times)