Gùi hàng quá nửa trọng lượng cơ thể sau lưng, chân vẫn thoăn thoắt ngược dốc, vượt gập ghềnh đá, tận tụy dẫn đoàn luồn rừng, lên đỉnh núi, đó là những phu vận chuyển hành lý trên nóc nhà Đông Dương Fansipan (Phan-xi-păng).

< Thông thường mỗi người leo Fansipan đều có một người đi cùng (gọi là porter) để trợ giúp khi leo lên các dốc đá, hoặc gặp chướng ngại vật trên đường. Những porter này chủ yếu là người H'Mông.

Chẳng biết việc vận chuyển hàng hóa cho khách du lịch lên đỉnh Fansipan cao 3.143m từ bao giờ đã thành một nghề. Đến nay, ở các thôn, bản dưới chân dãy Hoàng Liên, nhất là ở Sapa, người ta rủ nhau đi thành từng đoàn, từng tốp. Cũng từ lâu, người ta quen gọi những người hành nghề này bằng cái tên Tây chung là porter (người khuân vác).

Mồ hôi giữa núi lạnh

< Phải gùi 30-40 kg, thậm chí nặng hơn nhưng họ vẫn thoăn thoắt mở đường, leo lên những dốc cao cheo leo.

Porter chủ yếu là trai tráng bản địa người Mông. Có gia đình tất cả thành viên đều đi khuân vác. A Lử- người dẫn đoàn chúng tôi, có hai người anh em là A Giành, A Chớ, đều làm hướng dẫn viên sau một thời gian làm khuân vác. A Lử ở bản Hồ (Sapa, Lào Cai) nói: “Mình có năm con, ba trai và hai gái. Hai con trai lớn cũng làm porter, đang dẫn đoàn".

Những nếp nhăn và sắc da sạm gió sương khiến A Lử già hơn cái tuổi 48. Non chục năm gắn với nghề, anh coi chuyện leo Phan thường như cơm bữa.

Lên đỉnh Fansipan, có ba cung đường. Hiểm trở có cung từ bản Cát Cát cao 1.245m nhiều vắt rừng (cả trong những ngày nắng), hay cung Sín Chải cao 1.260m với những đoạn đường mòn cheo leo sát mép vực. Cung dễ thở nhất (mà đoàn tôi nối gót lên Fansipan) là từ Trạm Tôn, độ cao 1.900m.

< Thông thường mỗi porter một tuần đi 3 chuyến lên đỉnh Fansipan, họ cùng ăn và dựng lều trại cho du khách.


Gọi là dễ nhưng cũng đủ khiến đoàn chín người chúng tôi phờ phạc. Dù ở cung hiểm trở hay dễ thở, thì tiền công của porter cũng ở mức 150.000 đồng/ngày - Người dẫn đoàn như A Lử thì được khoảng 200.000 đồng (Nhiều thông tin khác cho biết giá thật sự cao hơn - có thể tới mức 200k/ngày). A Lử cho hay, giá ngày công ấy đã có từ mấy năm trước đây rồi, giờ chưa tăng. Có tiếng thở dài lẫn nhanh vào sương gió lưng chừng trời.

Những porter trên rẻo cao phần nhiều có thể hình nhỏ. Trên vai lúc lỉu những chiếc gùi khéo đan bằng mây tre chất đầy thức ăn, nước uống, hay lều bạt, túi ngủ hành lý của khách. Mỗi gùi nặng 30 - 50 kg. Hai quai bện từ những sợi đay thít chặt dính với lớp vải áo mỏng với thớ thịt. Những đôi vai của thanh niên tuổi 16 - 17, thậm chí trẻ như Vàng A Toại (14 tuổi), đã mau chai sần và tím sậm.

< Mỗi chuyến đi, porter được trả 150.000* đồng cho ba ngày.


Không ít khách du lịch cao to tò mò chọn gùi hàng nhẹ nhất, nhưng chẳng mấy ai nhấc được khỏi mặt đất. Có anh vừa nâng lên đã bị gùi hàng giật ngã ngửa. Muốn làm nghề này phải có sức khỏe, quen địa hình, chịu đựng tốt và thêm lòng dũng cảm. Chỉ cần sơ sẩy trượt chân, không rơi xuống vực đá mất mạng thì cũng gẫy chân, tay như bỡn…

Những khách leo chậm, hay đoàn nhiều nữ thường khiến porter mệt nhanh hơn. A Lử nói: "Đoàn có người đi chậm hay nghỉ thì mình phải chờ hoặc cử người đi kèm. Chờ nhiều chân dễ chùn, vai hay mỏi". Vì thế, chốt đoàn thường là hai porter khỏe và nhiều kinh nghiệm.

< Các porter rất ít khi dừng nếu như du khách không nghỉ ngơi. Ngoài việc làm khuân vác đồ, giúp đỡ du khách vượt qua những đoạn đường khó, họ còn được học nghiệp vụ làm hướng dẫn viên du lịch do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai đào tạo.

Trong cái nghề nặng nhọc này, bạc bẽo nhất là khi gặp kẻ coi đồng tiền của mình là to, mà thiếu sự cảm thông, tôn trọng. Nhiều người trong đoàn chúng tôi đợt ấy, không khỏi bức xúc khi thấy "đoàn bạn", mặc quần áo "ngầu", dường như dân đi “phượt" chuyên nghiệp, luôn miệng văng những câu chửi tục, nặng nhẹ với porter... Cũng có đôi bạn trẻ không biết vô tâm hay cố ý để một porter thồ trên lưng gùi hàng cao quá đầu đứng chờ họ chụp ảnh… “Chúng tôi quá quen và coi như phải chấp nhận khi hành nghề” - A Lử chỉ cười.


< Lò A Sình ở bản Hồ là một trong những người dẫn đường trẻ tuổi nhất. Thi thoảng A Sình lại trèo lên cây cao ven đường để quan sát du khách.

Ngày gùi hàng nặng nhọc. Đêm đến không phải lúc nào cũng có giấc ngủ để lấy lại sức. Trong căn lều chật hẹp, đẫm sương, đội vận chuyển chen chúc nhau. A Lử kể, những ngày khách đi đông, không đủ lán ngủ, porter trải bạt ra giữa rừng, thậm chí nằm lăn lóc, co quắp trên mặt đất, ngủ qua đêm.
< A Lủ, một porter đang thổi khèn khi cùng du khách dừng chân ở độ cao 2.200 m. Tiếng khèn vang lên giữa núi rừng khiến du khách quên đi vất vả.

Tờ mờ sáng ngày thứ hai nơi chặng nghỉ 2.800 m so với mực nước biển, nhiều khuôn mặt porter phờ phạc sau đêm trắng, lại thoăn thoắt đôi tay lo bữa sáng cho đoàn. Những đôi tay trần nhúng vào nước suối buốt lạnh để rửa rau quả, bát đĩa...?

A Lử kể: "Có khách thì người ta (công ty) gọi đi. Bình thường mỗi tháng chỉ đi được vài chuyến. Nếu mùa du lịch, đi nhiều thì cả tháng được khoảng hai triệu".
< Các porter chuẩn bị bữa ăn cho đoàn tại chặng nghỉ 2.200 m.


A Lử kể: "Có khách thì người ta (công ty) gọi đi. Bình thường mỗi tháng chỉ đi được vài chuyến. Nếu mùa du lịch, đi nhiều thì cả tháng được khoảng hai triệu".

< Từ độ cao 2.200 m trở lên, cả khách lẫn porter phải chinh phục những đoạn đường khó khăn, thường xuyên phải qua suối, dốc cao. Du khách phải chuẩn bị giày cao cổ, găng tay nhưng các porter chỉ đi dép nhựa, thậm chí không có.
< Leo Fansipan vào tháng 10-11 sẽ không gặp phải lạnh giá. Thời tiết khá đẹp với những tia nắng xuyên qua tán lá.



Trách nhiệm

Ngoài việc mang vác hành lý, mỗi porter còn phải biết thành thạo nhiều việc khác, từ nấu bếp, chuẩn bị bữa ăn, đến làm trại, sơ cứu vết thương… Ngay những porter nhỏ tuổi như Vàng A Toại (14 tuổi) đã tháo vát, gọn gàng lắm trong việc chuẩn bị bữa ăn cho khách; chặt cành cây đan khung, căng bạt dựng lều khi nghỉ.

Tối, cái lạnh ập xuống nhanh hơn. Thiếu đi ánh lửa ngoài trời (phòng tránh cháy rừng, các đoàn khách và porter không được tự ý đốt lửa) càng làm tăng thêm cái tĩnh mịch, lạnh buốt của khí núi, sương rừng. Nhưng bữa ăn của khách chẳng sơ sài vì đã có những con người trách nhiệm.

Với sự khéo tay, lẫn chu đáo, bữa ăn ở độ cao 2.800 m ấy cũng chẳng kém gì mấy so với quán ăn nơi phố phường: thịt gà, bò xào nấm, canh miến, canh măng...


< Không chỉ mang vác hành lý, dụng cụ dựng lều trại... các porter còn là người bạn đường của du khách để tâm sự.

Hầu như các porter lành nghề đều sẵn sàng lúc lên thì cõng hàng lẫn dìu khách, khi xuống đôi khi phải... cõng khách, do bị kiệt sức sau khi đến đỉnh. Niềm vui của họ là khi nhận được sự cảm thông của khách. A Lử bộc bạch, mỗi chuyến dẫn đoàn đi, các anh rất vui khi mọi người cùng lên tới đỉnh và quay trở về an toàn.

< Không ít porter là nữ.

Cũng buồn lắm, nhưng không thể nào khác, khi có người không thể đi hết hành trình. Trong bao nhiêu năm theo đoàn dẫn khách, A Lử vẫn cứ nhớ, cứ tiếc những lần cùng cả đoàn phải quay về khi gần tới đỉnh do thời tiết xấu.
< Khi du khách lên tới đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143 m cũng là lúc porter có thời gian nghỉ ngơi lâu nhất.

< A Lử có gần chục năm kinh nghiệm leo Fansipan.


Tận tụy và trách nhiệm, dường như có một nguyên tắc ngầm của người làm nghề vận chuyển ở đây, không ngồi ăn cùng và chung thức ăn với khách. Đáp lại lời mời của mấy bạn nữ trong đoàn tôi, các porter chỉ cười hiền khô kèm lời từ chối ngắn gọn.

Có kinh nghiệm từ những lần leo trước, Triều, một thành viên trong đoàn, ý tứ nhắc mọi người để riêng một phần thức ăn, rau quả cho các porter. Những porter cũng khéo đáp lại thiện chí của đoàn. Cũng hiểu từ sự tận tụy mà cô bạn trong đoàn tôi cười xòa và vui vẻ chờ người trong đoàn khi xin nước từ một porter đoàn khác đi ngược chiều và bị từ chối: “Đây là nước của khách, mình không cho được”…

Chúng tôi rời Fansipan trở xuống khi trời đã ngả chiều. Ngược hướng chúng tôi, cung đường vẫn đậm đầy hình ảnh những người vận chuyển nặng trĩu gùi hàng, lặng lẽ lẫn tận tụy dẫn đoàn vượt dốc băng rừng, ngược hướng lên đỉnh.

Du lịch, GO! - Theo Tienphong, VnEpress