Theo chỉ dẫn của thầy địa lý, vào thời Lý Thần Tông, chọn ngày Tân Dậu, tháng Đinh Tỵ, Trần Hấp đã di dời mộ tổ từ Tức Mặc về táng vào gò hỏa tinh ở đất Tinh Cương.

Vì sao nhà Trần đắp mộ to như núi ở Thái Bình?

< Phần Bụt nghi là mộ của vua Trần Nhân Tông.

Làng Tam Đường xưa có tên là Thái Đường. Sở dĩ gọi là Tam Đường vì làng gộp lại từ ba thôn Phúc Đường, Ngọc Đường và Thái Đường.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, từ xa xưa, người Việt cổ đã đến đây, dựa vào các gò đống (đất nổi) để sinh sống bằng nghề đánh cá, trồng lúa lốc. Thói quen trồng lúa lốc vẫn còn đến đầu thế kỷ 20.

< Ba ngôi mộ khổng lồ trước làng Tam Đường.

Quá trình bồi đắp của phù sa sông Hồng khiến ngôi làng này có hình thế “Tiền tam thai, hậu thất tinh”, là đất phát tướng, phát vương, theo quan niệm của các thầy địa lý Tàu.

Vào thời ấy, có thầy địa lý thường đi tìm thế đất để đặt mộ cho các nhà quyền quý. Đến vùng Tinh Cương (Tam Đường), thấy thế đất đẹp, liền báo cho nhà Nguyễn. Nhưng người họ Nguyễn không tin, lừa cho say rượu rồi đêm tối trói lại quẳng xuống sông Hồng.

< Tháp mộ vua Trần Nhân Tông ở am Ngọa Vân trên sườn Tây Yên Tử.

Vào cuối thế kỷ 12, cụ Trần Kinh, từ đất Yên Sinh (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh) đi đánh cá đến tận vùng Tức Mặc (Nam Định). Thấy cảnh bãi bồi rộng lớn, đất đai phì nhiêu nên dừng chân lập trang ấp sinh nhai.

Cụ lấy vợ ở đây, sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp cũng giỏi nghề chài lưới. Khi cha mất, Trần Hấp chỉ đạo đội quân chài lưới kéo xuống tận ngã ba sông Hồng và sông Luộc đánh cá.

Đang đánh cá, nghe tiếng kêu cứu, Trần Hấp cứu được thầy địa lý. Thầy địa lý thuật lại sự tình, rồi nói: “Đội ơn cứu mạng, già này xin được biếu một nơi cát địa để báo đền”.

< Mộ quách gỗ khai quật ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh).

Theo chỉ dẫn của thầy, vào thời Lý Thần Tông, chọn ngày Tân Dậu, tháng Đinh Tỵ, Trần Hấp đã di dời mộ tổ từ Tức Mặc về táng vào gò hỏa tinh ở đất Tinh Cương. Thế đất được mô tả như sau:“Phấn đại dương giao chiếu/ Liên hoa, dĩ sắc đắc thiên hạ” (Dịch nghĩa:“Phấn son cùng chiếu rọi/ Trước mặt nở hoa sen”, nghĩa là sau này ắt nhờ người phụ nữ có nhan sắc mà đoạt được thiên hạ).

Cuộc chuyển mộ cực kỳ tốn kém, tốn tới 1.000 hốt bạc. Xong xuôi việc đặt mộ, Trần Hấp di dời toàn bộ gia đình từ Tức Mặc về hương Tinh Cương. Ngày đi đánh cá, đêm về căn chòi bên mộ cha để trông nom, chăm sóc.

Tính từ khi chuyển mộ đến khi Trần Hấp lấp vợ là 28 năm. Ông sinh ra Trần Lý, Trần Lý sinh Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung… Trần Thừa sinh Trần Liễu, Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu (Hạo).

Đến đời Trần Lý, dòng họ Trần đã giàu có và nổi tiếng khắp vùng. Vì có loạn Quách Bốc ở kinh thành, Trần Lý đã đón Hoàng hậu Đàm Thị cùng Thái tử Sảm về sống ở Lưu Gia (Lưu Xá), là gia trang giàu có nhất nước của Trần Lý, cách Thái Đường 4km.

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, trong thời gian lánh giặc ở đây, Thái tử Sảm đã đem lòng yêu và lấy Trần Thị Dung, người con gái tài sắc vẹn toàn nhất thiên hạ lúc bấy giờ.


< Đền An Sinh thờ các vị vua Trần.

Vua Lý Cao Tông mất, Thái tử Sảm lên ngôi, phong cho Trần Lý (bố vợ) tước Minh Tự và phong chức Điện Tiền chỉ huy sứ cho cậu vợ là Tô Trung Từ (vốn là võ quan của triều Lý). Trần Thị Dung nghiễm nhiên trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Họ Trần dốc lòng giúp vua Lý dẹp loạn Quách Bốc, Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng…

Trần Thị Dung sinh được hai công chúa, Chiêu Hoàng và Thuận Thiên. Năm 1225, Chiêu Hoàng (lúc này đang làm vua) đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Từ đó họ Trần làm vua ở Việt Nam, trải 175 năm (1225-1400). Tính từ khi Trần Hấp di dời mộ cha về hương Tinh Cương, đến khi nhà Trần lên ngôi là 70 năm.

Tập tục và tâm lý của người Việt Nam xưa và nay luôn có nguyện vọng là lúc nhắm mắt xuôi tay được trở về nơi quê cha đất tổ để phần mộ được đời đời con cháu trông nom. Mỗi khi vua Trần mất đi, thi hài được táng ở vùng đất phát nghiệp, với ước mong con cháu đời đời nắm giữ ngôi báu.

Tại đây, nhà Trần cho xây dựng Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Đức Lăng vô cùng hoành tráng, là nơi an táng Thái Thượng hoàng Trần Thừa, vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông… Tuyên Từ Hoàng Thái hậu và vua Hiển Tông cũng được an táng ở An Lăng.

Tại làng Thái Đường thuộc phủ Long Hưng còn xây các cung điện Tinh Cương, Hưng Khánh, Diên An, Diên Hiển, Thềm Thiên Trì… Bến Ngự là nơi các vua Trần đi thuyền từ Thăng Long về quê hương Tam Đường tế tổ tiên.

Theo ông Cường, Phó ban quản lý di tích đền Trần, các nhà khoa học đã đào thám sát nhiều nơi trong vùng và chỉ đào sâu xuống lòng đất chừng 1m là phát hiện dấu tích di chỉ khảo cổ. Hệ thống thành quách ở đây hoành tráng không kém gì Thăng Long.

< Quảng trường rộng mênh mông bên 3 ngôi mộ khổng lồ.

Một công trình rất vĩ đại, ấy là nhà Trần đã đào một con sông lớn, giờ gọi là sông Thái Sư bao quanh thành, vừa để làm đường thủy, phục vụ việc đi lại, vừa là hào sâu cản bước quân giặc.

Cuối đời Trần, đất nước nhiều lúc lâm nguy, nạn giặc dã tàn phá lăng mộ, nên năm 1381, triều đình nhà Trần đã rước thần tượng ở một số lăng về vùng đất Yên Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh).

Hiện ở làng Tam Đường còn lại 3 ngôi mộ khổng lồ, nguyên vẹn, gọi là Phần Bụt, Phần Trung và Phần Đa. Đáng lưu ý là nấm mộ có tên Phần Bụt, to như quả đồi, án ngữ phía Nam làng Tam Đường.


< Lăng mộ 3 vị vua Trần ở An Sinh thảm hại thế này đây.

Mặc dù đã bị tàn phá nhiều lần, 700 năm mưa gió mài mòn, song quy mô ngôi mộ vẫn còn rất lớn. Cách đây mấy chục năm, ngôi mộ bị đào bới, quách gỗ và quách đá lộ ra.

Tương truyền, mộ phần Bụt đã từng bị Ô Mã Nhi cho lính khai quật. Khi đào đến phần quách đá thì mây đen vần vũ, sét đánh xuống sáng lòa cả vùng. Quân giặc cho rằng thần linh quở trách nên giặc sợ không dám đào tiếp.

Cũng vì lẽ đó mà khi đem bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp về tế mộ tổ ở Thái Đường, vua Trần Nhân Tông trước cảnh lăng mộ tổ tiên bị đào bới, ngựa đá lấm bùn, nên đã tức cảnh làm hai câu thơ nổi tiếng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông ngàn thủa vững âu vàng).

< Nhìn cảnh lăng mộ, đền đài hoành tráng ở Tam Đường, lại thấy ngậm ngùi với nơi hương khói thờ tự vua Trần ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Ảnh chụp mộ vua Trần Anh Tông.

Vào những ngày lễ hội đầu xuân, đặc biệt là vào rằm tháng 2 âm lịch, hội đền Trần diễn ra rất long trọng ngay dưới chân những gò mộ khổng lồ. Hội có nhiều trò vui như chọi gà, đấu võ, thả diều, rước kiệu… Đặc biệt thú vị là tục thi luộc cá trắm rất độc đáo, tưởng nhớ đến nghề đánh cá của tổ tiên nhà Trần.

Hết
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3

Du lịch, GO! - Theo Phạm Ngọc Dương, VTC, Internet