Con đường kỳ bí lên Ngọa Vân am.

Sau gần 700 năm bị lãng quên trong rừng rậm và mây mù. Am Ngọa Vân, nơi đệ nhất tổ của phái Trúc Lâm Yên Tử viên tịch, nay lại trở thành nơi bước chân phật tử và khách du lịch hướng về.

Để đến am Ngọa Vân con đường thú vị là đi qua dốc Đô Kiệu, theo lối Thông Đàn. Xuất phát từ Hà Nội, bạn hãy đến làng Trại Lốc (Đông Triều - Quảng Ninh). Chúng tôi xuất phát từ Trại Lốc. Đoạn đường trước khi đến dốc Đô Kiệu không quá khó đi, vì phần lớn là đi theo lối mòn. Nhưng con dốc Đô Kiệu thì quả không sai với ý nghĩa của cái tên. Dốc dựng đứng, và không có bậc, xưa kia kiệu của vua Trần khi đi theo lối này, đến đây cũng đành dừng lại (vậy nên tên gọi khởi thủy của nó là Đỗ Kiệu).

< Toàn cảnh Thông Đàn.

Thở hết dốc, và thêm một chút nữa là tới Thông Đàn. Cái tên này được giải thích do khi xưa, đây là một dải rừng chỉ trồng toàn thông.

Các vị vua cùng các nhà sư từ đời Trần đã lựa chọn nơi này bởi lẽ, vào đến đây, tiếng thông reo vi vu trong gió tựa có cả dàn nhạc đang được tấu lên.

< Những gì còn sót lại tại Thông Đàn.

Chính vì vậy, ở Thông Đàn, cũng giống như ở chùa Vân Tiêu bên Yên Tử Đông, có một nét phong thủy rất đặc trưng, đó là khối kiến trúc gồm một tòa tháp tọa giữa hai gốc thông cao vút.

Nền đá còn lại của Thông Đàn cho thấy rõ đây đã từng là một rừng tháp quy mô lớn.

< Mộ tháp dưới hai gốc thông.

Giống như một khoảng sân rộng lớn gồm ba tầng rõ rệt. Có đá lát, đá viền xung quanh. Thời gian, cùng với sự thèm khát thiếu văn hóa của nhiều con người đã biến Thông Đàn trở thành bãi đá ngổn ngang và những gốc thông trơ trọi.

Những khối đá vuông vức này là phần còn lại của những tòa tháp cổ đã bị đào xới, đánh mìn, lật tung lên để tìm của báu.

Còn Thông Đàn, sau nhiều năm bị khai thác bừa bãi và chặt trộm… giờ chỉ còn sót lại một vài gốc đứng chơ vơ hứng chịu mọi tia sấm sét của bầu trời.

Cách Thông Đàn không xa là khu hoang phế gồm phần nền móng và một bức tường đổ sau những biến động của thời gian và lịch sử. Bức tường đá ong và những nét họa tiết còn sót lại cho thấy khi còn nguyên vẹn, đây là một gian kiến trúc khá cầu kỳ, và được xây dựng rất cẩn thận.

< Gian thờ chính.

Dù vừa đi vừa nghỉ, nhưng cũng phải dồn hết sức chúng tôi mới đến được Ngọa Vân. Đặt chân tới đây, bạn cảm nhận được sự yên tĩnh đến diệu kỳ. Những bậc đá phủ rêu đưa bước chân thoát tục hướng cao lên đỉnh núi, nơi có Ngọa Vân am.

< Tháp Phật Hoàng và tháp Đoan Nghiêm.

Vẫn còn nguyên vẹn tại đây hai tòa mộ tháp nhuốm màu thời gian: tháp Đoan Nghiêm và tháp Phật Hoàng.

Dấu ấn vương giả một thời đã chìm vào quên lãng với voi đá, ngựa đá… giờ nằm lại nơi này như minh chứng cho sự gác bỏ phồn hoa trần tục của vị vua kiệt xuất đời Trần.

Phía sau gian thờ là tòa am nhỏ đề ba chữ Hán: “Ngọa Vân am”. Bên trong thờ tượng Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch có Bảo Sái quỳ chắp tay hầu.

Trong nhiều tài liệu sử liệu cổ có ghi chép về sự việc Trần Nhân Tông viên tịch, đó là tại am Ngọa Vân, vào đêm 1-11-1308.

Khi dặn dò Bảo Sát, Điều Ngự nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch.

< Tượng Phật Hoàng lúc viên tịch có Bảo Sái hầu bên cạnh.

Việc xác định vị trí am Ngọa Vân ở đâu - một vấn đề mang nhiều tranh cãi của các nhà khoa học - đến nay đã được nhà khảo cổ học Nguyễn Văn Anh và nhiều đồng sự khác tại Viện Khảo cổ học giải đáp thỏa đáng. Khi thám sát, khai quật am Ngọa Vân đoàn đã tìm được nhiều dấu tích liên quan đến việc đức vua Trần Nhân Tông viên tịch tại đây.

< Giếng đá tại Ngọa Vân có nước trong vắt.

Tiêu biểu như di vật Phật hoàng tháp, được xác định là mộ tháp của Phật hoàng, bài vị thờ ngài trong tháp và tấm bia thời Nguyễn được vua Minh Mạng cho dựng để ghi nhớ vị trí tháp mộ Trần Nhân Tông. Trong khi đó vị trí được coi là am Ngoạ Vân ở di tích Yên Tử hiện nay chỉ là công trình mới được hình thành vào thời Lê, Nguyễn.

Điều này khẳng định nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch là am Ngoạ Vân ở xã An Sinh, huyện Đông Triều chứ không phải am Ngoạ Vân tại di tích Yên Tử hiện nay như nhiều người vẫn nghĩ.

< Ngôi mộ thật kỳ lạ...

Thầy trụ trì đi vắng, chúng tôi xin phép sư thầy Thích Tiến Thắng cho nghỉ lại một đêm. Không phải là những người đầu tiên lên chùa, hơn thế, gần đây đội khảo sát Thông Đàn cũng xin nghỉ đêm lại gian nhà khách, nên các thầy không bất ngờ. Những ngày rằm, hay ngày giỗ Nhất Tổ (3-11), các Phật tử sẽ còn lên đông nữa.

Tự nhiên, trong lòng cảm thấy tiêng tiếc một cái gì đó, giống như cảm giác sự yên tĩnh của Ngọa Vân đang bị lấy mất dần đi.

Thời gian gần đây, khách du lịch lên chùa ngày một nhiều. Trong tương lai, khi con đường bộ hoặc đường cáp treo hoàn thành, Ngọa Vân rồi sẽ trở về đúng vị trí, sẽ giống như Yên Tử hiện tại, với ồn ã kinh doanh, hành hương chen chúc... Liệu lúc đó, cửa Ngọa Vân có còn đủ chỗ cho 1 người qua đường lỡ bước xin nghỉ qua đêm?

Sáng hôm sau, tiếng tụng kinh và tiếng mõ của các thầy đánh thức mọi người dậy sớm. Lịch của các thầy bắt đầu từ 4 giờ. Trong ánh đèn pin, hai anh em dậy thu dọn đồ đạc, rồi xuống bếp chùa nấu nhờ bữa sáng. Dù các thầy có máy phát điện chạy từ con đập nhỏ phía dưới, nhưng không phải lúc nào cũng có đủ nước để máy chạy. Thế nên, đèn, nến và bếp lửa vẫn là nguồn ánh sáng chính lúc này.

Buổi sáng quen thuộc của Yên Tử lại bắt đầu với nắng sớm, gió lạnh, tiếng tụng kinh gợi cảm giác thiền lặng như từ một miền xa xôi. Chào tạm biệt các thầy, chúng tôi quay về theo lối đi qua dốc Voi rồi về thôn Tân Sơn. Con đường này, đoạn gần am Ngọa Vân, hai bên trúc mọc dày đặc, ken kín một màu xanh dịu mát.

Lối đi này dễ đi hơn nhiều so với lối đi từ Trại Lốc và là ngã ba đường để đi tới chùa Hồ Thiên, nơi bắt đầu câu chuyện thứ hai về Tây Yên Tử.

Hồ Thiên tự

< Gian thờ cũ chùa Hồ Thiên.

Ngọn núi đôi nổi tiếng miền Đông là thắng cảnh thuộc hàng bậc nhất thiên hạ với những am mây, hang rồng sừng sững xanh, mây dồn, gấm tụ, đá núi liền tận Quỳnh Lâm bảo đài… Còn có cả động Trù Phong sừng sững nhấp nhô góc dồn xe biếc, đỉnh núi bao quanh, suối khe uốn lượn…

< Dốc Voi.

Chỉ có nhà Trần xưa vốn tôn sùng đạo Phật, mở núi, san nền nơi đây, xây tam cấp, dựng bảo tháp 5 tầng. Trải bao sương gió, nền móng vững bền mà biếc vàng lộng lẫy…
(Trích bia đá chùa Hồ Thiên)

Không phải là đến hẹn lại lên, mà vẫn là con đường thôi thúc. Chúng tôi lại đi Tây Yên Tử, lên chùa Hồ Thiên. Từ Hà Nội đến Đông Triều, rẽ tại ngã ba Tràng An để đến thôn Tây Sơn (xã Bình Khê). Bánh xe lăn qua những con dốc đá gập ghềnh để tới sát chân dốc Voi, ở đó có nhà chú Sơn, nhận trông xe mùa lễ hội. Chúng tôi đi lối dốc Voi. Đây là con đường dốc đứng, men theo những lối mòn nhỏ hẹp vốn là lối kéo gỗ từ trên núi xuống.

< Bãi đá chồng.

Hết dốc là lên tới đỉnh bãi Đá Chồng, tại đây có một quán nước nhỏ vốn đóng cửa quanh năm, chỉ mở trong mùa lễ hội làm điểm dừng chân cho khách. Bà chủ quán có món nước nấu từ cây cao cẳng (còn được gọi là sâm cao cẳng) vị ngọt mát, rất dễ uống.

Đường lên chùa đi qua những đồi đá, cỏ tranh đan xen với những khoảnh núi mới được phủ xanh lại bởi thông, keo và bạch đàn. Những khoảng rộng mới trồng lại, nhìn từ xa lấm tấm gợi liên tưởng như những lỗ tổ ong lớn. Nắng gắt cùng bụi tạo nên sự khô hanh, cằn cỗi.

Hồ Thiên hiện tại đã được tu sửa nhiều. Ngoài thầy Thích Trí Thông, hiện có thầy Thái An tu tại đây. Và có một phật tử giúp hai thầy công việc trong chùa, bác An, nhà ở Đông Triều. Cứ mỗi năm ngày một lần lại có người lên và cũng là mang thêm lương thực, đồ dùng cho chùa. Thầy Thái An đang chuẩn bị nhập thất. Mấy anh em gặp thầy Thích Trí Thông và tranh thủ tiếp chuyện với thầy lúc chưa vào giờ kinh kệ.

< Dãy nhà mới chùa Hồ Thiên.

Hồ Thiên là ngôi chùa nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời phong kiến. Chùa được khởi dựng dưới triều Trần. Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông (tức đệ nhất tổ phái Trúc Lâm) từng đăng đàn thuyết pháp tại đây. Sau khi ngài mất, đệ tử chùa Hồ Thiên đã tạc tượng thờ ngài.

< Bia đá chùa Hồ Thiên.

Nhiều năm sau cổ tự Hồ Thiên đã trở thành thiền viện danh tiếng của Phật phái Trúc Lâm. Đời Hậu Lê vào năm Vĩnh Khánh 1729 - 1732 và Vĩnh Hựu 1735 - 1740 triều đình đã cấp tiền trùng tu với quy mô rộng lớn khang trang lộng lẫy nhất vùng. Đến đầu thế kỷ 19 chùa bị đổ nát chỉ còn di tích.

Tại chùa Hồ Thiên còn lưu giữ tấm bia đá soạn vào năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736), đời vua Lê Ý Tông nói về việc trùng tu chùa Hồ Thiên.

< Dấu tích nền móng chùa Hồ Thiên.

Bia được dựng trong nhà bia bằng đá. Tường và mái của tòa nhà toàn bằng đá xanh. Những phiến đá lớn thớ mịn, được mài nhẵn ở tất cả các mặt, xẻ mộng để ghép rất khít vào các răng. Chúng được trang trí bằng các hoa văn họa tiết rất sinh động. Hai mặt cạnh của bia có đôi câu đối khắc nổi. Đế bia cũng được chạm khắc tinh xảo các hình rồng phượng, hoa lá... Qua gần 300 năm, mọi chi tiết, các nét chữ vẫn còn rõ nét.

< Tháp 7 tầng chùa Hồ Thiên.

Năm 1998, chuyên gia Hán Nôm Nguyễn Văn Phong khi lặn lội rừng già để đến được chùa Hồ Thiên đã ngỡ ngàng trước tòa tháp đá xanh bảy tầng tuyệt đẹp cao vút giữa rừng cây. Tiếc thay, khi khu dí tích chùa Hồ Thiên chưa được quan tâm thì tháp đã bị những kẻ đi săn tìm đồ cổ đánh sập. Thầy Trí Thông cũng chỉ đành gom góp những khối đá xanh chỏng chơ còn lại, đến mãi cuối năm 2008 mới dựng lại tòa tháp hiện nay như những gì còn nhớ được.

< Tháp gạch cổ chùa Hồ Thiên.

Trong khuôn viên của chùa Hồ Thiên, các công trình kiến trúc vẫn còn giữ nguyên phần tường xây, nền chùa và chân bệ. Hiện còn lại dấu tích của ba lớp nền bó vỉa bằng đá cuội. Ba lớp ứng với ba tầng bậc cao dần lên. Ở mặt bằng của tầng cao nhất còn nguyên các bệ đá kê chân cột, mặt tròn nền vuông có hình cánh sen được chạm cách điệu. Các bệ đá kê liền nhau, sắp xếp theo vị trí kiến trúc cột cái, cột con. Quanh chùa còn những ngôi mộ tháp, tháp gạch, tháp đá rất hiếm gặp. Các tháp này mang dấu ấn nghệ thuật thời Lê. Trong một ô lõm của tháp có đặt pho tượng bằng đá trắng. Tượng được tạc trong tư thế ngồi thiền.

Buổi tối, trăng rất sáng. Mọi người nhất trí tắt máy nổ, dùng nến và ánh trăng để vừa ăn tối vừa trò chuyện. Bữa tối có món măng rừng xào ớt. Măng trúc có vị đắng nhiều hơn ngọt, gợi nhớ lại những năm trước, thời gian mà nhà chùa chỉ có vả luộc, măng trúc và chuối rừng chát ngâm muối. Đó là tất cả những gì đã giúp thầy và phật tử duy trì cuộc sống tu hành.

< Bữa tối trên chùa.

Đêm đó chúng tôi ngủ thật ngon. Hồ Thiên vẫn luôn yên tĩnh và thanh tịnh. Vẫn luôn có gió núi, trăng rừng và tiếng chuông lẩn khuất trong mây.

Lại chia tay với thầy và bác An cùng mọi người, mong sẽ sớm quay lại. Vẫn còn lối lên Hồ Thiên từ phía đập Bến Châu. Vẫn còn con đường là vẫn có lối đi. Nhất là khi một phần nơi đây đã in dấu trong mỗi chúng tôi, đó là Yên Tử, góc phía tây tĩnh lặng.


Góc lặng phía tây

Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu. Câu thơ chẳng biết có tự bao giờ, nhưng nó như kim chỉ nam để hằng năm khách thập phương lũ lượt đổ về Yên Tử, nơi từ góc nhìn tại Ngọa Vân am hay Hồ Thiên tự chính xác mang tên Yên Tử Đông. Tức ở về phía đông.

< Hồ Bến Châu, xã Bình Khê.

Vô tình như một cách chơi chữ, nó cũng thật sự là nơi đông đúc khách thập phương. Còn ở đây, sau nhiều năm chìm trong quên lãng, một góc thiền lặng phía tây đang hồi sinh từng ngày.

< Lối đi Thùm Thùm ngược dòng suối.

Để lên am Ngọa Vân và chùa Hồ Thiên, ngoài lối đi qua Thông Đàn hoặc lối đi qua dốc Voi, còn một lối đi nữa là đi đò qua hồ Bến Châu. Từ chợ Bình Khê, đi vào tới khu vực đập Bến Châu, chúng tôi hỏi đường lên đập tìm vào nhà anh San chị Luận chuyên chở khách đi thuyền.

< Lối đá nhỏ qua suối dẫn lên miếu Cậu.

Hồ Bến Châu khá rộng, nhưng với chiếc thuyền gắn máy, một chiều đi chỉ mất chừng 10 phút. Xe máy cũng được gửi lại đây.

Nước hồ xanh và trong vắt. Nhưng sau mới biết do việc khai thác than làm lượng than bùn cùng hóa chất lắng xuống hồ quá nhiều, rong rêu không thể mọc và tôm cá cũng chẳng loài nào sống nổi.

Trên mặt hồ giữa các đảo có một dãy cột bêtông, dự định để bắc cầu nối các hòn đảo lại với nhau. Cột có lẽ đã được xây một thời gian nhưng cầu vẫn chưa xong. Bờ bên kia hồ, một đàn trâu lớn thả rông đang nhẩn nha nằm nghỉ ngay sát mép nước.

Rời thuyền, chúng tôi bắt đầu hành trình đi bộ theo lối Thùm Thùm. Đoạn đầu đi qua một dãy vườn vải, sau đó ngược dòng suối. Con suối trong hướng dẫn nằm tít dưới sâu, lòng suối cạn, thỉnh thoảng có những đoạn nước dồn thành vũng lớn. Đi đến khi gặp những tảng đá nhỏ xếp ngay ngắn thành con đường cắt ngang suối, vậy là đã tới được miếu Cậu.

< Con đường lên chùa qua những ngọn đồi mới trồng thông, lấm tấm như tấm thảm rộng.

Đi tiếp theo hướng những mũi tên sơn đỏ do bà con trong vùng vẽ chỉ lối lên chùa, đến gần trưa mọi người mới dừng lại nghỉ. Trời nắng gắt, nhưng gió nhẹ và không khí trong lành làm mọi mệt nhọc đều tan biến.

Nghỉ trưa xong, hành trình tiếp tục với những đoạn dốc lên xuống và những đoạn suối uốn lượn lùi lại. Một trảng cỏ rộng trải ra trước mắt. Mùa khô, mọi thứ đều cằn cỗi. Qua đoạn này là tới khu vườn vải, ngã ba đường đi tới am Ngọa Vân hoặc lên chùa Hồ Thiên.

< Phật tử lên chùa, đồ mang theo còn có can xăng nhỏ giúp nhà chùa chạy máy phát khi mùa nước cạn.

Đường lên chùa là dốc núi khó đi. Những đoạn dốc đứng đường đất, gần như không có bậc để đặt chân. Chỉ đến những đoạn dốc đá mới có bậc được xếp tạm.

Cảnh cũ, chùa cũ và cây cỏ cũ. Gặp lại thầy Trí Thông, bác An thì đã về Đông Triều. Thầy Thái An cũng không còn ở đây. Nhà chùa đang cho xây thêm một gian nhà khách, cũng gần xong. Cả Ngọa Vân và Hồ Thiên đều đang có những thay đổi. Những thay đổi làm nơi này bớt hoang vắng, nhưng cũng đang mất dần sự yên tĩnh trước đó.

< Nắng sớm bên chân tháp chùa Hồ Thiên.

Mâu thuẫn vẫn là mâu thuẫn. Cái sang trọng và thanh tịnh dường như là hai khái niệm khó có thể đi cùng với nhau.

Có thể nhận thấy điểm tương đồng giữa Hồ Thiên và Ngọa Vân là cùng một thế núi vòng cung, mà như mọi người vẫn nói: thế núi ngai vua. Cùng nằm ở nơi xa khuất, không dễ dàng gì tới được. Và sự khác biệt cũng cảm nhận được: Ngọa Vân giờ đông đúc hơn (các sư thầy, đội khảo sát Thông Đàn, cùng những người làm), còn Hồ Thiên vắng vẻ hơn dù về quy mô Hồ Thiên lớn hơn Ngọa Vân nhiều.

Đường vào vẫn còn khó khăn, nhưng so với thời gian các thầy chỉ có chuối rừng muối, lá vả luộc, cũng như rau củ rừng giờ đã khác xa lắm rồi. Đều đặn vẫn có phật tử gánh đồ theo những dốc đá mà người bình thường đi thấy bở hơi tai để mang lên cho chùa.

Cuộc sống tu hành đã bớt đi một phần lo toan, tuy nhiên vẫn chưa phải hết. Có lẽ phải có được cái tâm bình lặng trước mọi sự biến đổi như thầy Trí Thông mới có thể giữ trọn đạo tu.

Hiện nơi đây vẫn còn đủ yên tĩnh. Trăng đầu tháng nửa vầng đủ soi rõ cảnh vật, gió đêm mới chỉ se se lạnh, và vị ngòn ngọt từ nước giếng chùa. Tiếng chuông gió khẽ đưa từ mái hiên, tiếng côn trùng rả rích bốn bề. Đó thật sự là sự lôi cuốn của tĩnh lặng chứ không phải của sự ồn ào. Ngoài xa dưới kia, ánh đèn đường 18 vẫn sáng lung linh suốt đêm, ở đó cuộc sống vẫn đang diễn ra không ngừng nghỉ.

Đi xa hơn một chút, vắng vẻ hơn một chút, thời gian dư ra thêm một chút, người ta có thể nghĩ nhiều hơn và quên đi nhiều hơn. Quên con đường vào lắt léo, quên dốc Đô Kiệu dựng đứng, quên bãi Thông Đàn nền cũ ngổn ngang, quên cả am chùa tĩnh mịch, rồi quên cả gió, núi và trăng... Người ta cố đi thật xa là để nhận ra chân lý hay là để trốn tránh bụi trần?

Vẫn là Hồ Thiên và Ngọa Vân với những nền móng, chùa tháp cũ sót lại. Vẫn còn xa tới khi đường vào tây Yên Tử được hoàn thành.


Du lịch, GO! - Theo Hoàng Hà Mai, TTO, Zing...