Lấy nước từ cây thốt nốt, đồng bào dân tộc Khmer chế biến thành sản phẩm thơm phức và có vị ngọt rất đậm đà, đó là loại đường truyền thống của vùng núi Thất Sơn-An Giang. Hiện nay, thời điểm khai thác nước và mùa nấu đường thốt nốt bắt đầu, du khách đến An Giang chắc hẳn không thể bỏ qua loại đặc sản độc đáo này.

Cây thốt nốt nhiều nhất tại khu vực An Cư, Văn Giáo, An Hảo, An Phú, Xuân Tô, Nhơn Hưng… (huyện Tịnh Biên) và Ô Lâm, Núi Tô, An Tức… (huyện Tri Tôn). Theo các Hội Nông dân xã, thị trấn vùng núi cho biết, có khoảng hơn 60.000 cây thốt nốt cho sản lượng từ 5.500 tấn – 6.000 tấn đường; mỗi năm tăng lên từ 10% đến 15% do tuổi thọ cây càng cao, trữ lượng nước dồi dào và tỉ lệ đường thành phẩm cũng nhiều hơn.

Hầu hết, người làm nghề đều là đồng bào dân tộc Khmer, sản phẩm nguyên chất rất an toàn, mang hương vị đậm đà và dân dã, rất khoái khẩu đối với du khách gần xa.

Đường thốt nốt có 2 loại sản phẩm chủ yếu, là đường thô (nguyên chất) đựng trong keo nhựa và đường tán (vừa và nhỏ đã qua chế biến) gói bằng lá thốt nốt hoặc bọc nilon.
Khi cây lúa mùa vùng núi chín rộ, lượng mưa bắt đầu thưa dần và thời tiết từ từ chuyển sang mùa khô thì thời điểm khai thác nước cây thốt nốt và đồng bào dân tộc Khmer vùng Thất Sơn bắt đầu mùa làm đường.

Người sống với nghề ở thời điểm này, lo sắm sửa đủ thứ, nào là cây tre làm đài leo, keo nhựa đựng nước, dự trữ trấu và lá cây rừng, lau chùi nồi, kiểm tra lại lò đốt… sẵn sàng cho mùa làm ăn trong niên vụ mới.
Do nghề nghiệp thủ công nên dụng cụ thiết yếu cũng đơn giản, chỉ cần từ  3 đến 5 triệu đồng/hộ là có thể hoạt động được và thuê 25 đến 30 cây thốt nốt khai thác mãn mùa (6 – 8 tháng).

Để hỗ trợ cho hộ nghèo và người gặp hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, Hội Nông dân An Giang cũng đã triển khai dự án “Huấn luyện, chuyển giao phương pháp khai thác và chế biến đường thốt nốt theo kỹ thuật mới” tại các xã Núi Tô, Lê Trì (huyện Tri Tôn); An Cư, An Hảo, Văn Giáo (huyện Tịnh Biên).

Hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Khmer được giúp đỡ kỹ thuật khai thác nước thốt nốt, chi phí mua sắm dụng cụ và xây lò nấu đường, kinh phí 300 triệu đồng do Trung ương Hội Nông dân tài trợ. Đây là bước đột phá mới, giúp nghề truyền thống hoạt động ổn định, sản phẩm đặc sản vươn xa và tăng thêm thu nhập cho đồng bào vùng núi Thất Sơn. Kết quả mang lại rất khả quan, tuy nguồn vốn không lớn và số hộ được hỗ trợ chưa nhiều, bởi mục tiêu của dự án chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm.

Tháng mười một âm lịch, mùa thắng đường thốt nốt bắt đầu khởi động, giữa trưa làn khói phảng phất qua những mái nhà, rồi lan tỏa hương thơm len lỏi trong từng phum, sóc… gây nên cảm giác thú vị đối với du khách. Đầu mùa này, một lò làm ra được 5- 10kg đường mỗi ngày, giá bán tại chỗ dao động 15.000 – 18.000 đồng/kg; sản lượng sẽ còn tăng lên gấp đôi, ba lần khi vào cao điểm mùa khô.

Nếu một hộ mướn 15 đến 20 cây thốt nốt, khả năng làm ra được hơn 20kg đường, trừ chi phí vật liệu pha chế và chất đốt, mỗi ngày kiếm được 150.000 – 250.000 đồng. Niên vụ khai thác nước và làm đường thốt nốt kéo dài 6 – 8 tháng, cao điểm nhất là vào tháng chạp kéo dài cho tới Tết Nguyên đán và bước sang tháng giêng, tháng hai, tháng ba.

Ở thời điểm này, tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, nhiều cơ sở nổi tiếng sản xuất đường thốt nốt bắt đầu ráo riết đi thu mua, dự trữ đường thô để chế biến lại thành đường tán, đóng gói, có nhãn hiệu hàng hóa và địa chỉ xuất xứ, phục vụ du khách tham quan và người tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết.

Thông qua các kỳ hội chợ, triển lãm thì tán đường thốt nốt vùng núi Thất Sơn đã có mặt tại hầu hết các trung tâm, thành phố lớn trên cả nước và được cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng gần xa.

Những năm gần đây, đặc sản đường thốt nốt vùng núi Thất Sơn còn vươn ra trong khu vực và nhiều nước bằng con đường ký gửi cho các doanh nghiệp, vừa thông qua người Việt ở nước ngoài về thăm quê hương vào dịp lễ và Tết cổ truyền của dân tộc hàng năm.

Du lịchm GO! - Theo TRỌNG ÂN (An Giang Online)