Chinh phục Thiên Cấm Sơn.

Chưa kịp nghỉ lấy sức sau buổi sáng mỏi gối chồn chân khám phá Núi Dài huyện Tri Tôn, đến quá trưa chúng tôi lên tiếp núi Dài nhỏ - Năm Giếng tức Ngũ Hồ Sơn ở huyên Tinh Biên. Đó là ngọn núi nằm trong lòng thị trấn Nhà Bàng, với độ cao vừa phải có nhiều vồ đá tạo hình lạ lẫm bên cạnh vườn cây trĩu quả, những cánh rừng tre, trúc xanh mát mắt.
Ảnh: Toàn cảnh Thiên Cấm Sơn nhìn từ cao đỉnh 710 mét so với mặt biển.

Khám phá lại Ngũ Hồ Sơn

Với du khách đi núi, thăm cảnh đẹp thông thường, điểm đầu tiên đặt chân tới là khu vực năm giếng, cho dù nơi đây chưa hẳn là nơi cảnh sắc hữu tình, nhưng rất kỳ lạ.

< Hai trong năm giếng đá nằm chung trên cùng một khối đá khổng lồ ở Ngũ Hồ Sơn.

Lạ bởi năm hốc đá đầy ắp nước nằm san sát gần nhau như năm cái giếng trên cùng một khối đá thoai thoải. Đặc biệt, nước trong lòng đá tiết ra quanh năm, thậm chí có lúc còn tràn qua miệng giếng chảy thành dòng xuống mặt đất. Dân An Giang thường hay kể, trên đỉnh Thất Sơn hầu hết đều có “giếng Tiên” được cấu tạo từ mạch nước núi đá chảy ra vừa tích tụ, vừa xói mòn, nhưng không nơi đâu tập trung một chỗ như núi Dài nhỏ.

Từ Ngũ Hồ Sơn lên đỉnh, càng lên cao, cảnh vật càng hoang vắng cô liêu. Lác đác đây đó một vài chòi lá xiêu vẹo của dân làm rẫy, song tuyệt nhiên không một bóng người. Đôi chỗ đường mòn chợt rẽ ra nhiều ngã khiến chúng tôi không tránh khỏi lúng túng vì sợ lạc lối. Cũng may là gặp chàng trai chăn dê bên góc núi đã mau mắn dẫn đường, khi chúng tôi ngỏ ý nhờ vả.

< Tìm đường lên đỉnh núi Dài Nhỏ.

Đường đi bỗng bị chắn ngang bởi Vồ Đá chông chênh, muốn vượt qua phải bám víu vào dây leo rừng để bò lên. Từ đây do vách núi chia cắt hiểm trở, khó xác định vị trí chóp đỉnh nên chúng tôi chỉ biết ngắm hướng mà tiến tới. Sau hơn một giờ hì hục, nhìn xa xa nổi bật trên bầu trời chênh vênh mỏm đá khổng lồ ai cũng ngỡ đã đến đích. Tuy nhiên khi tới nơi, chúng tôi phát hiện thêm cụm đá chồng cao hơn nằm sâu trong rừng và lẫn khuất giữa bộ rễ xù xì của cây sung cổ thụ, mà mới nhìn cứ tưởng là con Trăn đang quấn chung quanh.

Và thế là lại tái diễn cảnh chặt cây mở đường và tiếp tục trườn mình trên mặt đá như làm xiếc cho đến tận chóp đỉnh. Trong không gian tĩnh mịch, tranh tối tranh sáng vì cây rừng, tôi vẫn thấy GPS định vị 268m.

< Trên Vồ Ông Bướm một trong năm non ở Thiên Cấm Sơn.

Đó cũng là vị trí hấp dẫn nhất để chiêm ngưỡng phong cảnh chung quanh. Kia là núi Ông Két với những vồ đá lô nhô giăng kín cả góc trời đang ánh lên màu vàng nhạt dưới nắng chiều vừa bí ẩn, lại vừa kiêu kỳ. Nhìn về phía Nam, mây trời lồng lộng, sông nước mơ màng

Lên nóc nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long

Núi Cấm, người địa phương thường gọi núi Ông Cấm, tên chữ là Thiên Cấm Sơn, từ xưa được tôn vinh là ngọn núi hùng vĩ, linh thiêng và kỳ tích nhất Bảy Núi. Cái tên Cấm theo truyền tụng có nhiều nguồn gốc nhưng đáng tin cậy hơn cả là lúc Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn truy bắt phải lên núi lánh nạn.

Để dấu tung tích, quan quân phải cấm dân lai vãng và phao tin trên núi rừng già hiểm trở, thú dữ ngày đêm rình rập giết hại người lên núi hái lượm săn bắn.

Một giả thuyết khác cũng khá thuyết phục đó là ngài Đoàn Minh Huyên tức Phật Thầy Tây An từng cấm các đệ tử không được xâm phạm núi thiêng vì sợ ô uế. Cấm Sơn còn mang trong mình biết bao truyền thuyết kỳ bí: chuyện các vị đạo sĩ tu đắc đạo thành Tiên, chuyện người khai sơn đã hổ, chém mãng xà thu phục ác thú, chuyện những người ngậm ngải tìm trầm, kho báu biến thành “xà niêng” điên dại...

Có hai con đường lên núi Cấm, một là đường bê tông vòng vèo bên sườn núi dành cho xe ô tô chở khách từ khu Du lịch Lâm Viên tới chùa Vạn Linh, và một lối nhỏ năm xưa dọc theo rừng với nhiều ngã rẽ vào chùa chiền, miếu mạo, thắng cảnh chung quanh.

Tôi vốn thích la cà, tìm hiểu mặt khác đã mang tiếng thăm thú núi non lại bỏ lỡ cơ hội thử thách sức lực và đôi chân của mình thì còn đâu cảm giác của kẻ chinh phục thiên nhiên. Vậy là chúng tôi cứ dấn bước theo lối cũ đường xưa

Sau hai tiếng đồng hồ rong ruổi trên những bậc đá gập gềnh, chật hẹp giữa không gian yên tĩnh và khí hậu lúc nào cũng mát mẻ, cây cối thưa dần, chẳng bao lâu chúng tôi thoát khỏi cánh rừng, đặt chân đến độ cao 535m.

Rồi đột nhiên xuất hiện trước mắt chúng tôi ở hướng Đông sừng sững tượng đài đức Phật Di Lặc cao vút tưởng chừng vươn tới tận trời xanh. Thật khó tin nổi giữa chốn thâm sơn cùng cốc, địa hình phức tạp như vậy mà người ta có thể xây dựng một tượng đài cao đến 33,60 m và khá nghệ thuật. Nghe kể để hoàn thành bức tượng Phật sinh động này các nghệ nhân đã thi công suốt ba năm.

Tiếp đến là Chùa Vạn Linh, rồi Vồ Bò Hông, mõm đá lớn trên chóp đỉnh Cấm Sơn ở độ cao 710 mét và là điểm cao nhất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Tại đây, chúng tôi ngắm nhìn cả một vùng không gian bao la rộng lớn. Gần thì năm non: Vồ Đầu, Vồ Bò Hong, Vồ Thiên Tuế, Vồ Bà, Vồ Ông Bướm tọa lạc ngay trên núi Cấm từng gắn liền với bao truyền thuyết, nhân vật, sự kiện của ông cha ta Nam tiến trong thời kỳ khai hoang mở đất, xa hơn là quần thể núi đá xung quanh, xa hơn nữa là khu vực Hà Tiên, miệt Châu Đốc, lãnh thổ Campuchia...

Thật đáng tự hào sau một ngày vất vả chinh phục Thiên Cấm Sơn, đồng thời là ngọn núi cuối cùng trong Thất Sơn mà tôi đã ao ước được đặt chân đến từ lâu. Và có lẽ cuộc hành trình tràn đầy cảm xúc ấy sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi.

Hành trình khám phá Thất Sơn (Phần 1) - Đi "xe ôm" lên đỉnh Cô Tô
Hành trình khám phá Thất Sơn (Phần 2) - Những ngọn núi của truyền thuyết
Hành trình khám phá Thất Sơn (Phần 3) - Chinh phục Thiên Cấm Sơn

Du lịch, GO! - Theo Cty Du lịch Thế Hệ Trẻ, internet