Đi "xe ôm" lên đỉnh Cô Tô.
Thất Sơn, cái tên rất quen mà rất lạ. Quen bởi bất cứ ai sống ở Nam bộ đều biết đó là bảy ngọn núi huyền thoại ở tỉnh An Giang gồm: Núi Cô Tô (Phụng Hòang Sơn) Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), Núi dài Nhỏ - Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn). Lạ vì mấy ai đã được diễm phúc đặt chân tới ngần ấy đỉnh núi
Trên kênh Vĩnh Tế
Trên chiếc du thuyền Khám Phá Mê Kong khởi hành từ bến Đá – Châu Đốc, An Giang, chúng tôi hướng tới huyện Tịnh Biên sau khi rẽ sang kênh Vĩnh Tế - thủy lộ dài gần 100 km, do quan trấn thủ Thoại Ngọc Hầu ( 1761 – 1829) huy động sức người đào – nối Châu Đốc – Hà Tiên đi qua Tịnh Biên theo đường biên giới tây nam, nhờ thế vùng đất dữ Hậu Giang vốn hoang vu đầy rẫy thú dữ và thảo khấu trở nên trù phú, yên bình, đến ngày nay con kênh đào vẫn còn nguyên giá trị.
Những ngọn núi mang tên loài chim
Đúng 14g chúng tôi đặt chân lên những bậc thang đầu tiên núi ông Két. Bước thêm vài trăm bậc, vừa đủ để mồ hôi ra đầm đìa thì đến khối đá tròn, có nhiều phiến đá xếp chồng phía trên tạo thành hình đầu chim két, trông rất ngoạn mục. Từ đây, muốn lên chóp đỉnh phải vượt hàng loạt con dốc toàn đá hòn lớn nhỏ dưới tán lá rừng tái sinh, hoặc lom khom chui vào những vòm hàng lộ thiên được tạo dựng nên từ đá chồng.
Không như ngọn núi khác, càng lên cao chóp đỉnh càng bị chia cắt và diện tích thu hẹp dần, tại Núi Két, đỉnh núi là một khoảng sân tương đối bằng phằng tỏa rộng đến tận mép vực theo hai hướng Đông Tây, còn 2 phía Nam Bắc, nổi lên những vồ (chỏm đá khổng lồ nhô ra phía trước) dáng vẻ hùng vỹ.
Men theo cầu thang sắt chênh vênh dẫn lên khối đá cao nhất, tôi mở khởi động GPS thiết bị định vị toàn cầu, sau vài phút chờ dò sóng vệ tinh, trên màn hình hiển thị con số 252 mét so với mặt biển. Không thể tin nổi vì nhiều tài liệu, cả những trang web du lịch xác định núi cao 225 mét.
Nhìn phía trước mặt là ngọn núi Dài Nhỏ - Ngũ Hồ Sơn đang tối dần dưới ráng chiều, ngoảnh mặt ra sau là mảng xảnh rộng mát của cây thốt nốt. Nhìn xa hơn chút về hướng Tha La – Châu Đốc dường như chỉ có màu trắng bạc của biển nước mênh mông.
Lên đỉnh núi Cô Tô bằng “xe ôm” đặc chủng!
Qua đêm tại thị trấn Tri Tôn, rạng sáng chúng tôi đã phóng xe rong ruổi gần 20km vòng quanh núi Cô Tô, để tìm đường lên đỉnh núi. Nhờ vậy mà được dịp ngắm núi ở mọi góc cạnh cả với dáng hình tựa con chim Phụng đang xoải cánh bay giữa đồng bằng mênh mông. Có điều ở vạc núi chếch về phía tây được ví là đuôi chim Phụng đang bị lở lói từng ngày bởi những tiếng nổ mìn chốc chốc vang lên “uỳnh uỳnh” rung chuyển núi rừng từ những công trường khai thác đá ngày đêm. Khai thác theo kiểu này thì dần dà, cái màu xanh thăm thăm của núi rừng kia sẽ bị xóa trắng và thế hệ sau này chỉ còn biết núi hình chim Phụng trên sách vở.
< Đường lên núi dốc đứng và quanh co...
Có thể phân chia đường lên đỉnh núi Cô Tô thành 2 chặng rành mạch. Chặng thứ nhất, từ Khu Du lịch Soài So phía chân núi tới Sân Tiên nằm ở lưng chừng núi, hầu hết là dốc đứng gần 40 độ, nếu đi bộ khá vất vả lại tốn nhiều thời gian. Còn đi xe ôm, chỉ mất vài chục phút. Chặng thứ hai từ Sân Tiên đến tận đỉnh, địa hình phức tạp nên chỉ có đường mòn dành cho khách hành hương .
Chiếc xe ôm đang đi trên lộ lớn chợt rẽ vào con đường rộng chưa tới 1 mét, cùng lúc Út Liệt, tên người lái xe nhắc tôi hảy ngồi dồn phía trước để cân bằng. Bỗng nhiên, cơ thể tôi tuột hẵn ra sau theo chiều nghiêng góc đồng thời tiếng động cơ gầm rú, tiếng bánh xe nghiến ken két trên mặt đường lát xi măng khiến tôi phản xạ theo quán tính ôm chặt eo Út Liệt, vậy mà vẫn cảm giác sắp rơi xuống đất.
Hóa ra xe đang vượt dốc, thế nhưng diễn biến ấy vẫn không đáng sợ bằng những lúc xe lượn vòng cua tay áo rồi lên tiếp dốc khác cao hơn như cuốn lên trời cao. Thỉnh thoảng xe đột ngột thắng gấp, tấp sát mép vực, để nhường đường cho xe ngược chiều ào ào thả dốc. Nghiệm lại mới thấy, dân Tri Tôn gọi xe ôm núi Cô Tô là loại xe đặc chủng quả không ngoa, bởi để chạy được lên núi, bặt buộc xe phải gắn nhông 13 răng, dĩa 47 răng và “độ” lại máy, chưa kể bố thắng, vỏ xe luôn thay mới.
Hành trình từ Sân Tiên lên Cấp Nhất địa danh chóp đỉnh Cô Tô qua lối mòn dẫn bước đến nhiều triền núi gối lên nhau dưới vườn cây ăn trái chen lẫn rừng trúc, rừng tre Mạnh Tông tạo cảm giác bình yên, thanh thản. Đây đó bên đường, con suối chảy róc rách, trong veo như muốn níu chân lữ khách mỗi lúc sức tàn lực kiệt. Và cứ thế cho đến khi chúng tôi chạm tay vào cột mốc 614 mét bằng bê tông được đúc trên tảng đá giữa bốn bề là nắng, gió.
Chốn “thâm sơn cùng cốc...” bỗng ngỡ bồng lai
Chúng tôi xuống núi theo lối mòn phía bắc, hướng tới Vồ Hội một địa danh nồi tiếng trên núi Cô Tô. Sắc thái nơi đây còn đậm chất hoang dã, thuần khiết vì dưới lũng thấp hay trên đồi dốc thoai thoải, nơi đâu cũng mang màu xanh mơn mởn của cây rừng, kể cả con suối vắt ngang lối đi cũng đượm mùi dị thảo. Chợt cảm thấy ấm lòng khi bắt gặp dưới ánh sáng lung linh xuyên kẻ lá thấp thoáng ngôi chùa Bồng Lai rồi Điện Năm Căn cổ xưa khiến chốn thâm sơn cùng cốc bớt đi sự u tịch.
Dân bản địa kể: “Núi rừng Cô Tô thật phóng khoáng, ban tặng cho con người biết bao sản vật. Lúc khát thì có sẵn suối nước trong trẽo, khi đói thì người ta vào rừng hái lượm, trái gió trở trời bị nhuốm bệnh thì lên non tìm cây thuốc, mấy khi túng thiếu thì chỉ cần bỏ công vác cặp tre Mạnh Tông xuống núi là có thể thu về bảy tám trăm ngàn, với người yếu sức trồng cây, làm rẫy, cũng kiếm được mỗi ngày trăm ngàn.
Vồ Hội, một phiến đá rộng rãi, chênh vênh trong khuôn viên chùa Bồng Lai - là nơi khách thập phương cúng bái trên những am thờ lộ thiên, cũng là điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh vùng biên viễn Tây Nam Tổ Quốc: núi Dài, núi Cấm phía Bắc, núi Tà Lơn ở phía Tây và huyện lỵ Trí Tôn trải dài về phía Nam. Thế nhưng, còn một Vồ Hội khi đêm xuống và đón trăng lên.
Trong cuộc đời không biết bao lần tôi ngắm trăng nhưng ngắm trăng ở Vồ Hội giữa không gian cô tịch, gió núi thì rất mơ màng và thi vị. Đó là một buổi tối, trăng lên muộn lan tỏa ánh sáng dịu dàng lên từng phiến đá, mái chùa, cây cỏ... như khoác lên thế gian một lớp màng mong manh, huyền ảo. Cũng có lúc, vầng trăng chợt lung linh, huyền ảo sau đám sương núi theo cơn gió thỉnh thoảng bay về, rồi lúc ẩn lúc hiện bên những đụn mây trắng bàng bạc đã đưa dòng suy tưởng của tôi như lạc vào cỏi hoang đường.
Hành trình khám phá Thất Sơn (Phần 1) - Đi "xe ôm" lên đỉnh Cô Tô
Hành trình khám phá Thất Sơn (Phần 2) - Những ngọn núi của truyền thuyết
Hành trình khám phá Thất Sơn (Phần 3) - Chinh phục Thiên Cấm Sơn
Du lịch, GO! - Theo Cty Du lịch Thế Hệ Trẻ, internet
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.