“Về quê ăn món bồn bồn. Xa quê thấy dạ bồn chồn, quắt quay…”
Bồn bồn là loại cây dại mọc trên ruộng. Nhưng theo cố nhà văn Sơn Nam, tuy hoang dại, nhưng “cây này rất có tình” vì đã giúp người dân nơi này tăng thu nhập, lại còn tạo được một thương hiệu đặc sản mà nhờ nó hai chữ Cà Mau có thêm nhiều người nhớ đến.

Trên Quốc lộ 1A đoạn từ Cà Mau về huyện Cái Nước, đi khoảng 10 cây số ra khỏi TP Cà Mau, bạn sẽ thấy hai bên đường san sát những mái chòi bằng lá, nhỏ thôi, nhưng nhiều và dọc dài nên nhìn rất có duyên. Đó là những chòi nhỏ được người dân dựng lên che nắng che mưa để bán bồn bồn, loại đặc sản của xứ sở này.
Quê tôi ở huyện Cái Nước (Cà Mau), trước đây ở xứ này, cây bồn bồn khá hiếm vì trước năm 2000, toàn diện tích được tận dụng trồng lúa...

< Cây bồn bồn tươi trên ruộng tôm.

Từ năm 2000 trở đi thì chuyển sang nuôi tôm sú, nhưng do nằm sâu trong nội đồng nên có chuyện một mùa tôm một mùa lúa (mùa mưa nước lợ trồng lúa).
Con tôm ôm gốc lúa cũng bao phen bấp bênh! Những tháng nước lợ, bỗng đâu người ta lại thấy bồn bồn xuất hiện và từ đó mà trồng nhân ra thành nhiều, thành đặc sản. Trong 6 tháng nước lợ này, trên những cánh đồng vuông tôm là bạt ngàn bồn bồn. Và bồn bồn đã thay hẳn cây lúa vì cho thu nhập cao hơn, dễ chăm sóc và cũng dễ tiêu thụ.

Có lẽ bồn bồn ở miền châu thổ này đều như nhau thôi. Nhưng, mỗi lần về quê, tôi lại không thể cầm lòng được trước san sát gian hàng bán bồn bồn xứ mình, trông duyên dáng đến lạ. Bồn bồn tươi giá chừng 30.000- 35.000 đ/kg. Bồn bồn dưa thì cao giá hơn tí, chừng 45.000- 50.000 đ/kg. Họ, người dân ở đây ít khi nói thách. Và bạn, khi mua bồn bồn cũng đừng nên trả giá, vì họ khá cơ cực để có 1kg bồn bồn cho bạn ngọt ngào trong bữa cơm quê. 5m2 đất trồng trong 2 tháng chỉ lấy được hơn 2kg bồn bồn tươi mà thôi, rồi công nhổ, công bóc vỏ, làm sạch… Như thế bạn thêm bớt sao đành?

< Bồn bồn xào tép vừa thơm vừa giòn.

Bồn bồn có thể chế biến nhiều món lắm, tính ra có hơn chục. Này nhé, dưa bồn bồn chấm cá rô kho tộ; bồn bồn nhúng giấm, nhúng mẻ; lẩu chua với cá ngát cá trê, cá lóc; bồn bồn xào tôm, làm gỏi; gỏi bồn bồn thịt bò… thậm chí bạn có thể ăn sống bồn bồn như một loại rau thông dụng và đảm bảo với bạn, tuy được trồng trong đầm lầy, ruộng tôm, nhưng đây là loại thực phẩm sạch vì chúng chỉ hấp thụ dưỡng chất từ phù sa, không dính phân hóa học, thuốc trừ sâu. Cây bồn bồn to, nhưng cuối cùng chỉ giữ lại phần củ hủ và lõi trắng nõn nà bên trong mà thôi.

< Gỏi bồn bồn.

Trong rất nhiều món ngon tôi vừa kể, thích nhất vẫn là bồn bồn dưa và bồn bồn xào tép đất (người Cà Mau gọi những con tôm nhỏ này là tép). Dưa bồn bồn là loại đặc trưng đã làm nên thương hiệu của vùng này, không lẫn vào các loại dưa khác được. Làm món này không khó, bồn bồn được bóc vỏ, chừa lại phần củ hủ và thân non, ngâm nước muối có pha gia vị, sau một tuần là ăn được. Dưa bồn bồn phải ăn cùng cá kho như cá rô hay cá trê, cá lóc. Đơn giản vậy thôi, nhưng đảm bảo với bạn rằng nếu trên mâm cơm có sự xuất hiện của món nào khác, thì món đó kể như… ế.

< Bồn bồn được tách vỏ và bày bán rất nhiều ở huyện Cái Nước.

Dưa bồn bồn chua nhẹ, giòn, thơm chút hương đồng nội và rất thanh. Tôi không thể tả được bằng ngôn ngữ cảm giác khi ăn, chỉ có thể mời bạn thưởng thức rồi tự bạn cảm nhận! Món dưa này, theo cố nhà văn Sơn Nam, có xuất xứ từ xa xưa, cùng đoàn người Nam tiến khai hoang mở cõi vùng đất mới. Cũng theo ông, đây cũng là món có lịch sử gắn bó khá lâu với cư dân miền châu thổ.

Riêng món bồn bồn xào tép thì đây lại là sự kết hợp có tính ngẫu nhiên khi con tép ôm gốc lúa không thành nên chuyển sang… ôm gốc bồn bồn. Tép đất, hoặc tép bạc được bóc vỏ, rửa sạch (ở xứ tôm, nhưng quê tôi ít ai ăn tôm sú vì đắt tiền, trong khi thịt lại không ngon bằng tép bạc hay tép đất).

Bắc chảo lên bếp, phi tỏi mỡ cho thơm, sau đó cho tép và bồn bồn vào cùng một lúc, vì hai loại nguyên liệu này có thời gian chín bằng nhau. Bạn chỉ cần để vừa chín tới thì sẽ giữ được độ giòn của bồn bồn và vị ngọt của tép.

< Bồn bồn dễ trồng, được nông dân trồng kết hợp trong vuông tôm, ao nuôi cá góp phần tăng thu nhập.

Chẳng cần nêm gia vị nhiều đâu vì bản thân tép và bồn bồn kết hợp đã làm nên hương vị đậm đà rồi. Cứ thế, trên bữa cơm chan chứa nghĩa tình của cư dân miền châu thổ, bồn bồn xào tép bốc khói cùng cơm trắng thêm tí nước mắm ngon là bạn có được một bữa no mà tôi dám cá với bạn có ăn liên tục 10 ngày liền bạn cũng không bao giờ thấy ngán.

Hiện tại trời đang còn trong mùa mưa, nên có về Cà Mau công tác hay du lịch, bạn đừng bỏ qua cơ hội đi thêm đôi mươi cây số nữa theo Quốc lộ 1A về hướng Đất Mũi, để về với xứ bồn bồn, để được tự tay em gái Cà Mau cân cho đôi ba ký, phần để chế biến món ngon cho cả gia đình, phần làm quà cho bạn bè thì còn gì thơm thảo bằng!

Du lịch, GO! Theo Vinhlong online, internet