Sông Giăng là chi lưu của Sông Lam bắt nguồn từ vùng thượng du Hạnh Lâm chảy qua Thanh Mỹ, Thanh Liêm, Thanh Tiên, Thanh Lĩnh rồi hòa nhập vào dòng sông Lam ở địa phận Thanh Chương đất Nghệ. Sông Giăng cũng là nơi sinh tụ của cá Mát, loại cá quen sống ở vùng nước ngọt, mình cá có từ 8 đến 6 chấm đen còn vi cá thì màu hồng.

Cá Mát nhỏ con chỉ bằng hai ba ngón tay người lớn. Con to nhất nặng từ 0,5 đến 0,8kg. Cá Mát sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy xiết, chúng thường bơi kiếm ăn vào ban đêm. Từ chập tối trở đi cá bắt đầu theo nhau đi tìm kiếm các loại côn trùng trên mặt nước, các loại rong tảo bám trong bờ bụi. Ăn no rồi chúng kéo nhau đi tìm bầu bạn cùng trong dòng nước.

Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch là mùa cá Mát. Ở vùng nông thôn ven sông Giăng, các cụ xưa thường kén cá Mát cho con gái con dâu ăn sau khi sinh nở bởi cá Mát vừa lành vừa bổ, thịt lại thơm ngon, mỡ béo ít xương. Đặc biệt là lợi sữa hạn chế các chửng bệnh tim mạch rất thích hợp với sức khoẻ các bà mẹ cho con bú, các cụ có tuổi và cả người béo phì.

Tục ngữ miền Trung Xưa có câu: "Bể, Thu Đao; Rào, Rầm mát” cũng có nghĩa là nước mặn thì có cá thu và cá đao còn nước ngọt thì có cá Rầm cá Mát; Cũng có nghĩa là những giống cá đó đều thuộc loại cá ngon nổi tiếng nên còn truyền tụng cho tới tận bây giờ. Trước đây ở các chợ miền xuôi hai bên bờ sông Lam đều thấy bán cá Mát. Con bé nhất cũng phải nửa ký, con to xấp xỉ một cân.

Thế nhưng chẳng biết vì đâu mà cá Mát ngày càng khan hiếm hơn nữa lại nhỏ đi nhiều. Có người nói tại người tham không biết bảo vệ nguồn lợi tự nhiên nên đã đánh bắt mìn hoặc dùng kích điện ba pha nên cá không kịp sinh nở và đang có nguy cơ cạn kiệt. Những người sành bây giờ thường phải đi lùng ở các chợ 32, chợ Chùa, chợ Giăng và các chợ nhỏ ven sông Giăng mới kiếm nổi bữa cá vừa ý.

Cá Mát ngon nhất là cái đầu vì đầu cá Mát rất mềm ăn thấu cả xương, mùi vị ngon thơm bùi béo. Cư dân các xã miền núi thường mò bắt cá ngay trong các khe đá ngọn nguồn. Cá bắt được, nếu ít thì kho “thơi”, nhiều thì nướng ăn dần, nhiều hơn nữa thì mang ra chợ bán lấy tiền mua thứ khác.

Cá Mát kho hay rán đơn giản như giống cá khác. Phi hành mỡ rồi rán cho khô ròn, con cá vàng ươm trông đã muốn ăn rồi. Nhưng theo cách nấu miền Trung còn phải giã tỏi, thái ớt, bỏ tiêu hoà vào nước mắm ngon hoặc tương Nam Đàn rồi trút tất cả vào chảo cá nóng trên bếp, trộn đều lên một chập nữa cho ngấm gia vị.

Lúc này, chảo cá bốc khói thơm ngào ngạt. Thế là xong món cá Mát rán ròn chỉ còn việc bày ra mâm mà nhấm nháp với bia với rượu tùy lòng ai muốn.

Cá Mát còn cách ăn nướng nhưng phải có que tre tươi kẹp từ đầu tới đuôi từng con một. Đổ than hoa vào nồi đất miệng có vỉ sắt phủ trùm lên trên rồi mới đặt kẹp cá lên vừa quạt vừa nướng lật trở đều hai mặt cho tới khi não thấy cá vàng ươm chảy mở toả thơm là được.

Cá nướng sẵn mua ngoài chợ về chủ yếu là đem kho bằng cách xào hành mỡ và đổ cá nướng vào lật trở đều hai mặt. Ít phút sau đổ nước mắm hoặc tương Nam Đàn đã hoà đủ cay tiêu tỏi cho ngập chảo cá rồi đun nhỏ lửa cho đến khi nước cạn sền sệt thì thôi.

Các quán hàng ăn vùng thượng Nghệ An thường có món cá Mát kho hoặc rán làm theo kiểu cách trên nên ăn cũng ngon như chế biến ở nhà. Thành phố Vinh mới rải rác có một vài nhà hàng lớn đưa cá Mát vào thực đơn trong mùa, những ngày tháng khác không có vì giống cá này đã trở thành quí hiếm.

Con sông Giăng đầu nguồn nước trong xanh, rừng cây bạt ngàn hoa đồng cỏ dại xum xuê lại thêm những con cá Mát béo lành thơm ngon thật là quí. Cảm ơn thiên nhiên đã ban tặng cho một vùng đất nước miền Trung cảnh quan hùng vĩ và miếng ngon sông suối không phải nơi nào cũng có được.

Du lịch, GO! - Theo Menu365, ảnh sưu tầm