Quần thể di tích tháp Tường Long nằm trên núi Ngọc, thuộc phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn là di tích khảo cổ học được xếp hạng cấp quốc gia năm 2005 và cũng là công trình văn hóa kiến trúc độc đáo, di tích lịch sử gắn với đời nhà Lý thế kỷ XI.

Tháp Tường Long tự hào là một trong 3 công trình cùng với Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (Kiến Thụy), đền Gắm (Tiên Lãng) chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của Hải Phòng.

Tháp Tường Long được xây dựng vào thời vua Lý Thánh Tông. Công trình kiến trúc Phật giáo này được xây trên bãi đất rộng khoảng 2.000 m2, thuộc địa phận phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn. Bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm, lòng tháp rỗng và là nơi đặt pho tượng A di đà.

Công trình được xây bằng gạch và đá có kích thước khác nhau. Ngoài loại gạch xây còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh. Cách trang trí này biểu hiện nghệ thuật kiến trúc điển hình thời Lý.

Tháp Tường Long đã từng được liệt vào hạng đại danh lam cùng với chùa Long Đọi (Duy Tiên - Nam Hà), chùa Một Cột, tháp Báo Thiên, chùa Thắng Nghiêm, Chân Giáo (Hà Nội), tháp Chương Sơn (Ý Yên - Hà Nam)... dưới triều nhà Lý (1010 - 1225).

Theo sách Đại Việt sử lược thì năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây tháp. Sau ngài nằm mộng thấy rồng vàng bèn ban cho ngọn tháp cái tên Tường Long, nghĩa là “thấy rồng vàng hiện lên” để ghi nhớ điềm lành.

Lại có người cho rằng, cửa biển Đồ Sơn là một trong những cái nôi tiếp nhận cho dựng tháp ở đây để thờ Phật. Khi xưa, có thể nơi đây còn là một đài quan sát nằm trong hệ thống “truyền đăng”. Mỗi khi có biến, các trạm quan sát ven biển liền đốt cỏ khô cho khói bay lên trời, truyền tín hiệu báo động về kinh thành.

Tháp Tường Long có 9 tầng, cửa mở hướng Tây, phía xuất phát của đạo Phật. Tháp cao 100 thước (đơn vị đo lường thời Nguyễn), tương đương cao khoảng 40-50 m. Song vì được xây trên đỉnh núi cao hơn 100m so với mực nước biển nên tháp Tường Long ở bình địa cao nhất so với các tháp xây cùng thời.

Tháp Tường Long nay chỉ còn là nền tháp hình vuông, mỗi chiều 7,86m, bề dày của tường là 3m. Móng tháp hình vuông, mỗi chiều tới 15m, lòng tháp rỗng, nơi đặt tượng Phật có diện tích 9 mét vuông. Tháp Tường Long nhiều lần được tu tạo và khôi phục trong triều Trần và triều Lê, nhưng đến năm Gia Long thứ 3 (1804), triều đình nhà Nguyễn đã cho phá tháp để lấy gạch xây thành Hải Dương.

Bên cạnh tháp còn có chùa Vân Bản được xây ở thời Trần với chuông Vân Bản, một trong những chuông cổ và to nhất của nước ta hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Cùng với di tích lịch sử văn hoá đình Ngọc, suối Rồng, tháp Tường Long tạo ra một quần thể du lịch sinh thái - lịch sử - văn hoá nổi tiếng của Đồ Sơn.

Dự án phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long - chùa Tháp được thành phố phê duyệt và giao cho quận Đồ Sơn làm chủ đầu tư có tổng vốn lên tới gần 180 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ 2009-2015, trong đó chùa Tháp dự kiến hoàn thành trong năm 2010; giai đoạn 2009-2011 xây dựng tháp Tường Long, nhà che hố khảo cổ.

Theo báo cáo của UBND quận Đồ Sơn, đến nay quận đã thực hiện 16/19 gói thầu trong Dự án phỏng dựng, tôn tạo tháp Tường Long - chùa Tháp. Trong đó 5 gói thầu đã triển khai xong như: Khảo sát địa chất, địa hình; thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công các công trình văn hóa; đánh giá tác động môi trường; khảo sát địa hình, lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/500; rà phá bom mìn, vật liệu nổ với tổng giá trị các hợp đồng gần 5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị thi công đã triển khai chế tác cơ bản xong phần gỗ và tượng đồng của chùa Tháp, đang triển khai thi công xây dựng nhà tam bảo; xây kè, san lấp mặt bằng; đang thi công móng tháp Tường Long. Đặc biệt, ngày 2-10, Thành hội Phật giáo Hải Phòng phối hợp với quận Đồ Sơn tổ chức lễ rước tượng Phật về chùa tháp Tường Long và đúc chuông nặng 1 tấn. Ngày 8-10, quận Đồ Sơn sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại tháp Tường Long - chùa Tháp.

Du lịch, GO! - Theo Anninh Haiphong, internet