Nằm trên quốc lộ 14, cách Sài Gòn 225km, Buôn Ma Thuột 120km, đô thị Gia Nghĩa đang tìm lại bóng dáng của chính mình.

Một nhà văn nổi tiếng trước đây đã lưu lại hình ảnh Gia Nghĩa, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Đức qua một tạp ghi đô thị hoang sơ: "Trong ánh điện đã được thắp lên, thỉnh thoảng lại vọng về tiếng mang tác; con nhím, con chồn vội vàng băng qua đường, vô bụi rậm". Ba mươi lăm năm sau, khi Gia Nghĩa  trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh mới Đăk Nông, hình ảnh trên vẫn còn  đây đó...

Người TP.HCM vẫn còn quen câu ca "Đăk Nông còn nhớ không" bởi vì sau năm 1975 Gia Nghĩa là thị trấn của cả vùng Đăk Nông bao la, nơi lực lượng thanh niên xung phong lên lập nghiệp, nhiều lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM hiện nay đã trưởng thành từ đây.

Năm 1985, Đăk Nông được chia thành ba huyện Đăk R'Lấp, Đăk Nông và Đăk Song (tính từ phía miền Đông Nam bộ đi lên).

Đầu năm 2004, khi Đăk Lăk tách thành hai tỉnh, huyện Đăk Nông trở thành hai đơn vị hành chính mới là thị xã Gia Nghĩa và huyện Đăk G'Long. Phần huyện Đăk Lấp cũng được tách ra thành hai, thêm  huyện mới mang tên Tuy Đức. Tiếng dân tộc, Đăk là nước, chữ đi sau thường là tên một ngọn núi hay một dòng sông. Riêng chữ G'Long là danh từ chung, chỉ một nàng thiếu nữ.

Lối nhỏ tạo đường lớn

Nhiều người cho rằng thị xã Gia Nghĩa ra đời và tồn tại chính vì vị trí địa lý xung yếu của nó. Từ phía Bình Dương lên, người, voi thồ hàng (nay là xe tải) đều cần một chỗ dừng chân trước khi lên dốc cao.

Đăk Song có cửa khẩu biên giới với Campuchia, tại điểm này lại có lối mòn về hướng đông vượt sông Đồng Nai về thị trấn Di Linh (Lâm Đồng). Đường tạo nên từ những dấu chân thú rừng và những người "phá sơn lâm đâm thuồng luồng".

Những trảng đất bằng phẳng của cao nguyên Đăk Nông nằm trên độ cao 900m với những ngọn núi dựng đứng, vách đá lộ suối chảy. Cách Gia Nghĩa 40km trên đường ra Buôn Ma Thuột là cột mốc người Pháp dựng nên để phân chia ba biên giới Nam kỳ, Trung kỳ và Campuchia, nên từ lâu Đăk Nông còn được gọi là "cao nguyên ba biên giới". Trước đây cao nguyên này nối liền với cao nguyên Bảo Lộc - Di Linh phía Lâm Đồng thành một dải. Nhờ có quốc lộ 20 Sài Gòn - Đà Lạt nên Bảo Lộc - Di Linh sớm sầm uất với những đồn điền chè, cà phê. Còn phía Đăk Nông chỉ có đường Trường Sơn bom đạn ngút trời, dân cư thưa thớt...

Năm 1990, đường quốc lộ 14 được nâng cấp phục hồi, đoạn 100km đường từ Gia Nghĩa sang Di Linh nối thêm luôn 90km về phía đông xuống thẳng Phan Thiết. Có thể nói đây là thị xã lợi thế nhất Nam Tây Nguyên vì là điểm nối các đường đi Phan Thiết, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Đồng Xoài.

Ngọn thác mời gọi

Gia Nghĩa hiện có khoảng 50.000 dân từ đủ miền đất nước đến sinh cơ lập nghiệp, cơ sở vật chất, hạ tầng còn đang xây dựng. Ông Trần Phương, phó chủ tịch phụ trách khối xây dựng của tỉnh nói theo quy hoạch, đô thị Gia Nghĩa cũng khống chế ở mức cao nhất là 100.000 dân.

Vì sao vậy? Nguyên do là cán bộ và kể cả người dân ở đây vẫn còn thích thú với bản đề án quy hoạch thị xã Gia Nghĩa do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ lập trước kia.

Theo đó Gia Nghĩa sẽ là một thị xã nghỉ mát, du lịch, như một Đà Lạt thứ hai. Bên các đường phố dốc cao ngất là những ngôi biệt thự kiến trúc theo phong cách Việt Nam, chứ không như Đà Lạt mang dáng dấp Âu Tây.

Đường từ Di Linh qua Đăk Nông, nay là quốc lộ 28 có lẽ là một trong những con đường đẹp nhất. Đường hình thành khá nhanh để phục vụ xây dựng hai công trình thuỷ điện lớn là  Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4. Đẹp vì những đoạn khúc khuỷu bất ngờ. Sông Đa Đung, một trong hai nhánh chính của sông Đồng Nai vùng thượng nguồn hẹp, bên triền núi bất ngờ, hoa gạo rưng rưng niềm nhớ nhung. Và những cây kơ nia với gốc to kềnh, nhánh vạm vỡ, tán cây xanh rộng như biểu tượng của Tây Nguyên hùng vĩ.

Đăk Nông còn tự hào là một vùng cao nguyên phát nguồn hai dòng  sông lớn. Từ huyện Krông Nô ở phía đông bắc, hai dòng Krông Nô và Krông Ana hợp thành Sêrêpok chảy ngược về hướng tây qua đất Campuchia rồi đổ vào sông Mê Kông. Trên ghềnh đá có Dray Sap là thác khói. Dray Sap mang dáng dấp như thác Gougah ở dòng Đa Nhim nhưng hùng vĩ hơn, bên dưới  thác lại có hồ đá. Cách vài cây số là thác Gia Long, cây cầu sắt và nền móng của ngôi biệt thự đổ nát vẫn còn đó.  Nay thác đã có các nhà thầu là các chủ khách sạn ở Buôn Ma Thuột về khai thác. Họ chuẩn bị sẵn lều trại và sẵn sàng nấu ăn cho du khách.

Người đến đây có thể nằm trên đá, trên bờ cát sạch, xuống sông bơi rồi lại chui vô lều. Tất cả đều hoang dã.

Cao nguyên Đăk Nông còn là nơi khởi nguồn của nhánh mang tên Đăk Tik và Đăk R'Lấp xuống hợp nên dòng sông Bé của miền Đông. Thác Đăk Tik  nằm giáp ranh thị xã Gia Nghĩa, còn có tên Lệ Thanh mà người ta gọi trại là Diệu Thanh. Thác từ đỉnh đá lao xuống vực sâu 30m. Trong ngầm có những hang sâu cùng đá tảng, dưới chân thác là khoảng mênh mông nước, đá nhấp nhô chia dòng chảy ra nhiều ngả. Đứng trên cao có thể bao quát cả một vùng cao nguyên Đăk Nông và thị xã Gia Nghĩa nhấp nhô nhà, phố đang xây.

Khai khoáng và du lịch

Gia Nghĩa còn hoang vu, hình dáng tương lai sẽ ra sao, kinh tế chính nơi đây là gì - nhiều câu hỏi được đặt ra khi bạn chọn nơi này lập nghiệp. Nhiều người ôm giấc mơ công nghiệp luyện nhôm sẽ làm thay đổi ấn tượng về Gia Nghĩa. Tỉnh Đăk Nông tập trung vùng mỏ boxit lớn nhất, với trữ lượng khoảng 4 triệu tấn, lớn thứ nhì thế giới (chỉ sau vùng mỏ Nam Phi).

Bô xít Đăk Nông xuất lộ ở nhiều vùng. Các đoàn khai khoáng, luyện kim của Trung Quốc, Úc, Hà Lan cũng đã đến thăm dò. Trung Quốc đưa ra dự án hơn một tỉ USD, bao gồm cả việc đầu tư một tuyến đường xe lửa từ Đăk Nông về tới Chơn Thành của tỉnh Bình Phước để theo đường sắt về Dĩ  An - Biên Hoà rồi từ đó vận chuyển ra cảng nước sâu Thị Vải ở Bà Rịa. Một số mỏ bô xít đã bắt đầu được khai khoáng.

Nếu trở thành một tỉnh luyện nhôm, khoảng trời tỉnh lỵ Gia Nghĩa lại càng thêm giá trị. Không xa thác Diệu Thanh là cầu Đăk Tik. Theo quy hoạch, cầu Đăk Tik sẽ là tâm điểm của thị xã. Cầu lớn, cong mình trên cao, dưới là dòng nước chảy. Một hồ nước nhân tạo kiểu hồ Xuân Hương - Đà Lạt cũng đã được quy hoạch gần đó.

Gia Nghĩa đang đi tìm bóng mình. Một nhà hàng, khách sạn mang tên Sài Gòn đã được mở. Anh Nguyễn Thanh Bình, chủ một vựa hoa lan cây kiểng từ Bảo Lộc lên lập nghiệp vẫn chuyên nghề ươm giống. Nhưng anh chọn cây rừng có giá trị để sau này có thể làm kiểng. Một cây con lộc vừng giá nuôi lớn trong chậu vài ba năm bán giá vài triệu đồng. Và đủ thứ gốc cây rừng hoang dại còn lại sau khi khai thác gỗ, anh mua về tạo dáng trong chậu kiểng. Anh nói thị xã mới rất cần cây kiểng đẹp, anh sẽ góp phần cho Gia Nghĩa giữ được nét hoang sơ trong vườn kiểng.

Du lịch, GO! - Theo SGTT, internet