Thành Nhà Mạc nằm trong khu vực phường Tam Thanh, Thành phố Lạng Sơn, là di tích kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam.
Theo những tư liệu còn lại thì thành là một căn cứ quân sự hiểm yếu chắn con đường độc đạo nối từ Ải Bắc xuống phía Nam đo Mạc Kính Cung xây dựng vào thế kỷ XVI làm căn cứ chống lại Lê - Trịnh.

Dấu tích hiện nay còn lại gồm 2 đoạn tường dài khoảng 300m, mặt thành rộng khoảng 1m, xây bằng những khối đá lớn giữa hẻm núi, tuy được gia cố, trùng tu, nhưng vẫn giữ được dấu vết hoang phế điêu tàn, để khi đứng trong bóng tịch dương nhìn ngắm phong cảnh có một chút bâng khuâng nghĩ về lối xưa xe ngựa.

Đoạn đường từ chân đồi lên cổng thành giờ là nhiều bậc cấp thẳng tắp, ngước trông cổng thành như xa hun hút, nhỏ bé lại...

Lên đến nơi thấy khung cảnh thật thoáng đãng. Đứng bên trong nhìn ra càng nhận rõ thế đắc địa của cuộc đất, trước mặt là thung lũng ruộng lúa, rồi đến làng xóm sầm uất, tiếp đến là núi, quần sơn nối tiếp trùng trùng điệp điệp.

Cũng có giả thuyết cho rằng đây không phải là thành mà là "đấu đong quân". Theo giả thuyết này thì quân lính được đưa về đây, cứ đầy lòng "đấu" thì sẽ biết số quân hiện là bao nhiêu.
Những đoạn thành đứt quãng không đều nhau, cao thấp không bằng nhau, mặt đá phủ rêu màu đen pha một chút xám. Đất bên dưới thì màu đỏ sậm lẫn một ít sạn sỏi nhỏ.

Giữa hai hẻm núi hùng vĩ, đứng từ điểm cao của thành có thể quan sát cả một vùng rộng lớn hiểm trở, cái tự nhiên của địa hình, của những bức tường thành và những lỗ châu mai đã tạo cho thành cái thế "một người địch muôn người". Hiểm trở uy nghi đã tạo thế cho nhà Mạc trấn giữ biên ải suốt gần một thế kỷ. Tuy quy mô thành không lớn lắm nhưnng đây là chứng tích một thời "huynh đệ tương tàn" giữa các triều đại phong kiến Việt Nam.

Trước đây, Thành Nhà Mạc được quy định là đất sử dụng cho mục đích quốc phòng. Hiện nay di tích thành Nhà Mạc đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia và được đầu tư, tôn tạo đưa vào phục vụ du khách du lịch tham quan.
Du khách muốn đến thành nhà Mạc xuất phát từ Hà Nội theo quốc lộ 1A khoảng 154km sẽ đến thành phố Lạng Sơn hoặc đi tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Trung Quốc qua Lạng Sơn.

Du lịch, GO! - Theo NgheAn 24