Sóc Trăng là vùng đất hội tụ nhiều lễ hội, với các phong tục, tập quán đặc trưng từ sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng cộng cư. Chính những lễ hội độc đáo, nét kiến trúc đặc sắc của các ngôi chùa đã làm xao xuyến tâm hồn biết bao du khách khi đặt chân đến địa danh này.

Với lợi thế của một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn; đặc biệt du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa lịch sử truyền thống đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách từ mọi miền đất nước đến với Sóc Trăng. Hàng tháng, Sóc Trăng đón tiếp từ 700 – 1000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan các điểm chùa nổi tiếng như: Chùa Dơi, chùa Đất sét, chùa Chén kiểu, chùa Kh’Leang, Bảo tàng Văn hóa Khmer…. có tháng đón trên hàng ngàn du khách đến với Sóc Trăng. Đặc biệt là vào các dịp lễ hội, các sự kiện văn hóa thể thao, điển hình là lễ hội Oóc om bóc – đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer; Sóc Trăng đón tiếp hàng chục ngàn lượt người đến với lễ hội.

Đến với đất Sóc Trăng du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon, đặc trưng như: Bún nước lèo, cốm dẹp, bánh pía... cũng như được tham quan cảnh sông nước miệt vườn với hệ thống vườn cây ăn trái, các cồn và cù lao như: Cồn Mỹ Phước, cồn Ấu, rừng ngập mặn nước ven biển - Cù lao Dung, rừng tràm Mỹ Phước – khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng…

Sóc Trăng là vùng đất có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Chỉ riêng ở các khu vực thuộc thành phố Sóc Trăng đã có trên 20 ngôi chùa. Hầu hết đều là chùa Khmer với lối kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách Khmer Nam Bộ. Chùa đối với đồng bào Khmer là rất thiêng liêng và cao cả, là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cư dân.

Ngôi chùa, ngoài việc dùng để cử hành các nghi lễ tôn giáo, còn là nơi lưu giữ các giáo lý nhà Phật; các tác phẩm văn học, nghệ thuật và là nơi diễn ra các lễ hội mang tính văn hoá đặc trưng của dân tộc. Chính sự cộng cư của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trên mảnh đất Sóc Trăng đã tạo nên nhiều lễ hội phong phú, đa dạng và độc đáo. Chỉ riêng dân tộc Khmer đã có rất nhiều lễ hội trong năm, bao gồm: Tết Chol Chnăm Thmây, lễ Dolta, lễ hội Oóc om bóc – đua ghe Ngo...

Lễ hội Oóc om bóc – đua ghe Ngo còn gọi là lễ cúng trăng, là sự đưa tiễn mùa mưa chào đón mùa khô. Trong dịp lễ này, người ta có tục lệ đút cốm dẹp cho trẻ ăn để cầu mong mùa màng tươi tốt, bội thu, có của ăn của để. Đặc biệt ở lễ hội này người ta còn tổ chức đua ghe Ngo, là một lễ hội thật hoành tráng, mang tính văn hóa và thể thao. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp rằm tháng 10 âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và Khmer Sóc Trăng nói riêng, lại hòa mình vào niềm vui vào các hoạt động lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo theo truyền thống.

Lễ hội hàng năm, không chỉ thu hút người dân trong tỉnh mà còn thu hút rất đông du khách từ các nơi trong cả nước và khách quốc tế về tham dự, vui chơi trong cả tuần lễ hội. Đây cũng là một trong ba lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer và thu hút hàng chục vạn người theo dõi, tham gia trong những ngày chính của hội đua ghe ngo. Tâm điểm của tuần lễ hội là ngày hội Đua ghe Ngo truyền thống được người dân cả 3 dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và người Khmer Nam Bộ nói chung háo hức chờ đón

Ngày hội đua ghe thường được tổ chức trong hai ngày với các nội dung đua ghe nữ và đua ghe nam; được tiến hành trên đoạn trường đua trên sông Maspero với sự tham gia tranh tài của hàng chục đội đua, với trên 2.000 vận động viên là các tay đua nông dân Khmer sẽ tranh tài. Đường đua, khán đài đua ghe Ngo mới được tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng mới với gần 60 tỷ đồng (hoàn thành năm 2009), gồm khán đài với 4.000 chỗ ngồi, sân khấu biểu diễn văn nghệ, bờ kè 2 bên đoạn gần đích đua đã hoàn thành, giúp cho người đi cổ vũ dễ xem, theo dõi, cổ vũ nhiệt tình và đông vui hơn.

Thành phố Sóc Trăng, trong những ngày lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo, không khí lễ hội thật nhộn nhịp, tưng bừng với cờ hoa, băng rôn, áp phích quảng cáo cho lễ hội được treo khắp các đường phố. Nhiều hoạt động trong lễ hội được tổ chức quy mô, với nhiều hoạt động sôi nổi bao gồm: Hội chợ Triển lãm thương mại du lịch với sự tham gia của hàng trăm gian hàng các loại, chủ yếu là các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm, thiết yếu của đồng bào. Hội chợ triển lãm được kéo dài trên một tuần để bà con có dịp tham quan mua sắm.

Bên cạnh đó Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, như tổ chức Hội diễn nghệ thuật quần chúng và trang phục dân tộc Khmer, hội thi thả đèn nước Lôi - Prôtip được thả trên một đoạn sông như tô thêm nét đẹp lung linh huyền ảo của dòng Sông Trăng (tên Nguyệt Giang xưa), giữa lòng thành phố Sóc Trăng.

Hội thi trưng bày, triển lãm văn hóa ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa của tỉnh Sóc Trăng cũng đã có sự tham gia của cả các đơn vị huyện, thành phố tham gia. Các hoạt động văn hoá văn nghệ... cũng được tổ chức ở nhiều nơi trong tỉnh càng làm cho lễ hội Oóc om bóc - đua ghe Ngo của đồng bào Khmer Sóc Trăng thêm rộn ràng, vui tươi khắp nơi từ thành phố đến thôn quê.

Với những nét đặc trưng riêng có của mình, Sóc Trăng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch gắn với lễ hội. Được biết năm 2011, Thủ Tướng Chính phủ đã quyết định giao cho tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức Festival lúa gạo lần thứ II vào dịp lễ hội Oóc om bóc – đua ghe Ngo. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng của những ai ưa thích khám phá những điều lý thú của văn hóa lễ hội trên vùng đất 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, đồng thời là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Sóc Trăng quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư đến với Sóc Trăng để tham quan các điểm du lịch hiện có;  là dịp để các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu và khai thác mảnh đất đầy tiềm năng du lịch này.

Du lịch, GO! - Theo báo Sóc Trăng, internet