Nếu không tính lượng khách hành hương về dự lễ Vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam - Châu Đốc hàng năm, thì Tiền Giang là tỉnh thu hút nhiều khách du lịch nhất đồng bằng.

“Địa linh”, thiên nhiên ưu đãi, rồi “thiên thời”, “địa lợi” đã trao cho Tiền Giang sứ mệnh là cánh cửa để đón khách du lịch vào miền Tây. Mà du lịch miền Tây nói chung và Tiền Giang nói riêng luôn gắn liền với sông nước. Du lịch Tiền Giang phải làm gì nơi “đầu sóng ngọn gió” ấy?

“Địa linh” bên bờ sông Tiền

Nhờ dòng sông Tiền mà những lưu dân miền Trung đặt chân lên khai phá vùng đất Tiền Giang rất sớm. Rồi chúa Nguyễn cho mấy ngàn người Minh Hương “phản Thanh phục Minh” sang nước ta tị nạn về Mỹ Tho sinh sống. Những yếu tố đó, cùng với thiên nhiên hiền hòa, nước ngọt, đất đai màu mỡ, đã làm cho Tiền Giang phát triển rất sớm.
.
Cách đây hơn 300 năm, khi hầu hết miền Tây còn chưa khai phá hoặc mới “vỡ hoang”, thì ở Tiền Giang đã có “Mỹ Tho đại phố”, cùng với cù lao Phố (Biên Hòa) là hai đô thị sầm uất nhất Nam Bộ, trên cả Sài Gòn – Bến Nghé. Rất tiếc là khi quân Xiêm sang xâm lược nước ta đã tàn phá “Mỹ Tho đại phố”, đã kéo lùi sự phát triển của đô thị này hàng trăm năm, nhưng bù lại đã giúp cho Tiền Giang có được trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoái Mút lừng danh gắn liền với tên tuổi nhà Tây Sơn và vua Quang Trung.

Sự phát triển sớm đã giúp cho Tiền Giang sớm có những hào kiệt, những gia đình giàu có, là điều kiện để Tiền Giang để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử triều Nguyễn với 2 bà hoàng hậu (Tù Dũ và Nam Phương) và người Anh hùng dân tộc Trương Định cãi mệnh triều đình cùng nhân dân chống Pháp. Tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho được thực dân Pháp xây dựng đầu tiên ở Đông Dương vào thập niên 1880 càng giúp cho Mỹ Tho và Tiền Giang trở thành đầu mối giao thương cho cả đồng bằng. “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ - Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu...”.

Mỹ Tho là nơi tiếp đón rất nhiều nhà chí sĩ, yêu nước như Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc, Tôn Đức Thắng, Trần Văn Giàu... Vị trí “địa linh” đã giúp cho Tiền Giang có nhiều có nhiều danh nhân, nhà yêu nước, nhà văn hóa, góp phần làm phong phú lịch sử, phong cách của đất đồng bằng.

Nơi hội tụ của những thuận lợi

Trong những năm qua, khi đất nước mở cửa và đẩy mạnh phát triển kinh tế, hội nhập, Tiền Giang lại được thời thế ưu ái cho những thuận lợi mà nhiều nơi khác phải thòm thèm, đó là con đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, cầu Rạch Miễu nối liền Mỹ Tho với Bến Tre, đi Trà Vinh, Sóc Trăng. Rồi tuyến QL50 được khôi phục, nâng cấp, sẽ “đánh thức” vùng đất Gò Công.

Thiên nhiên thuận lợi và bàn tay người dân Tiền Giang qua nhiều thế hệ đã làm cho nơi đây trở thành “vương quốc trái cây” nổi tiếng không chỉ trong nước. Trong xu thế du lịch trở về với thiên nhiên, “miệt vườn” Tiền Giang là sự lựa chọn tốt nhất cho du khách khi muốn đến khám phá đồng bằng. Dãi cù lao “tứ linh” và hàng loạt cù lao khác nằm giữa sông Tiền như là những kho báu vô giá mà hiện nay chưa được khai thác tốt.

Với tất cả những thuận lợi đó, du lịch Tiền Giang không phát triển mới là lạ. Trong 7 tháng đầu năm 2011, Tiền Giang đã đón khoảng 560 ngàn khách du lịch, trong đó có hơn 300 ngàn khách quốc tế. Tỉnh Long An kề bên chỉ mong muốn được 1/10 con số đó mà không được. Điều đó cho thấy Tiền Giang đang là “siêu sao” trong làng du lịch đồng bằng.

Đừng ngủ quên trên nệm nhung

Theo ngành du lịch tỉnh Tiền Giang, trong 7 tháng đầu năm 2011, dù đã đón khoảng 560 ngàn khách du lịch, trong đó có hơn 300 ngàn khách quốc tế, nhưng cũng chỉ tăng hơn 11% so cùng kỳ năm rồi. Đây là con số rất khiêm tốn so với cả nước (tăng 18%). Tôi có cảm giác vì du lịch Tiền Giang đã phát triển quá cao, hơn hẳn những tỉnh xung quanh, trở thành “đỉnh” của cả đồng bằng, nên Tiền Giang không muốn phát triển nhanh nữa. Đi trên cù lao Thới Sơn, địa thế mà các tỉnh khác nằm mơ cũng không thể thấy, tôi thấy thẩn thờ khi “cù lao vàng” này vẫn còn là tiềm năng du lịch, chưa được khai thác gì nhiều.

Về biển Tân Thành, bãi biển mà cách đây gần 40 năm tôi và các bạn nhỏ đã dám đạp xe 50 cây số để đến ngắm cho biết, bây giờ trở lại vẫn không có thay đổi gì nhiều, lưa thưa du khách.

Hàng loạt nhà cổ ở Gò Công đã biến mất, rạp hát cải lương đầu tiên ở Nam Bộ vẫn đóng cửa im lìm, ngôi nhà xưa của Bạch công tử vẫn chưa đón khách du lịch... Còn quá nhiều kho báu du lịch mà Tiền Giang chưa tận dụng để lôi kéo du khách, giữ vững vị trí “đầu tàu” của mình trong thu hút du khách về miền Tây.

Trong bức tranh “nửa sáng nửa tối” của du lịch Tiền Giang, tôi rất thích ngắm nhìn gam màu sáng mà những người làm du lịch ở huyện Cái Bè đang vẽ nên. Khu “làng cổ” đầu tiên ở Tiền Giang đáng lý phải nằm ở Gò Công, Mỹ Tho hoặc Vĩnh Kim, thế nhưng những người có máu du lịch ở Cái Bè đang làm được chuyện như ngoài khả năng của mình. Những khu resort đầu tiên của Tiền Giang cũng không nằm trên cù lao Thới Sơn hay một nơi nào khác gần Mỹ Tho, mà đang được xây dựng ở Cái Bè...

Đã có nhiều đoàn khách du lịch từ TP.HCM về Tiền Giang không ghé lại Mỹ Tho để đi cù lao Thới Sơn, đi Gò Công, mà họ đi thẳng về Cái Bè, rồi qua Vĩnh Long. Đó là điều những người làm du lịch ở Tiền Giang phải suy ngẫm. Không khéo lại ngủ quên trên nệm nhung!

Du lịch, GO! - Theo Laodong, internet