Nếu người Việt miền Nam có món "canh chua cá kho tộ" vừa dân dã, vừa ngon miệng, người Hoa có cải "xá bấu", thì người Khmer có mắm "Bồ hoóc" (prô-hok), một loại thực phẩm độc đáo của riêng mình. 
Và chính từ loại mắm đặc biệt nầy, đã sản sinh ra món "bún nước lèo", một thức ăn tiêu biểu không thể nào thiếu của người Khmer vùng đồng bằng Nam Bộ.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Trà Vinh và Sóc Trăng đã là quê hương của "bún nước lèo". Để có một nồi nước lèo thơm ngon, mùi vị đặc biệt, nguyên liệu chính là mắm "bồ hoóc" Cách làm mắm bồ hoóc cũng khá đơn giản: Cá đồng các loại, sau khi làm sạch ruột thì ngâm nước lã cho hơi ươn đi. Đưa phần cá đã ngâm qua đêm lên nia tre phơi ráo cho rỉ hết nước cá (sau nầy mắm sẽ thơm ngon hơn).

Công đoạn quan trọng nhất chính là việc rửa lại cá bằng nước muối, sau đó xếp vào lu hoặc hũ sành theo thứ tự 1 lớp muối, 1 lớp cá, 1/2 cơm nguội, đậy lại bằng mo cau khô hay vải nylong, nêm thật chặt bằng nan tre rồi đem phơi nắng khoảng 3 tuần, muốn cho mắm thật ngon, phải ủ tiếp từ 6 đến 12 tháng thì hoàn tất.

Cá tươi được ủ chượp kỹ lưỡng, khi "chín ngấu" sẽ có mùi thơm đậm đà rất đặc biệt. Riêng Prô-hok của người Khmer Trà Vinh được làm từ nhiều loại cá biển, nên có một hương vị rất đậm đà mà không địa phương nào ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể so sánh được.

Bún nước lèo tiếng Khmer gọi là "nụm choóe". Việc quan trọng nhất của món ăn nầy là khâu pha chế nước lèo: nước lèo ngon thì bún mới thật ngon. Trước tiên, mắm được nấu trong nước sôi cho đến khi rã thịt thì lọc bỏ xương lấy nước để riêng. Sau đó, hầm một nồi súp gồm cá lóc, cá kèo (có thêm xương heo, xưong gà để lấy chất ngọt).

Cá sau khi chín, vớt ra để ráo, rút hết xương, quết với sả ớt băm nhuyển. Có được súp, ta lấy nước mắm đã lọc hết xương khi nãy đổ chung với nước súp, nấu sôi lên. Hỗn hợp súp xương và nước thịt mắm gọi là "nước lèo". Gia vị nêm là đường, muối, sả ớt. Đặc biệt để tạo mùi thơm đặc trưng thì không thể thiếu sự góp phần của củ ngải bún (một loại củ nhỏ khoảng đầu đũa, màu giống như củ gừng nhưng hơi trong, thường được trồng ở các gò đất cao). Khi nấu nước lèo chúng ta cũng cần bỏ thêm vào một nắm nhỏ sả cây để tạo mùi.

Ngoài ra, qua thời gian, từ những kinh nghiệm thực tiển, để chế biến thêm, người ta còn cho vào nồi nước lèo nấm rơm chẻ đôi hay xắt mỏng hoặc tép đập dập đã được trộn với sả ớt. Hoàn tất xong các công đoạn, chúng ta sẽ có được một nồi súp nước lèo tuyệt hảo: trong, ngọt và thơm lừng mùi mắm. Với phần rau ghém gồm: bắp chuối xắt mỏng (ngâm trong nước lạnh có pha chanh để cho bắp chuối trắng và bớt chát), bông súng cắt ngắn (khoảng 5 mm), giá, hẹ, rau thơm, chanh (hay giấm chua) và ớt hiểm (một loại ớt trái nhỏ khoảng đầu đũa ăn).

Một vốc sợi bún trắng, dẻo (trụn vài lần trong nước sôi cho nóng) được xé tơi để vào trong tô, trên mặt là một nhúm rau ghém các loại, người ta chan vào đấy vài giá nước súp nghi ngút khói có trộn lẩn với thịt cá, tép và những lát nấm rơm. Thế là đã có được một tô bún nước lèo hấp dẫn và ngon lành. Để tăng thêm phần ngon miệng, người ta ăn kèm thêm: thịt heo quay, bánh cóng và chả giò chiên giòn.

Bún nước lèo là một món ăn bình dân, giá cả phải chăng. Không riêng gì người Khmer, mà cả người Kinh và người Hoa ở Trà Vinh đều rất ưa thích. Và có lẽ, cũng chính từ món bún nước lèo của người Khmer, cái lẩu của người Hoa, sau những cải tiến đã cho ra đời món "lẩu mắm" với hương vị đặc trưng riêng biêt. Trước đây, bún nước lèo ở Trà Vinh được bày bán trên các sạp tre ở chợ quê, hay gánh rong theo các Phum Sóc. Thực khách dùng đũa và từng miếng lớn, thỉnh thoảng lại húp nước lèo soàn soạt hay cắn chút ớt hiểm cay xè.

Với từng ấy hương vị hoà quyện cùng nhau, cộng với cái nóng sốt của nồi nước lèo lúc nào cũng chểm chệ trên bếp than hồng toả mùi thơm quyến rũ, đã đủ khiến cho ai đã ăn qua một lần không thể nào quên. Hiện nay thì đặc sản nầy đã được đưa vào danh sách món ăn ở các nhà hàng lớn tại Trà Vinh Bún nước lèo - một thức ăn đậm đà tính dân tộc, không chỉ riêng của người Khmer, mà còn là của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện bản sắc văn hoá đầy chất phóng khoáng, không câu nệ, cầu kỳ của người dân Nam Bộ hiền hoà, chân chất.

Du lịch, GO! - Theo Tiengthotoi blog