Tà Sì Láng là một xã thuộc huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái, phía bắc giáp xã Bản Mù, phía Tây giáp huyện Phù yên và Bắc yên - Sơn La, phía Đông và nam giáp huyện Văn Chấn.

Dân cư ở đây 100% là người H'Mông, sinh sống bằng nghề làm nương và đi rừng hái củi. Từ Văn Chấn vào Tà Sì Láng khoảng 18km nhưng cũng phải đi hết 2h mới vào được trung tâm xã.
Với cung Hà Nội - Văn Chấn dài khoảng hơn 200km, thì việc lên Tà Sì Láng quả là một sự cố gắng và nỗ lực thực sự. Tuy vậy cung hiểm này vẫn là niềm đam mê của nhiều người đi phượt và du lịch bụi, du lịch khám phá.

Với đặc điểm địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m, bị chia cắt bởi vực sâu, núi cao, vách đá dựng đứng... nên đường vào Tà Sì Láng cực kỳ khó khăn. Trước đây chỉ có đường mòn dân sinh, nay đã được mở rộng khoảng 4-5m, nhưng sạt lở thường xuyên khiến con đường vào Tà Sì Láng hay bị ách tắc, rất nhiều đoạn chỉ đi vừa bánh xe máy. Độ dốc của con đường này cũng thật khó tưởng tượng: 15 -20%.

Hơn 10 năm trước, các cánh rừng ở Trạm Tấu, ở Tà Si Láng bạt ngàn cây gỗ pơmu. Nhưng do địa thế hiểm trở chẳng bao giờ có người qua lại, cộng với sự khó khăn của người dân nơi đây nên bọn lâm tặc thả sức triệt hạ những cây gỗ pơmu quý giá. Bây giờ thì trên các triền núi, loài thông đuôi ngựa làm cho núi rừng có một màu xanh mới, mát mắt.

Cuộc sống của người H'Mông ở Tà sì láng còn rất khó khăn, 1-2 tháng thiếu ăn lúc giáp hạt là điều vẫn xảy ra. Do độ dốc lớn nên việc canh tác khó khăn, mùa màng lúc được lúc mất, dân trí rất thấp nên đa phần trẻ em ở Tà Sì Láng thất học.

Mặc dù có trường ngay tại trung tâm xã nhưng để vận động được người đi học không phải chuyện dễ dàng. Trong 16 xã thuộc huyện Trạm tấu - Yên bái thì Tà sì láng và Bản Mù là 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn.
Đây là một cung đường hiểm nhưng với những dân phượt chuyên nghiệp, Tà Sì Láng chính là một điểm đến khám phá vô cùng thú vị.

Họ không chỉ đến một lần, coi như đã chinh phục được một nơi mới, mà vẻ đẹp cũng như sự hùng vĩ của thiên nhiên nơi đây đã khiến cho nhiều người đến với Tà Sì Láng như một sự mời gọi khám phá cho đến kỳ̀ cùng của vùng đất. Có người đã đến đó tới lần thứ ba nhưng vẫn còn luyến tiếc vùng đất Tà Sì.

Du lịch, GO! - Theo Lukhach24, ảnh Fanwavegroup