Người ta nói rằng lúc sa mưa là thời điểm đẹp nhất để thưởng lãm phong cảnh của Bảy Núi (Thất Sơn - An Giang thuộc hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn ngày nay). Đứng trên cao nhìn xuống, đồng ruộng Bảy Núi như những ô màu sặc sỡ. Các nhà nhiếp ảnh, du khách đã tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian để ghi lại những khoảnh khắc thiên nhiên đầy lý thú này...

Có thời gian, Tri Tôn có tên là Bảy Núi. Còn trước đó, Tri Tôn có tên là Xà Tón, “đọc trại” từ Xvây-Tôn theo phát âm tiếng Khmer bản địa. Nếu như trước đây, ghé tại Tri Tôn, du khách chỉ viếng chùa và đồi Tức Dụp thì bây giờ du khách ở lại lâu hơn để vãn cảnh. Đứng trên cao nhìn xuống, đồng ruộng như một bức tranh lập thể đầy màu sắc. Ruộng nằm lọt thỏm giữa những trái núi. Có những cánh đồng bao bọc ba mặt bởi những ngọn đồi thấp, núi cao. Những con đê chạy dài chia cánh đồng thành những ô nhỏ đủ mọi hình dạng.

Thời điểm trời sa mưa, người dân bản địa bắt đầu cày bừa đất đai để trồng lúa, trồng rẫy vào vụ sản xuất mới. Những ô đất trống với những đường cày thẳng lối, trông như một tấm thổ cẩm dệt dở dang. Lại có những thửa ruộng đã trồng tỉa xong, xanh um một màu mạ non. Còn các thửa trồng rau màu lại mang sắc tím của rau dền, sắc vàng của hoa đậu phộng...

Nhiều người thừa nhận Tri Tôn mùa này đẹp nhất trong năm. Không ít các nhiếp ảnh gia, du khách yêu thích thiên nhiên đã đến Bảy Núi và ở lại suốt một thời gian dài để sáng tác ảnh.
Mỗi sáng, mỗi chiều, người ta lại thấy từng đoàn người vác máy lỉnh kỉnh lên đồi, lên núi săn ảnh. Ở mỗi độ cao khác nhau, đồng bằng mang vẻ đẹp khác nhau. Nhiều người thích ngắm ruộng ở độ cao chừng 50-70 mét.

Đồi Tà Pạ ở thị trấn Tri Tôn nhìn về hướng núi Cô Tô là đẹp nhất. Đồng ruộng ở đây bị giới hạn bởi đồi núi nên không rộng bát ngát như những cánh đồng khác, nhưng tạo ra một không gian hữu tình, thơ mộng. Đứng ở lưng chừng đồi nhìn xuống, tuy không phải là ruộng trăm bậc thang như Sa Pa, nhưng hàng trăm ô ruộng nằm đủ mọi địa hình, có khi xếp chồng lên nhau chạy dài đến rặng cây dưới chân núi cũng đẹp lạ.

Từ vị trí này, du khách có thể nhìn thấy ngọn núi Ba Thê, núi Sập và những con kinh rạch trên vùng tứ giác Long Xuyên kéo dài đến Rạch Giá (Kiên Giang). Nếu nhìn từ đỉnh núi Cô Tô, thiên nhiên mênh mông hơn. Lúc trời trong, có thể nhìn thấy biển Mũi Nai mà những vệt trăng trắng của sóng đang lùa vào bờ.

Tri Tôn có khá nhiều chùa theo phái Nam tông Khmer mới được xây dựng hoành tráng và kiến trúc cầukỳ. Nổi bật hơn hết là chùa Xvây-Tôn - một trong những điểm tham quan không thể thiếu trong hành trình đến Tri Tôn. Chùa được đánh giá là một công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Khmer ở địa phương và khu vực ĐBSCL.

Ngôi chánh điện chùa Xvây-Tôn lợp ngói màu rất lạ mắt, hiếm thấy. Mái chùa cong vút được đỡ bởi những cột gỗ căm xe chắc chắn. Xung quanh chùa có những ngôi tháp chứa tro cốt thờ của các vị chư tăng. Bên trái chánh điện là một hồ nước lớn, xây bằng đá. Người ta giải thích cái hồ này có là do việc lấy đất đắp nền chùa cao đến 1,8 mét.

Nhiều kiến trúc xung quanh chánh điện đã được xây dựng thêm, tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp và thơ mộng, làm lưu luyến bao bước chân du khách. Đi bộ vòng quanh khuôn viên chùa, du khách cảm nhận được làn không khí trong lành từ những cây cổ thụ trên 100 tuổi, hồ nước mát lành.

Cứ vào mùa này mỗi chuyến đi Bảy Núi là một cảm nhận, một dấu ấn khác nhau. Có người không biết đã bao lần trở lại...

Du lịch, GO! - Theo báo Cần Thơ, ảnh internet

Ngược dòng lịch sử khoảng một triệu năm trước, trong thời kỳ Pleistocene, hàng loạt các hoạt động tân kiến tạo đã làm vỏ trái đất ở khu vực Bảy Núi bị nức nẻ, lún sụt hoặc nhô cao nhiều nơi. Sau đó là những đợt biển tràn ngập cả vùng Nam Bộ khoảng 10.000 đến 11.000 năm thì chấm dứt. Dấu tích của những thời biển tiến này còn để lại các bậc thềm biển cổ ở những vùng quanh núi Cấm, núi Dài, núi Phú Cường... của huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.


Phần nhô cao tức đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100km. Khởi đầu từ xã Phú Hữu (huyện An Phú) qua xã Vĩnh Tế (thị xã Châu Đốc), bao trùm lên gần hết hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, về tận xã Vọng Thê, Vọng Đông rồi dừng lại ở thị trấn Núi Sập của huyện Thoại Sơn.
Đứng trên góc độ địa hình, có thể chia đồi núi An Giang thành hai dạng chính:-
•   Dạng núi dốc: được hình thành trong thời kỳ tạo sơn mãnh liệt như đã nói trên, nên chúng thường cao và có độ dốc lớn trên 25 độ và phần lớn là đá cứng với nhiều pha tạp khác nhau (đá núi lửa và đá Granitoit có tuổi Jura thượng, đá Granite có tuổi Creta), như núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài...
•   Dạng núi thấp và thoải: được hình thành từ các thành tạo trầm tích và phun trào có tuổi trias và Creta nên có độ dốc nhỏ dưới 15 độ, độ cao thấp, ít khe suối và bề mặt có khi là đất, như núi Nam Qui, núi Sà Lon, núi Đất...
Và vùng Bảy Núi khi xưa là đất của Chân Lạp. Rồi trong một cuộc tranh giành quyền lực, Nặc Ông Tôn được chúa Nguyễn giúp đỡ đã trở lại ngôi vua. Để tạ ơn, Nặc Ông Tôn hiến đất Tầm Phong Long, trong đó có Bảy Núi, vào năm 1757.