Nằm ven dòng sông Đuống trù phú quanh co uốn lượn, với những bãi ngô, bãi dâu xanh mướt trải rộng, chùa Bút Tháp có tên chữ là Ninh Phúc tự, thuộc địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Đây được xem là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn giữ được khá nguyên vẹn và hoàn chỉnh lối kiến trúc sơ khai ban đầu, là địa chỉ hành hương của phật tử bốn phương.

Tương truyền chùa Bút Tháp có từ thời Trần (thế kỷ 13-14), được mở rộng vào thời Lê (thế kỷ 17) và phát triển mạnh vào thời Nguyễn (thế kỷ 18). Với lối kiến trúc “nội công, ngoại quốc” chùa Bút Tháp gồm các tòa: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tích thiện am và tả, hữu hành lang, bao quanh là các hành lang, giải vũ. Toàn bộ nền móng được dựng bằng đá tảng rất vững chắc. Các tòa kiến trúc đồ sộ liên kết với nhau hài hòa, tạo thế liên hoàn, mái đao cong vút.

Như mọi ngôi chùa thông thường khác, tòa tiền đường có bày tượng Cửu Long, Già Lam ở giữa, tượng Hộ pháp hai bên. Hai pho Hộ pháp khá lớn nhưng tòa Cửu Long thì nhỏ, không đặc sắc. Tâm điểm của chùa Bút Tháp là pho tượng cổ Quan Âm nghìn mắt nghìn tay đẹp nhất Việt Nam được tạc từ 350 năm trước (với 42 cánh tay lớn và 958 cánh tay nhỏ).

Dù thời gian đã làm tróc lớp sơn, thếp vàng trên tượng nhưng không làm mất đi sự duyên dáng của từng cánh tay, trên nét mặt thanh thản của Phật bà, của vầng hào quang tạo bởi nghìn cánh tay và nghìn con mắt. Đây là hiện thân của sự thấu hiểu nỗi khổ và cứu độ chúng sinh trong Phật pháp.

Hệ thống cổ vật cùng đồ thờ và tượng thờ cổ mang nhiều giá trị độc đáo về mỹ thuật, điêu khắc và giá trị nhân văn; đạt đến sự điêu luyện, tinh xảo, tinh tế trong nghệ thuật điêu khắc dân gian. Trong đó, pho tượng Quan thế âm nghìn mắt nghìn tay được coi là bảo vật quốc gia của Việt Nam. Hàng trăm gian liên hoàn, các tòa ngang, dãy dọc thể hiện kỳ công của nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc... chùa Bút Tháp còn được xem là một đại danh xứ Bắc xưa nay.
  Your Ad Here
< Tòa tháp Bảo Nghiêm.

Điều đặc biệt, độc đáo của ngôi chùa mà không đâu trên đất nước ta có được, đó chính là ngọn bảo tháp bằng đá cao lớn, uy nghiêm, vươn lên trời xanh, có tên là tháp Bảo Nghiêm, nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn. Tháp cao 13,05m, hình dáng tựa một cây bút với 5 tầng và 5 góc, mỗi góc có gắn một quả chuông bằng đồng nhỏ. Xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo.

Tháp Bảo Nghiêm là nơi chứa đựng tro cốt nhục thân (xá lỵ) của hòa thượng sư tổ Chuyết Chuyết, trụ trì chùa vào thế kỷ 17, từng được vua Lê sắc phong là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”.
Cảnh quan chùa được bố trí hài hòa, khu vườn rộng trồng cây xanh tỏa bóng mát. Nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc Trung Hoa với lối kiến trúc dân gian truyền thống của Việt Nam, nên chùa Bút Tháp có nét riêng và độc đáo. Mấy thế kỷ đã trôi qua, song những gì còn lại ở chùa Bút Tháp cho thấy đây là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại vùng Kinh Bắc xưa, là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ cổ của nước ta.

Vãn cảnh chùa Bút Tháp, du khách sẽ được chiêm bái cảnh sắc của không gian cõi Phật đường, cảm nhận sự tĩnh lặng trong thế giới tâm linh vô thường, trải nghiệm cùng những suy nghĩ “đạo”, “đời” luân hồi mà thấy lòng như được giải tỏa trong cõi sân si.

Du lịch, GO! - Theo báo Đất Mũi, Giác Ngộ và nhiều nơi khác