Tôi đã luôn mơ về miền đất ấy - như một giấc mơ dài mà tôi đã cặm cụi đi trong những ngày thu trong trẻo hay những ngày mùa đông sương giá mịt mờ. Giấc mơ ấy lúc nào cũng vẹn nguyên và mãi còn cắm rễ chắc lắm trong trái tim, vững vàng như những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì đang bám chặt vào lưng núi, bất chấp nắng mưa, bỏ mặc cả thời gian…

Tôi đến Ý Tý lần đầu tiên vào một ngày đầu đông. Hối hả, vội vàng, xuýt xoa vì giá lạnh. Chúng tôi rời sân ga Lào Cai sau một đêm trằn trọc trong tiếng bánh xe lửa siết vào đường ray, tiếng còi hú lanh lảnh trong màn đêm u tối, cả tiếng trở mình dù rất khẽ của người đồng hành chung khoang tàu. Đêm cũng không vì thế mà dài hơn, bởi những háo hức của một thiên đường ngày mai- nơi chúng tôi sẽ tới.

Ý Tý nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhĩ Cù San mà đỉnh của nó cao tới 2.660m, gần như quanh năm mây phủ. Mặt trời chốn ấy có lẽ ít có ngày được tỏa sáng cả 12 tiếng. Thị tứ đu mình nơi lưng chừng núi, những con đường mòn vạch ngoằn ngoèo rồi chỉm nghỉm trong đám lá rừng, những ngôi nhà thấp thoáng trong mây.

Có phải vì thế mà khi tới Ý Tý, nhiều người cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, tách biệt với trần gian, chốn ấy giống như một giấc mơ cổ tích, giấc mơ về một lâu đài nằm giữa rừng xanh của những cô bé, cậu bé tý hon…

8g sáng, đường từ Bát Xát đến ngã ba Bản Vược vẫn bị mây mù bao phủ, tầm nhìn không quá 2m đường. Ánh đèn xe vàng vọt xuyên qua những đám mây sũng nước, xe trước bám xe sau nhờ vào chiếc đèn hậu đỏ lập lòe và tiếng động cơ xe rền rĩ. Chưa vào mùa lạnh mà chiếc áo khoác với lớp khăn quấn cổ dày sụ đã trở nên bất lực, gió đâm như kim châm luồn lách qua kẽ hở của mũ bảo hiểm chích vào da thịt, đầu ngón tay thò ra ngoài chiếc găng tay ngấm lạnh đã trở nên đỏ rực và tê cóng. Ngẩng đầu nhìn lên, Ý Tý vẫn ở trên kia xa lắm, lạnh một chút, để thấy hạnh phúc đang chờ đáng giá để được chờ… Và chúng tôi cặm cụi đi.

Từ Bản Vược qua chợ Mường Hum, ngày không phiên ghế bàn lổng chổng xếp bên đường. Đường lên Dền Sáng lổn nhổn đá hộc, đá to hơn cả quả đấm tay, to hơn cả đầu gối, còn to hơn cả cái mũ cối… nhưng không ngăn được những vòng bánh xe. Mùa mới gặt xong ruộng đang trơ rạ, một màu xám nhạt phủ lên thung lũng Mường Vi, khác hẳn với cánh rừng nguyên sinh và thảo quả xanh rợp trời ở Dền Sáng.

Trời hửng nắng, không khí khô ráo và mát lạnh, chúng tôi như trôi đi trong một không gian trong trẻo và yên bình đến khó tả, dường như nghe được tiếng lích chích của chim chóc trong rừng, tiếng muông thú rón rén đạp chân trên thảm lá, tiếng gió lay cây thì thào thì thào, cả tiếng suối róc rách đang kiêu hãnh buông mình từ trên đỉnh núi cao… Tất cả đã tạo thành một bản hòa âm tuyệt diệu. Cả trăm kilômét đườngở lại phía sau lưng với bao vất vả nhọc nhằn đã bị quên ngay trong chuyến đi chỉ bởi hai từ “Ý Tý”.

Khi chúng tôi đến thì phiên chợ ngày thứ 7 đang dần tan. Người dân tộc Mông, Hà Nhì, Dao, Hán, Giáy… lụi cụi đeo gùi lên vai và trở về nhà. Màu sắc rực rỡ, lóng lánh, mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức. Không lẫn vào nhau nhưng cùng nhau làm cho bức tranh Ý Tý trở nên rạng rỡ. Này là người Mông váy xòe nhún nhảy quanh bắp chân, lấp lánh kim sa và hàng chuỗi hạt đính. Này là người Hà Nhì với cặp ba lá và mái tóc giả tết bằng len to sụ quanh đỉnh đầu, dây gùi vắt qua trán trĩu nặng mà họ vẫn bước đi rất nhanh.

Này là người Dao miệng tươi như hoa nở, chiếc khăn chim công vấn ấn tượng như một chiếc mũ đại quan đội trên đầu… Một vài cô gái trong số họ còn đang tụ tập bên bờ ruộng, trên những tảng đá... họ cùng nhau ngồi chuyện phiếm, hong nắng và thêu thùa. Họ e ngại khi có người lạ đến gần, giấu mặt vào sau tay áo, cắm cúi vào mũi chỉ đường khâu. Hiếm người trong số họ nói được tiếng phổ thông. Và chúng tôi chỉ có thể trao cho nhau những nụ cười…

Tôi đã trở lại Ý Tý vào một ngày thu trong trẻo. Khi đó, lúa vẫn còn chưa kịp chín vàng ở trên đồng. Đường qua Dền sáng vẫn còn đẫm hơi sương, mây mù lúc dâng, lúc hạ. Những vách núi sừng sững đứng giữa trời, đâu đó có những vệt trắng lóa vạch thành đường thẳng đứng. Phải mất một lúc, chúng tôi mới nhận ra đó chính là những dòng thác của trời, chúng đổ xuống thật ngạo nghễ và đầy kiêu hãnh. Không máy ảnh nào có thể ghi lại được sự kỳ vĩ của thiên nhiên khi đó, chỉ có thể nhìn bằng mắt và cảm nhận bằng tâm hồn, một thứ cảm nhận khiến con người ta nghẹt thở bởi sự bao la, khoáng đạt, mênh mang và vĩ đại của đất trời. Vẻ đẹp ấy chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, vì từ phía sau núi, gió lại đem mây tới, duềnh lên nhanh như nồi cơm đang sôi, nối đất vào trời, xóa nhòa mọi ranh giới.

Chiều Ý Tý đầy hơi lạnh. Thung lũng mờ ảo đang nằm dưới tầm mắt tôi, những ngôi nhà xinh xắn với thiết kế riêng biệt không lẫn vào đâu được. Đẹp và hư vô đến khó tin, chúng tôi thực sự đang ởtrên mây chứ không còn là hạ giới nữa. Hoàng hôn lặng lẽ chìm sau dãy núi dài. Tôi cùng bạn bè nằm lăn trên vệ cỏ, hồi tưởng lại lúc đi qua con đèo không tên cao nhất Việt Nam, có lẽ còn cao hơn cả đèo Ô Quy Hồ mà chúng tôi đã từng chinh phục. Tiếng reo từ ấm nước trên bếp cồn xua tan cái lạnh giá miền cao, và cốc cà phê nóng truyền tay nhau trở nên đậm đà, ngọt ngào hơn bao giờ hết.

Chúng tôi cứ ngồi quây quần bên bếp ấm dọc vệ đường, ngay dưới một khúc quanh trên con đường độc đạo đổ dốc vào thung lũng. Để được thở hơi thở của Ý Tý, nhìn cái nhìn của Ý Tý, lắng nghe thanh âm của Ý Tý, cảm nhận đất và trời Ý Tý bằng tất cả tâm hồn và tất cả các giác quan. Thung lũng ấy mới vừa rõ mồn một trong tầm mắt, ấy mà lại biến mất như thể cõi hư vô, chưa kịp bàng hoàng thì những mái nhà lại lấp ló trong màn mây đang tan dần. Ở Ý Tý, giống như trong cõi mộng, thực đấy lại hư ngay, khiến bạn đôi lúc không biết mình đang mơ hay tỉnh.

Đêm sập xuống rất nhanh. Chúng tôi lên xe chạy tiếp về trung tâm của thị tứ, còn cách chừng hơn cây số. Điện, đường, trường, trạm đã được bêtông hóa ở chốn này. Nhưng vẫn còn đó một loại kiến trúc nhà đặc biệt của người dân vùng cao biên giới-  nhà trình tường - khiến chốn ấy vẫn giữ được cho riêng mình nét hoang sơ nguyên thủy. Nhà thường được kết cấu hình chữ nhật, có một cửa chính và cửa tò vò thông gió ở trên cao, không có cửa sổ, nhưng mùa đông rất ấm áp mà mùa hè lại mát mẻ. Tường nhà được nện bằng đất rất dày, từ 30 - 40 cm, tương truyền đạn bắn không thủng. Mái nhà được lợp bằng gỗ là chủ yếu, theo kiểu hình tròn hoặc hình chóp, tôi bắt đầu thấy xuất hiện vài mái nhà lợp bằng fibro ximăng.

Nhưng tôi cũng biết ở rất sâu trong Lao Chải, Hồng Ngài, những làng trình tường vẫn quần cư trên đỉnh núi, cạnh những con suối, với những hàng rào xiêu vẹo, những lối mòn rụng đầy lá ải, những vũng nước đọng bên ngoài chuồng trâu bò ngai ngái mùi đất ẩm, vịt ngan lạch bạch bơi lội, lợn chạy rông, gà kêu cục tác… và đám trẻ con mặt mũi lem nhem, sau mỗi giờ học lại lên rừng đi nhặt củi.Tôi muốn lưu vàoký ức mình những vẻ đẹp hoang sơ và nguyên thủy ấy… Và vì thế, trong giấc tôi mơ, Ý Tý vẫn luôn là một chốn của thiên đường…

Chúng tôi dừng lại bên ngoài một dãy nhà hai tầng nằm hơi thấp hơn so với mặt đường, tính hỏi đường tới đồn biên phòng Ý Tý. Bất chợt, có tiếng người ở bên dưới hỏi vọng lên:
-Phải giáo viên mới về đó không?
Giấc mơ ấy đã bao giờ bạn mơ???

Du lịch, GO! - Theo Tuoitre --------------

Y Tý - Chân chạm mây, tay với trời

Y Tý, một cái tên có lẽ rất lạ lẫm song lại là niềm mơ ước của những người say mê du lịch khám phá. Có quá nhiều câu chuyện ly kỳ về vùng đất này đã thôi thúc chúng tôi khởi hành một chuyến khám phá.
Y Tý là một xã biên giới vùng cao Tây Bắc, thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Con đường từ Lào Cai đến với Y Tý chỉ tầm 70km nhưng chẳng dễ dàng chút nào, đầy sỏi đá, cát bụi mịt mù, hết dốc lên khúc khuỷu rồi lại dốc thăm thẳm.

Bên núi cao, bên vực sâu, khiến chiếc xe Win gào rú lồng lộn rồi cũng phải mệt nhoài thở dốc. Khi xe vượt qua những đỉnh núi cao hàng nghìn mét, nhìn xuống, những bản làng người Mông, Dao, Hà Nhì chỉ bé xíu như món đồ chơi, những cung đường ngoằn ngoèo uốn lượn vắt mình trên lưng chừng núi như những sợi chỉ mảnh trắng mờ giăng lưng trời.

Khởi hành từ lúc 8 giờ sáng, chúng tôi đến Y Tý thì đã nhập nhoạng 6 giờ chiều. Mặt trời đã khuất núi, chỉ còn chút ánh hoàng hôn le lói, chúng tôi vội vào đồn biên phòng trình báo rồi nghỉ tại nhà một người Mông.
Cả Y Tý có 2 chỗ nghỉ trọ là nhà cô Mỵ và nhà hàng xóm bên cạnh. Đến khoảng 5g30 thì không ngủ được nữa, nên tôi trở dậy. Vừa mở cửa ra thì bàng hoàng sửng sốt với những gì bày ra trước mắt.

Một tấm chăn mây khổng lồ được choàng lên núi rừng Y Tý đang co ro chìm trong giấc ngủ. Chúng tôi lấy xe phóng thật nhanh ngược về hướng Ngãi Thầu, bởi tin rằng sau những dãy núi kia sẽ là một thiên đường mây như trong những câu chuyện cổ tích.

Biển mây cứ chập chùng dần mở rộng, trên đỉnh của những dãy núi xa, nắng ban mai đã phủ tràn, một vùng núi rừng đang dần bừng sáng, biển mây khẽ cựa mình thức giấc.
Một bên mây, một bên đường và một cuộc truy đuổi quyết liệt hồi hộp, vội vã và đầy lo lắng. Lo là không kiếm được chỗ đẹp nhất để ngắm mây, lo mây sẽ tan mất...

Càng lên cao thì thiên đường càng mở rộng, ánh nắng ban mai tuôn chảy khắp núi rừng, cả biển mây tràn ngập trong ánh nắng. Người cứ lửng lơ chao đảo, cảnh vật hiện hữu trước mắt nhưng không thể tin được, cảm giác thế giới này không tồn tại.

Nơi chúng tôi đứng là một mỏm núi nhô ra, còn mây thì vây quanh tràn ngập. Cả một biển mây cuồn cuộn, trắng xóa, gió thổi nhẹ mây khẽ trôi, cả một biển bông mênh mông bồng bềnh khẽ rùng mình chuyển động.
Lấy máy ảnh ra chụp, nhưng càng chụp càng thấy lúng túng, bức bối, bởi không biết làm sao để ghi lại trọn vẹn hình ảnh choáng ngợp cảm xúc này.

Có lẽ mây kia cũng giận dỗi vì lỡ tốn công khoe mình với kẻ bất tài nên cả một vùng khổng lồ ào ạt đổ tới, chưa đầy một phút ngập mình trong mây, chẳng còn biết đâu đất, đâu trời.

Nhìn lên vẫn thấy cung đường còn ngút trên cao, vậy là chạy tiếp. Chạy một chút rồi lại dừng, dừng rồi lại đứng ngẩn ngơ, cuộc rượt đuổi đến ngạt thở của cảm xúc. Nàng mây giờ đây không còn e ấp ngái ngủ như lúc ban sớm mà đã bừng thức giấc.

Cả một vùng mây trắng mênh mông rùng rùng chuyển động, hàng triệu triệu đụn mây bạc đón ánh ban mai rồi phản chiếu, khắp núi rừng rực ánh hào quang, những tia nắng xuyên qua mây, qua rừng cây đổ dài trên con đường đất đỏ rồi phủ chụp lên khắp bản làng.

Khung cảnh sao mà thần tiên huyền hoặc và kỳ diệu quá, đến cả những người Mông thân quen với cảnh này vẫn còn say sưa đón nhận. Chẳng thể biết cảm giác ấy kéo dài bao lâu bởi thời gian đều dừng lại, chúng tôi cứ đứng yên là lặng ngắm, đứng mãi rồi thì một cảm giác tiếc nuối dần xâm chiếm.

Quay về Y Tý lòng vẫn cứ lâng lâng. Cảm giác ấy sống nguyên vẹn đến mấy ngày sau của cả hành trình. Và đến bây giờ khi tôi hồi tưởng lại, Y Tý cũng đang bừng thức tỉnh.

NGÔ TRẦN HẢI AN

Theo Doanhnhansaigon