Mỗi phiên chợ làng Chuông rơi vào thứ 7 hay chủ nhật, là tôi lại í ới bạn bè xách máy ảnh lên đường.
Chợ làng Chuông đã trở nên quen thuộc với nhiều tay máy từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp của Hà Nội, bởi ở đó, người ta tìm thấy những khuôn hình đẹp của một làng quê thanh bình, làng nghề vẫn giữ những nét riêng truyền thống... Và bởi thứ không khí nhẹ nhàng mà phố thị không có được trong suốt một tuần mệt mỏi và hối hả bởi áp lực công việc và cuộc sống.
Chợ làng Chuông thì sáng nào cũng họp, vì đó là phiên chợ mỗi ngày của xã Phương Trung, huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà tây (cũ), nay đã là chợ quê của Hà Nội. Nhưng chợ nón làng Chuông thì chỉ họp 6 phiên một tháng, vào các ngày âm lịch có đuôi tận cùng là 4 và 0. Thỉnh thoảng giật mình nhìn lên đốc lịch, tôi lại thấy trong lòng háo hức nếu chợt nhận ra ngày phiên chợ.
Chợ Chuông gần lắm, cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30km, chỉ có điều phiên chợ nón họp sớm, 6g sáng chưa tỏ mặt người đã nghe lao xao nói cười, chộn rộn cả đình làng Chuông, chộn rộn mọi ngõ ngách xóm nhà hay tiếng người vọng xa vọng gần trên con đê sông Đáy.
Cuối tuần có phiên chợ nón, tôi thường thức dậy lúc 5g, hẹn bạn đồng hành ở cầu Hà Đông, rồi chạy xe long rong qua thị xã đang cựa mình thức giấc. Những chiếc xe máy, xe thồ ngược chiều chở đầy thực phẩm từ ngoại thành vào phố, cắm cúi, vội vàng. Thấy hạnh phúc khi cuộc sống bận rộn mà mình vẫn sắp xếp được thời gian đi rong, được thỏa mãn thú vui đi lại, thú vui chụp ảnh..
Tôi thích leo lên gác chuông ngồi ngắm người dưới chợ đi qua đi lại, trao đổi, mua bán, mặc cả, ngó nghiêng. Cũng không quên ghé qua quán nước dưới gốc đa làng để mang theo lên một ấm trà và dăm ba cái chén, vừa uống vừa chuyện phiếm với bạn bè. Từ trên cao nhìn xuống, thấy lòng hân hoan một cảm giá khó tả.
Này nhé, sân chùa đầy các mẹ, các chị với những chồng lá nón cao ngất ngưởng, ấy thế mà chỉ 2 tiếng sau thôi, đã thấy rất nhiều người dọn hàng đi về tự bao giờ. Xe đạp dựng ngổn ngang, ai cũng tíu tít bận rộn với vội vàng. Quanh ao làng, người cũng ngồi đông chen chúc, ai mua ai bán, ai chọn hàng đẹp, ai nài hàng xấu... tôi không nhận ra, nhưng thấy cuộc sống giản dị ấy cứ chảy trôi, chảy trôi quá đỗi nhẹ nhàng.
Phía bờ đê, người làng hay bán hoa, bán rau lẫn với bán mo cau. Vì là phiên chợ nón, nên nguyên liệu nón đâu đâu cũng thấy: là lá, là mo, là khuôn nón, vòng nón, chỉ lồng nhôi rực rỡ sắc màu, chỉ cước trắng tinh, đỏ tươi lấp lánh…
Người ở gần tới chợ Chuông để mua nguyên liệu về khâu nón thành phẩm, đến phiên chợ sau lại có hàng mang ra bờ sông Đáy, giao cho người buôn xa đi về khắp các tỉnh thành. Đâu đâu cũng đông vui, náo nhiệt và rộn ràng.
Đầu cổng chợ, là nơi bán nón thành phẩm. Ngay cạnh đó có một hẻm nhỏ toàn các cụ già trao đổi mua bán vòng nón đã quây và các thanh vòng mới vót.
Chỗ bán nón thành phẩm lúc nào cũng đông và ấm sực vì người đông vô kể. Các bà, các chị đi bán nón nhiều khi cứ phải cầm cả chồng giơ lên cao trên đầu để đi xuyên qua đám đông đang say sưa chọn hàng và mặc cả, nài giá. Đám con buôn cứ chắp tay đeo túi đi vòng vòng, xem xét hàng rồi thủng thẳng trả giá, trả được giá thì gom hàng vào một chỗ, chờ vãn chợ là xếp và quấn thành một chồng dài, cho lên xe kĩu kịt đi tới bến ô tô, nhanh chóng tỏa đi khắp chốn.
Chợ nón vãn người sau chừng 2g họp chợ, tôi lại lững thững quay lại sân chùa Chuông, lúc này chỉ còn sót lại một vài người đang ngồi cố bán những chùm lá nón cuối cùng, có những cụ bà hỉ hả lần tiền trong bao tượng ra đếm, có những chị gái tranh thủ dọn nốt hàng xếp lên chiếc xe đạp cũ để về nhà… Ai cũng mộc mạc, dễ gần, và câu chuyện về cuộc sống nở ra khi bạn bắt lời…
Mỗi cuối tuần đúng phiên chợ Nón làng Chuông, tôi lại muốn được về chốn ấy, được nhìn những mảnh cuộc sống dịu êm, được trò chuyện với những người phụ nữ tảo tần và hồn hậu, được uống chén chè chát trên gác chuông tam quan, hay dạo bước qua những gian hàng ồn ào rộn rã…
Du lịch, GO! - Theo TTO
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.