Mùa hè này, có dịp bạn hãy hành trình bằng xe mô tô hay ô tô đến đỉnh Đèo Cả (Phú Yên) theo hướng đông khoảng 7km, du khách sẽ quên đi cảm giác mệt mỏi bởi một vùng non xanh nước biếc lãng mạn như một nàng tiên phơi mình trước tầm mắt bạn: đó là bãi Môn, kề cận mũi Đại Lãnh.

Bãi Môn thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên). Đây là một bãi biển vẫn còn khá hoang sơ, có hình vầng trăng khuyết với đường bờ biển dài khoảng 400m, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê.

Thú vị hơn, phía tây bãi tắm còn có một con suối nước ngọt, sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và những tán cây rợp mát của khu rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả, chảy ngang qua bãi tắm rồi đổ nước ra biển, dòng nước ngọt nơi đây rất trong và mát, tạo nên phong cảnh kỳ thú hấp dẫn hơn.

Ngoài việc đắm mình trong dòng nước biển xanh mát, còn có nhiều kỷ niệm không thể nào quên khi đến Bãi Môn với các trò chơi trên biển. Từ sáng sớm các thuyền đánh cá rẽ sóng bình minh vào bờ, du khách có thể tìm cách liên hệ với họ để mua các loại hải sản còn tươi rói, và tự làm những món ăn dân dã rất hấp dẫn. Hơn nữa, nơi thiên nhiên hoang dã này sẽ giúp bạn có những ý tưởng nên thơ, sự táo bạo trong lĩnh vực kinh doanh nhất là du lịch, nuôi trồng thủy sản đối với vùng đất hứa còn nhiều tiềm năng này.

Du khách có thể đến Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh bằng hai cách: Từ thành phố Tuy Hòa, theo quốc lộ 1A khoảng 23km về phía đông nam hoặc từ thành phố Nha Trang, theo quốc lộ 1A khoảng 100km về phía đông bắc, du khách sẽ tới lưng chừng đèo Cả. Tiếp tục theo con đường Phước Tân - bãi Ngà và xuyên qua những rừng dừa bạt ngàn khoảng 12km, sẽ đến Mũi Đại Lãnh. Mũi này được tạo ra nhờ dãy núi Đại Lãnh - một nhánh của dãy Trường Sơn, đâm ra biển Đông.

Cảm giác hơn có thể đi bằng thuyền theo đường biển xuất phát từ Vũng Rô, khoảng một giờ trên thuyền có dịp ngắm nhìn biển trời xanh thẳm, đồi núi hùng vĩ luôn hiện ra trước mắt khiến tâm hồn ta lâng lâng, rồi thuyền rẽ sóng vào bờ lúc nào ta không hay.

Mũi Đại Lãnh do một tướng người Pháp tên là Varella phát hiện ra vào cuối thế kỷ 19. Varella đã nhận thấy vai trò quan trọng của Mũi Đại Lãnh trên hải đồ quốc tế. Chính vì vậy, trên bản đồ cũ nó được gọi là Cap Varella (Mũi Varella). Điểm đặc biệt của Mũi Đại Lãnh là trông nó như một ngọn núi lại như một hòn đảo vì có một con suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền nhưng thực chất nó lại liền đất liền.

Phong cảnh ở núi Đại Lãnh từ xưa đã được liệt vào hàng những danh lam thắng cảnh đẹp của Việt Nam. Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đại Lãnh vào Tuyên đỉnh - một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong đại nội Kinh thành Huế (Thừa Thiên – Huế). Năm 1853, dưới triều vua Tự Đức, Đại Lãnh có tên trong từ điển quốc gia do triều đình biên soạn.

Người dân địa phương còn gọi Mũi Đại Lãnh là Mũi Điện, vì trên đỉnh có ngọn hải đăng cao khoảng 26m, ở độ cao hơn 100m so với mặt nước biển và có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Ngọn hải đăng có hình trụ tròn với đường kính trung bình gần 5m, bên trong trụ được lắp đặt 108 bậc cầu thang xoắn ốc bằng gỗ lên tận đỉnh. Đây là một trong 8 ngọn hải đăng có niên đại trên 100 năm trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động tại nước ta.

Ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng vào năm 1890 với mục đích định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển và vào vịnh Vũng Rô. Ngọn đèn biển hoạt động được 55 năm thì ngừng và đến năm 1961, nó được chính quyền Sài Gòn trước đây khôi phục hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ngọn hải đăng hoạt động chưa được bao lâu thì phải tạm dừng bởi Mũi Đại Lãnh nằm trong khu vực căn cứ Miền Đông của cách mạng, là hành lang đón các con tàu không số. Để ngăn chặn tuyến đường tiếp tế trên biển của cách mạng vào Vũng Rô, Mỹ đã ném bom dày đặc vào núi rừng khu vực vịnh Vũng Rô, phá hủy cả trạm hải đăng. Tháng 8/1996, Nhà nước đã cho sửa chữa, tu bổ và ngọn hải đăng chính thức hoạt động trở lại vào năm 1997.

Sự phối hợp tinh tế giữa thiên nhiên và con người tại Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn đã tạo nên một quần thể danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp được nhiều tạp chí trong nước và quốc tế biết đến, thực sự là tài sản quý giá của tỉnh Phú Yên. Tháng 8/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 67/2008/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng danh lam thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh (Mũi Điện) là di tích cấp Quốc gia.
Du khách đến với Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh, không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, tham gia các trò chơi trên biển mà còn được thưởng thức các món hải sản biển như: tôm, cua, cá, mực, hàu…, đặc biệt, du khách sẽ có dịp cùng những ngư dân đi săn cá chình biển – một loài cá biển rất ngon mà người dân nơi đây vẫn thường gọi là loài “thuồng luồng đại dương” và tận hưởng hai dòng nước mát ngọt - mặn đan xen.

Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia tour du lịch kết hợp tham quan một số điểm du lịch khác như: bãi biển Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), tham quan và ngắm cảnh thiên nhiên từ trên đèo Cả - điểm nối giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, khu văn hóa lịch sử Đèo Cả - Hòn Nưa, đỉnh đá Bia…

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Vietnamtourism, Datmui, ảnh internet