Điều thú vị trước tiên là tàu cao tốc. Không phải vì tàu nhựa sang trọng, mà vì tàu chạy “vèo” chưa đầy một giờ đã đến Hòn Tre (thị trấn chính của huyện đảo Kiên Hải của tỉnh Kiên Giang, cách Rạch Giá chừng 25 hải lý). Kế đó là cái thú ngắm mô hình Hòn Tre được ông Tây Le Distour đắp bằng ô dước gần thị trấn khi hòn đảo này mới có vài hộ cư trú.

Theo con đường dài 12km bằng bê tông cốt sắt quanh đảo sẽ đến Đuôi Hà Bá. Thú vị với cái tên lạ của nó. Càng thú hơn vì người ta ví Hòn Tre như một con rùa, nhưng lại có cái đuôi của một con hà bá. Mỏm đá chè bè này như cái đuôi con vật dân gian tưởng tượng, là nơi mùa gió Nam những ngọn sóng biển ầm ào đánh vào bờ lổn nhổn đá tung bọt trắng xóa. Từ đây, ngày tốt trời có thể thấy rõ hòn Lại Sơn và cả quần đảo Nam Du.

< Bãi Chén hoang sơ.

Đi một nửa vòng con đường quanh Hòn Tre, du khách sẽ đến bãi tắm duy nhất của hòn. Đi bộ mới là điều thú vị.

Con đường tắt ấy đi xuyên qua hẻm núi với những rừng cây ăn trái xanh ngút ngàn. Thanh long bỏ vòi đầy trên những tảng đá. Xoài cát Hòa Lộc phủ xanh rờn. Du khách được phép cứ tự nhiên hái trái ăn, chủ thấy còn cười khích lệ.
< Tìm bắt ve sữa.

Ở khoảng nửa đường có một hòn đá hình tam giác, nhỏ cỡ chiếc gối, có tên là hòn đá Chuông. Cầm vật nhỏ gõ vào hòn đá, tiếng đá ngân như tiếng chuông vang lên thật thích thú.

Đi chừng một tiếng đồng hồ thì tới bãi Chén. Theo truyền thuyết, Nguyễn Ánh bôn tẩu đến đây, bất ngờ bị quân Tây Sơn truy bắt, vội chạy, bỏ lại chén dĩa.

< Nướng hàu sữa.

Nhìn từ trên cao, bãi Chén có rất nhiều tảng đá bự như những cái chén úp khổng lồ nằm trên bờ hoặc ngâm một phần dưới nước. Không khí mát rượi, mặn mà gió muối. Bãi nước trong xanh, có sóng nhẹ là nơi tắm rất lý tưởng.

Tắm xong, du khách thường nhờ mấy người cạy hàu sữa làm đồ nhắm hoặc tự gom mớ cành lá cây khô, chất đống bên chân mấy tảng đá ven bờ đầy hàu bám, bật quẹt, là lát sau đã có món hàu sữa nướng mọi ngon ngọt.

< Nướng cá đối.

Chưa đã, có thể mua cá đối từ chiếc ghe đang lưới cá gần bờ để nướng muối ớt với sự trợ giúp của vợ chồng chủ ghe.

Ngon nhất là đầu cá đối, chẳng thế dân gian mới có câu: “Bán ruộng đầu cầu để ăn đầu cá đối”. Khi đã no say, nhiều người nằm lăn trên tảng đá bự, đánh một giấc đã đời.
< Thau ve sữa.

Hòn Tre mùa gió Nam là mùa săn ve sữa. Tối đến, dân hòn lũ lượt kéo nhau lên núi tìm bắt những con ve to chừng ngón tay cái từ dưới đất chui lên. Ánh đèn pin lóe sáng quét từng vệt trên các thân cây.

Tiếng trẻ con náo nức cười vui, tiếng người lớn hỉ hả khoe nhau khi bắt được con ve lớn. Không bắt ngay, khi chúng bò lên nửa thân cây là mọc cánh thành ve sầu và bay mất.

< Tôm tích.

Bắt được ve, người ta cho ngay vào thùng nước để chúng không mọc cánh, vẫn là ve sữa. Ve sữa đem về luộc nước muối để giữ màu trắng ngon mắt rồi chế biến thành món ăn ngon miệng như rang tỏi mỡ, chiên tươi hoặc chiên bột. Còn ve sữa ram mặn, ướp mắm muối chiên tươi tỏa mùi thơm đặc trưng và chất béo của ve thấm đẫm đến chân răng.

Mùa ve sữa rất ngắn, chỉ khoảng một tuần lễ, mưa xuống là dứt. Đến mùa gió nồm cũng là mùa ghẹ cu ly, đặc biệt là tôm tích. Tôm tích nhỏ thôi, cỡ hai ngón tay, ngọt thịt hơn tôm thường, được chế biến thành nhiều món ăn độc đáo như lăn bột chiên, nhúng giấm, nấu canh, ướp chao nhúng nước dừa… Món nào cũng tươi ngon, ăn rồi không thể nào quên.

Du lịch, GO! - Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Hòn Tre - Kiên Giang