Tuy chưa đến được Lũng Cú- Nơi đặt cột cờ đánh dấu điểm cực Bắc của Tổ quốc, song tôi đã có trên 3 ngày rong ruổi cùng với những dốc cao, những khúc ngoặt thót tim, xuôi ngược sông Gâm hùng vĩ, đặc biệt là được "3 cùng" ngay tại bản đồng bào Tày, Mông v.v… Hà Giang đối với tôi có quá nhiều cảm xúc.

Đêm ở bản Khén

Trong đoàn nhà báo theo học lớp đào tạo báo chí nâng cao do dự án SIDA (Thụy Điển) hỗ trợ, tôi và anh Trung Chính- Phó tổng biên tập báo Lao động- xã hội được cử đi thực tế tại bản Khén, Lạc Nông, Bắc Mê, Hà Giang. Chuyện "3 cùng" vốn không xa lạ gì đối với một nhà báo Tây Nguyên. Tuy vậy, tôi vẫn thấy hơi lạnh gáy khi nhận nhiệm vụ này. Phần vì ngại phong tục tập quán, phần vì bị dọa dẫm bởi những con đường cong và dốc như những dấu "vô cùng" được đặt cheo leo trên sườn núi.



Qua một ngày vật lộn với những cung đường như thế, cuối cùng chúng tôi cũng đến được cái bản người Tày có tên là Khén. Mới 5 giờ chiều mà cả bản đã ngập trong khối sương đặc quánh. Bản Khén lại nằm lọt thỏm trong một thung lũng, chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào, trước- sau- phải- trái đâu cũng núi cao, thành ra cảm giác cô độc càng thấm sâu.

Biết tôi là người Tây Nguyên nên anh chủ nhà Lã Minh Nghiệm rất quí. Cũng giống như đồng bào Bahnar hay Jrai, vì mến khách nên tiếp khách theo tiêu chuẩn "2 G", có điều đồng bào Tày Hà Giang không làm rượu ghè nên chỉ có gà và rượu men lá. Lã Minh Nghiệm được xem là "đại gia" của cái thung lũng này nên nhà có cả máy xay xát, xe máy, ti vi…

Cơ ngơi là ngôi nhà sàn gỗ nghiến vững chãi tựa như ngôi nhà dài của đồng bào Jrai Ayun Pa. Câu chuyện làm giàu của Nghiệm cũng dài và trắc trở như đường lên đỉnh núi. Anh lấy vợ và ra riêng với tài sản vẻn vẹn 200m2 đất vườn, 1.000 m2 đất núi đá và 5 cái bát ăn cơm. Phải nhịn ăn, nhịn tiêu, ngược xuôi buôn bán trên 10 năm, Nghiệm mới mua được 2.000m2 ruộng và đất rẫy. Và, phải tiết kiệm, tính toán, làm lụng cật lực hơn mười năm sau nữa anh mới có được tài sản như hôm nay.

Chẳng mấy chốc cái tin "có người Tây Nguyên đến chơi" đã lan ra cả bản. Một vài người trong dòng họ Lã tìm đến nói chuyện. Trong câu chuyện lúc nhặt, lúc vãn, tôi nhận ra cái bản Khén này còn nghèo lắm, chỉ có Lã Minh Nghiệm "biết tính toán nhất bản" nên kinh tế khá giả. Nghèo cũng phải thôi bởi ngoài mấy ha ruộng nước trong thung lũng, nhìn lên dốc núi thấy chỗ nào cũng đá và đá. Nghe tôi kể về đất đỏ ba zan, về những vườn cà phê, cao su… ai cũng theo dõi một cách chăm chú, như thể nghe chuyện cổ tích đời xưa. Ông Lê Bình Dương- Bí thư Chi bộ bản Khén cho biết: "Đã có mấy hộ di dân tự do vào Tây Nguyên. Nghe nói chúng nó làm ăn khá lắm!".

Nếu bản Khén khó một thì bản Phia Vèn của đồng bào Mông khó hai. Vì mới "xuống núi" gần 2 năm nay nên cuộc sống và tư duy của bà con vẫn đang ở lưng chừng núi. Dạo một vòng từ đầu đến cuối bản, tôi nhận ra một thứ âm thanh rất phổ biến đó là tiếng í ào phát ra từ những vòng cối đá xay ngô làm mèn mén. Vì ở lưng chừng núi, không trồng được lúa nên mèn mén (một thứ bánh làm từ bột ngô) là khẩu phần hằng ngày của đồng bào Mông ở Phia Vèn. Mà ngô nào có dễ trồng, phải chọt từng lỗ nơi khe đá để tra hạt. Phia Vèn là một trong những bản đầu tiên ở Bắc Mê chịu "xuống núi", đa phần đồng bào Mông ở đây hiện đang sống rải rác ở lưng chừng những ngọn núi cao. Khó khăn, vất vả vẫn là chuyện thường ngày.

Du thuyền sông Gâm

Bên cạnh việc "gây khó" cho cuộc sống con người cực bắc, thiên nhiên cũng bù đắp cho họ phần nào những thiệt thòi trong cuộc sống. Đó là con sông Gâm hùng vĩ và đẹp đến nao lòng, những thửa ruộng bậc thang tầng bậc.

Có du thuyền trên sông Gâm mới cảm nhận hết sự hùng vĩ của thiên nhiên Hà Giang. Đó là một dòng nước xanh ngăn ngắt uốn lượn qua những dãy núi đá cao ngất ngưởng với đủ loại hình thù. Dọc bờ sông là những cây nghiến, cây sồi cổ thụ, rồi những hang đá xuất hiện như sự sắp đặt của tạo hóa v.v… Rồi những ngôi nhà của đồng bào Mông mọc ra từ cheo leo sườn núi như mời gọi, hấp dẫn du khách đến với sông Gâm.

Không chỉ đẹp, sông Gâm còn chứa đựng trong lòng nó nguồn thủy sản phong phú, đặc biệt là sự xuất hiện của cá Anh vũ. Một ly rượu làm từ thứ men lá của núi rừng kèm theo miếng cá anh vũ ngọt lừ được mời từ bàn tay xinh đẹp của cô thiếu nữ người Mông, du khách bỗng thấy mình như thăng hoa, bay bổng.

Vĩ thanh

Trong bửa cơm tiễn khách, Lã Minh Nghiệm vỗ vai tôi tâm sự: “Năm nay mình 45 tuổi. Trước khi trở thành người già, mình mơ ước được vào Nam bộ và Tây Nguyên một lần. Trước là đi cho biết đất nước mình rộng lớn như thế nào, sau là học hỏi kinh nghiệm làm ăn để về còn giúp cho bản Khén mình”.

Tôi đọc được trong ánh mắt và lời tâm sự của anh một sự khát khao đến cháy bỏng về một cuộc sống dễ chịu hơn. Không ai khác, chính Lã Minh Nghiệm mẫu hình của con người Việt bắc đằm thắm, thủy chung và đầy khát vọng.

Theo bao Gia Lai