Ðình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh - vùng kinh bắc (xưa là Hương Diên Uẩn- Châu Cổ Pháp) mới thực sự là vùng đất được coi là "địa linh nhân kiệt" đích thực. Lý Công Uẩn - một ông vua anh minh, văn võ song toàn, đã dựng nghiệp nhà Lý, trị vì đất nước qua 8 triều vua với gần 216 năm (1009- 1225), đặt tên nước là Ðại Việt, lập nên kinh đô Thăng Long. Qua gần 100 năm Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay đã trở thành một thủ đô anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, "thành phố vì hoà bình" duy nhất ở vùng Ðông Nam châu á, do tổ chức UNESCO thế giới phong tặng.

Ðình Bảng - Tiên Sơn - Bắc Ninh là vùng văn hoá đã nổi tiếng là nơi có phong cảnh đẹp từ xưa, cách thủ đô Hà Nội và thị xã Bắc Ninh chừng gần 20km, trên đường quốc lộ 1A. Khu vực đền Ðô được xây dựng từ thời Lý Công Uẩn (thế kỷ XI). Ðền Ðô thờ 8 vị vua nhà Lý.



Ông vua đầu tiên là Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ 1009 - 1028). Sau đó là các triều vua tiếp theo: Lý Thái Tông (1028- 1054); Lý Thánh Tông (1054 - 1072); Lý Nhân Tông (1072 - 1128); Lý Thần Tông (1128 - 1138); Lý Anh Tông (1138 - 1175); Lý Cao Tông (1175 - 1210); Lý Huệ Tông (1210 - 1224).

Lý Thái Tổ lập ra triều Lý, quyết định rời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long vào mùa thu năm Tuất- 1010. Lý Thánh Tông (đời vua thứ ba của triều Lý) - đặt ra quốc hiệu Việt Nam là Ðại Việt (có ý ngang hàng với nhà nước Ðại Tống - Trung Quốc). Năm 1070 lập ra Văn Miếu Quốc Tử Giám - trường Ðại học đầu tiên ở Việt Nam, một trong số ít quốc gia có trường Ðại học sớm nhất thế giới. Lý Nhân Tông (đời vua thứ tư) của nhà Lý, một vị vua xuất chúng. Ðặc biệt là cả 8 triều vua đều mất và mai táng ở Thọ Lăng, Thiên Ðức, hương Cổ Pháp, cách đền Ðô không xa.

Khu di tích đền Ðô có diện tích 31.250 m2, với trên 20 hạng mục công trình gồm: đền thờ, nhà tiền tế, phương đình, nhà bia, nhà để kiệu, nhà để ngựa thờ, cửa rồng, thuỷ đình, văn chỉ, võ chỉ... Nhà thuỷ đình đền Ðô xưa đã được ngân hàng Ðông Dương thời thuộc Pháp chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc 5 đồng, nhưng cũng chính nhà thuỷ đinh ấy lại bị thực dân Pháp phá huỷ hoàn toàn cùng với quần thể kiến trúc đền Ðô vào năm 1952 trong một trận càn quét "đốt sạch, phá sạch"!

Ðến thăm quê hương nhà Lý ta còn được chiêm ngưỡng phong cảnh đồng quê tiêu biểu vùng kinh Bắc, thăm các di tích lịch sử- văn hoá như Chùa Cổ Pháp, chùa Kim Ðài là một trung tâm Phật giáo cực thịnh vào thế kỷ VIII và đình làng Ðình Bảng- một tác phẩm kiến trúc độc đáo được xây dựng đầu thế kỷ XVIII; tháp Lý Khánh Văn tưởng niệm người cha nuôi của vua Lý Thái Tổ; thăm Thọ lăng Thiên Ðức, một khu lăng khiêm tốn giản dị- nơi yên nghỉ của các đời vua nhà Lý...

Lễ hội đền Ðô được tổ chức rất trọng thể vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, đúng ngày Lý Công Uẩn đăng quang (15/3) năm Tuất- 1010). Lễ hội đền Ðô là một lễ hội truyền thống có từ lâu đời và trở thành phong tục đẹp được nhân dân Ðình Bảng gìn giữ. Lễ hội đền Ðô được nhân dân cả nước hưởng ứng, nhiều khách nước ngoài cũng đến dự và để lại những ấn tượng tốt đẹp.

Ðình Bảng còn là quê hương của truyền thống Cách mạng. Hội nghị Trung ương, Hội nghị Thường vụ Ban chấp hành Trung ương cũng từng họp tại làng Ðình Bảng- một trong những nơi họp bí mật, cận kề với cơ quan đầu não của thực dân Pháp để quyết định vận mệnh của đất nước vào năm 1945. Sau khi nhà nước Việt Nam độc lập (9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm quê hương nhà Lý.

Ðình Bảng- Tiên Sơn- Bắc Ninh, quê hương của các vị vua triều Lý lại là một vùng quê trù phú, có truyền thống cách mạng sẽ là một điểm đến lý tưởng cho du khách mỗi khi tới Thủ đô.

Theo Tổng cục Du lịch