Là mảnh đất cuối cùng ở cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau hấp dẫn với nhiều huyền thoại về lịch sử khẩn hoang một thời mở cõi của cha ông, đặc biệt nổi tiếng với nhiều địa danh mang đậm phong cách tự nhiên thuần tuý như rừng U Minh, hòn Đá Bạc …

Và, có lẽ chính nét độc đáo của văn háo ẩm thực ở đây đã góp phần níu chân khách du lịch– những ai mới lần đầu đến với xứ sở diệu kỳ của miền sông nước này

Có lẽ được sinh ra từ vùng đất nhiều sông rạch, giàu tôm, lắm cá nên người ở vùng đất cuối cùng của phương Nam này sớm khai thác triệt để lợi thế ấy qua việc chế biến những món ăn hấp dẫn, bắt mắt, “không đụng hàng” và dễ làm xao xuyến lòng thực khách.

Cá lóc nướng trui

Về Cà Mau mỗi độ Tết đến xuân về bạn sẽ được thưởng thức món cá lóc nướng trui để hòa vào cuộc sống của người phương Nam hiền hòa chân chất.

Những con cá lóc vừa ăn không lớn quá cũng không nhỏ quá được xiên từ miệng đến đuôi bằng cái que tre còn tươi, những cái que cá được cắm xuống đất, rơm chất chung quanh với lượng vừa đủ, cái khéo của người nướng là biết chất rơm tới mức nào là đủ, làm thế nào rơm vừa tàn thì cá cũng vừa chín. Cá nướng chín quá thì mất ngọt, chưa đủ đô thì thịt nhão và tanh. Rơm nhiều thì cá khét. Rơm ít, nướng nửa chừng chất rơm thêm thì khúc đầu sống, khúc đuôi khô nước.  Nướng con nào “giải quyết” ngay con nấy cho nóng hổi vừa thổi vừa ăn, vừa ăn vừa nướng, tay làm hàm nhai ngon đến nỗi nuốt không kịp thở.

Cá lóc nướng trui được chấm bằng muối cục đâm nhuyễn với những trái ớt hiểm hái vội bên vườn. Rau sống thì có đủ các loại rau đồng và rau thường như: diếp cá, húng cây, húng lủi, tía tô, đọt dừng, đọt sộp, đọt cóc, đọt xoài, chuối chát, nếu có xoài non thì bằm nhuyễn cho thêm hương thêm vị.

Cháo đậu xanh nấu rắn hổ.

Nếu ở đồng bằng rắn là món ăn quí hiếm thì  ở vùng sông nước Cà Mau các món rắn lại rất đa dạng, dễ tìm trong đó rắn nấu cháo đậu xanh là ấn tượng hơn cả.

Thân rắn làm sạch chặt khúc, bỏ vào nồi cháo đậu xanh đang sôi sùng sục, cháo nhừ thì thịt rắn cũng vừa mềm, vớt thịt ra để nguội, nêm nếm nồi cháo cho ngon ngọt rồi xé nhỏ thịt rắn, chấy với hành tỏi thật thơm đổ trở lại nồi cháo, riu riu lửa cho cháo luôn giữ độ nóng vừa phải. Nếu thích ăn béo thì vắt thêm nước cốt dừa. Vị cháo béo ngậy nhờ đậu xanh và nước cốt dừa, da rắn dòn dòn, thơm phức, thịt rắn ngọt hơn thịt gà, mùi gừng, mùi tiêu bốc lên nồng nàn. Người ăn phải chịu khó đi múc cháo còn nóng hừng hực trên nồi mới đảm bảo được độ nóng sốt. Người bị cảm cúm ăn chén cháo rắn đậu xanh, mồ hôi nhễ nhại, có khi khỏi cần dùng thuốc cũng hết bệnh.

Bánh tằm xíu mại tàu hũ kỵ

Bánh tằm hay bánh tầm, gọi thế nào cũng được, cầu kỳ từ khâu nhào bột làm bánh cho đến lúc nấu nước xốt. Bánh tằm tương tự như bún nhưng sợi bánh to hơn sợi bún một tẹo. Bánh vừa dài vừa dai, được gỡ rời từng sợi một trước khi chan nước xốt, còn gọi là “nước cà”.

Tính sơ sơ có bốn kiểu bánh tằm. Trong các kiểu bánh tằm, đặc biệt nhất là bánh tằm xíu mại tàu hũ kỵ. Để có được nồi xíu mại hấp dẫn, người ta phải qua nhiều bước thực hiện. Đầu tiên, băm thịt nhuyễn, ướp gia vị cho thấm, tàu hũ ky chiên sơ rồi cắt tưng miếng vuông bằng bàn tay xòe ra. Trải miếng tàu hủ ky ra, cho thịt băm vào mới gói lại. Sau đó cho tàu hũ ky gói thịt băm vào xửng, hấp sơ. Nước xốt sôi mới cho từng miếng tàu hủ ky gói thịt băm vào, nồi nước xốt được đặt trên bếp lửa liu riu, lúc nào cũng sôi lăn tăn nóng hôi hổi.

Nơi có hàng ăn đông khách nhất có thể kể đến là quán bánh tằm trên đường Lê Lợi, đường Nguyễn Hữu Lễ phường 2, hay quán ăn sáng ở đường Quang Trung, đường Lưu Tấn Tài phường 5… Ngoài ra, cũng có thể kể đến một quán ăn "rất có cá tính", chỉ chuyên bán bánh tằm cà ri cay. Quán nằm trong con hẻm khuất nhưng rất chiều thực khách, bạn có thể đến gõ cửa bất cứ lúc nào, chủ quán cũng niềm nở phục vụ.

Bún nước lèo Cà Mau

Mỗi vùng đất có một nét đặc trưng riêng về ẩm thực! Nếu món bún nước lèo Sóc Trăng được chế biến bằng cách cho nước mắm, nước luộc tép, cá, nước dừa xiêm, nước trong vào nấu sôi cùng với ngải bún, sả cây … thì món bún nước lèo Cà Mau được chế biến có phần khác hẳn. Trước tiên cho xương heo (loại ngon) vào ngâm nước lạnh, rửa sạch rồi bỏ vào nồi lớn, đổ ngập nước đem đun. Sau khi thấy nước bắt đầu sủi bọt thì vớt xương ra rửa sạch, đổ bỏ nước rồi đem đun sôi, vớt sạch bọt, sau đó hầm lửa nhỏ độ chừng 2-3 giờ liền.

Tiếp tục cho thịt ba rọi vào nồi xương luộc, khi thấy thịt chín có thể vớt ra rửa qua nước lạnh. Chọn tép bạc cỡ ngón tay người lớn, loại vỏ mềm cho vào luộc chung, khoảng 15 phút vớt tép ra. Cho sả cắt khúc vào nồi nấu rồi nhúng mắm lóc (hoặc mắm sặc) vào nồi súp, sau đó vớt bỏ phần xác mắm. Ở một số nơi còn biến tấu bằng cách cho thêm cá lóc vào tô bún. Điều này càng làm tăng thêm phần hấp dẫn của món ăn, nhưng xem ra lại “trật” so với nguyên bản của món bún nước lèo xứ Cà Mau. Lúc này, người nấu chỉ cần nêm nếm gia vị cho vừa ăn là coi như đã hoàn tất phần chế biến món bún nước lèo Cà Mau.

Bánh lọt giò heo

Sợi bánh lọt ăn với sườn heo có màu trắng tự nhiên. Bánh được làm thủ công bằng cách dùng 5 phần bột gạo lúa mùa cùng một phần bột năng. Hòa tan bột trong nước theo ấn định rồi lược lại bột qua rây. Tiếp đó, bắc nước bột lên bếp đun nhỏ lửa, dùng đũa khuấy đều tay đến khi bột chín đặc. Đặt chiếc rổ có lỗ nhỏ bằng đầu đũa lên trên miệng các chậu nước sạch. Trút bột nóng vào rổ, dùng cái sạn ép mạnh bột, bột chảy lọt qua rổ thành từng khúc. Khúc bột lọt xuống, gặp nước lạnh làm nguội đi, đông lại làm thành sợi bánh.

Bánh lọt sườn heo mới nhìn qua hình như có họ hàng với bánh canh bột gạo, chỉ có điều sợi bánh ngắn và hơi to hơn. Tô bánh lọt đem ra, trên mặt là sườn, gan, tim, thịt nạc cùng hành lá, hẹ rất mời mọc. Húp thử miếng nước thanh ngọt, được hòa quyện bởi nhiều mùi vị của nguyên liệu phong phú, tạo cho thực khách sự cảm khoái dễ chịu.

Theo YeuDuLich