Tọa lạc trên một sở đất rộng ở đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Vũng Tàu là một quần thể kiến trúc, di tích gồm ba công trình: đình Thắng Tam, miếu Bà và lăng cá Ông. Đình thần Thắng Tam nằm ở vị trí được cho là "án sơn tụ thủy", xây dựng vào năm Canh Thìn (1820) làm nơi thờ phụng các bậc tiền hiền, những người có công khai phá vùng đất này.

Chuyện xưa kể rằng, thuở ấy hải tặc Mã Lai và Tàu Ô thường hay đột nhập cửa sông Bến Nghé (sông Sài Gòn ngày nay) đón đường cướp bóc tiền bạc, hàng hóa, bắt người trên các thuyền buôn. Để bảo vệ thương thuyền của người Việt, vua Gia Long phái ba đội quân đóng chốt trên khu bán đảo ngày nay chính là thành phố Vũng Tàu. Mỗi đội quân do một viên suất đội chỉ huy. Họ đã đi thuyền đến rồi đổ bộ, lên lập doanh trại rồi đặt địa danh nơi này là Phước Thắng.

< Ngôi đình trung trong khu đình thần Thắng Tam.

Vài năm sau, hầu hết các nhóm hải tặc bị diệt trừ. Số ít còn sót lại cũng tìm cách chạy trốn hoặc bỏ nghề đạo tặc, trở lại cuộc sống lương thiện. Ngoài việc bảo vệ cuộc sống thanh bình vùng ven biển, cửa sông, số binh sĩ thuộc ba đội quân này vừa vừa khai hoang lập làng, làm ăn sinh sống. Năm 1822, vua Minh Mạng ban chiếu khen thưởng chức tước, phẩm hàm cho người có công; cho giải ngũ và ban thưởng phần đất mà họ có công khai phá.

Các vị trí lập doanh trại và khẩn khoang của ba đội quân dần dần hình thành cụm dân cư Phước Thắng gồm ba làng đặt dưới quyền cai quản của các ông cai đội Phạm Văn Dinh (làng Thắng Nhất), cai đội Lê Văn Lộc (làng Thắng Nhì) và cai đội Ngô Văn Huyền (làng Thắng Tam). Dân các làng Thắng vừa làm ăn sinh sống vừa bảo vệ an ninh bờ biển. Sau khi ba ông đội qua đời, triều đình nhà Nguyễn đã ban sắc phong thần cho cả ba ông.

< Ngôi miếu thờ các vị tiền hiền trong khu đình thần Thắng Tam.

Ban đầu, ngôi đình chỉ là nhà tranh vách lá; năm 1835 mái được lợp ngói và đến năm 1965 được xây dựng mới, kiên cố như hiện nay. Đình thần Thắng Tam được xây dựng theo lối kiến trúc liên hoàn gồm miếu tiền hiền, ngôi đình trung, võ ca và hội trường.

Ngôi tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có hình “Lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các vì kèo, đòn giông, đòn tay và cột đều chạm khắc hình rồng. Nội thất bài trí nhiều đồ lễ chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Tiếp sau hội trường là ngôi đình trung có cấu trúc tương tự miếu tiền hiền. Liền với ngôi đình trung là võ ca, nơi biểu diễn hát bội mỗi dịp cúng tế, hội hè hàng năm.

Nằm bên phải đình Thắng Tam là miếu Bà Ngũ Hành, được xây dựng vào năm Nhâm Thìn (1832), theo lối kiến trúc một gian hai chái. Trên mái có hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Bên trong có tám bàn thờ. Bàn giữa chính điện thờ Ngũ Hành và hai vị thượng đẳng thần. Trên có bày tượng năm Bà và bộ ngũ sự, hai bên có thờ năm Cô, năm Cậu, hai vị thượng đẳng thần không có tượng. Tiếp theo bên trái là bàn thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương là những bậc trung nghĩa và sẵn sàng cứu hộ những người đi biển khi họ gặp chuyện không may. Bên phải là bàn thờ ông Địa - Thổ công. Phía sau là bàn thờ tiền hiền và bàn thờ những người giàu lòng nhân ái, độ lượng trong làng.

Hằng năm, miếu Bà tổ chức lễ vía Bà và tri ân các vị tiền bối vào các ngày 16, 17 và 18 tháng 10 âm lịch. Lễ hội miếu Bà là ngày sôi động và linh đình. Ngoài việc cúng tế thần linh người ta còn tổ chức múa lân, các trò vui, ban đêm tổ chức hát tuồng. Vốn có tiếng hiển linh, vào các ngày hội người từ thập phương về hành hương, phụng cúng rất đông.

< Bộ xương Ông Nam Hải (cá voi) được bảo tồn, thờ cúng trong lăng.

Lăng Ông Nam Hải nằm bên trái đình Thắng Tam, được xây dựng vào năm Giáp Thân (1824), hiện vẫn giữ kiến trúc theo lối cổ xưa. Hai bên tả, hữu có thêm hai bàn thờ của Bà Sáu (Thần Rùa) và tổ nhạc. Lăng thờ bộ xương đầu cá Ông khổng lồ trôi dạt vào bãi biển Tầm Dương, được ngư dân Vũng Tàu phát hiện đem về thờ cách nay hơn 100 năm. Và một bộ xương cá Ông dài 12m, phát hiện sau bộ xương đầu 40 năm.
Vua Thiệu Trị đã ban cho đình 8 đạo sắc thần vào năm 1845 và 1846; vua Tự Đức ban 4 đạo sắc vào năm 1850 và 1 đạo sắc vào năm 1853. Hiện nay, cứ ba năm một lần vào dịp lễ vía Ông Nam Hải, từ ngày 16 đến 18 tháng Tám âm lịch, ngư dân và khách thập phương tụ hội về đông vui nhộn nhịp. Nhiều người đến đây cầu mong sự bình yên may mắn trong chuyến đi biển, xin xăm báo trước điều tốt lành, rủi ro và xem hát, vui chơi giải trí...

Năm 1991, cụm kiến trúc đình Thắng Tam gồm miếu Bà, lăng Ông Nam Hải cùng với đình Thắng Tam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo SaigonTimes