Tại Hà Giang có một con đường mang tên đặc biệt - con đường Hạnh Phúc. Bởi lẽ, đây chính là con đường được Bác Hồ đặt cho QL4C có chiều dài 185km từ thị xã Hà Giang lên 4 huyện vùng cao núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Hơn 50 năm sau ngày khởi công làm con đường Hạnh Phúc (10/1959), cuộc sống hàng vạn đồng bào nơi miền cực Bắc đã thay đổi nhờ có đường, và đằng sau con đường đó còn là cả một truyền thuyết về cõi đá trời và ông vua của người Mông.

Con đường hạnh phúc…

Chúng tôi gặp huyền thoại miền cao nguyên đá Vù Mí Kẻ ở thị xã Hà Giang, trong hơi rượu ngô cay nồng, người lữ khách lặng đi để nghe ông kể câu chuyện về cõi đá trời và con đường mang tên Hạnh Phúc.

Ông Vù Mí Kẻ sinh ra ở Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang, nếu tính tuổi ta năm nay ông đã bước sang tuổi 84 rồi. Ông Kẻ sinh ra sớm mồ côi và phải đi làm mã phu (chăn ngựa) cho nhà vua Mông Vương Chí Sình từ khi còn rất nhỏ. Đến tuổi thanh niên, ông giác ngộ theo cách mạng và đi theo Đảng, theo Bác Hồ.

Từ năm 1951 ông được giao làm Chủ tịch xã Sà Phìn, 5 năm sau ông được cách mạng phân công làm Chủ tịch huyện Đồng Văn (khi đó bao gồm cả Yên Minh, Quản Bạ, Mèo Vạc) rồi được cử làm Phó chủ tịch tỉnh Hà Tuyên. Suốt những năm tháng làm “lãnh đạo” miền đá trời này, bàn chân ông đã leo qua hàng vạn bậc đá tai mèo sắc nhọn, bàn tay ông đã cầm cuốc, xẻng đến chai sạn để dạy đồng bào cách trồng ngô, trồng lúa. Cứ như vậy ông trở thành thủ lĩnh tinh thần của người Mông lúc nào không hay. Năm 1960, nước ta bầu cử Quốc hội khóa II, Hà Giang có 2 ứng cử viên trúng cử là cụ Vương Chí Sình và Vù Mí Kẻ. Lúc này Vù Mí Kẻ mới 33 tuổi đã trở thành người đại diện cho hàng vạn đồng bào vùng cao nguyên đá cho tới tận hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII.

Ông Vù Mí Kẻ nói rằng, lịch sử bi tráng của một thời oanh liệt xẻ núi đá, ngăn vực sâu làm đường của nhân dân 8 tỉnh Cao-Bắc-Lạng và Thái-Hà-Tuyên và Hải Hưng, Nam Định sẽ còn được truyền mãi. Hàng vạn lượt người, trong 9 năm ròng từ năm 1959 đến năm 1966 đã tay búa tay choòng phá đá một cách thủ công nhất, trong thời gian hơn 2 triệu ngày công để mở đường lên cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc, nơi hoang sơ mà tự thuở hồng hoang đến năm 1965 chỉ có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ. Khi đó huyện Đồng Văn rộng hơn cả tỉnh Bắc Kạn, bao gồm cả Quản Bạ, Yên Minh, và Mèo Vạc, nhiều người Mông nói rằng bao giờ đá mọc trên đầu người được, con trâu đực đẻ con được thì Việt Minh mới làm được đường lên cao nguyên đá.

Tháng 10/1959, Bác Hồ cho khởi công con đường và giao trọng trách cho ông Vù Mí Kẻ khi đó là Chủ tịch huyện Đồng Văn lãnh đạo, vận động đồng bào tham gia làm đường. Tháng 12/1959, nhiều toán phỉ đã chiếm các cổng trời Cán Tỷ, Mã Pí Lèng, Quản Bạ để ngăn không cho làm đường lên cao nguyên đá. Chúng cướp cửa hàng lương thực Lũng Phìn, cắt cổ cán bộ đem rán mỡ để răn đe cách mạng. Ngay sau đó Bác Hồ đã cử Tướng Chu Văn Tấn - Chủ tịch Khu ủy Khu tự trị Cao Bắc Lạng - Thái Hà Tuyên đưa quân đội cùng hơn 1.000 thanh niên sang hỗ trợ việc làm đường.

Tới năm 1964, đường Hạnh Phúc thông tới Đồng Văn, Tướng Phan Trọng Tuệ - Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông đã lên cắt băng khánh thành con đường trong niềm vui vỡ òa của hàng vạn đồng bào. 2 năm sau, con đường được làm tiếp tới Mèo Vạc dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Sùng Tài Dùng - Chủ tịch huyện Mèo Vạc (nay con trai ông là Sùng Đại Hùng đang làm Bí thư huyện Đồng Văn).

Và ông vua người Mông

Tạm rời xa câu chuyện về “con đường hạnh phúc”, ai đến Đồng Văn hẳn đều dừng chân ở Sà Phìn vào thăm dinh thự của “vua Mông” Vương Chí Sình để tận mắt chứng kiến và lắng nghe truyền thuyết về người cai quản cõi đá trời này. Dưới thung lũng có rừng cây samu trăm tuổi thẳng tắp, trên ngọn đồi hình mai rùa hiện ra khu nhà ở của Vương Chí Sình được xây dựng khá đặc biệt kết hợp 3 lối kiến trúc của người Trung Hoa, người Pháp và người Mông. Trước cửa khu dinh thự là dãy nhà của 6 hộ gia đình con cháu họ Vương đang sinh sống. Họ ở đây để chăm nom cho di tích, hương khói các ngôi mộ và kể cho du khách nghe câu chuyện về cha, ông mình. Sinh năm 1865, Vương Chính Đức sớm trở thành thủ lĩnh của người Mèo nhờ tài năng hơn người và sức mạnh của… thuốc phiện. Cõi trời Đồng Văn nằm trên “con đường thuốc phiện” nối vùng Tây - Nam Trung Quốc tới Miến Điện vào Việt Nam và các quốc gia Đông Nam.

Khi cai quản Đồng Văn, Vương Chính Đức sớm trở thành một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán nha phiến, và trở nên giàu có, đầy quyền uy trở thành vua Mèo của cõi đá trời này. Năm 1923 được Khải Định sắc phong làm Bang Tá với bức hoành phi “Biên chính khả phong” và nhận lãnh cai quản suốt một vùng đá bạt ngàn kéo dài từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn đến Mèo Vạc, thao túng cả một vùng trời đá gồm toàn bộ khu vực cực Bắc cũng như toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc với 7 vạn dân đa phần sống nhờ việc trồng cây anh túc.

Năm 1939, Vua Mèo Vương Chính Đức đã cho dựng tại đây một cánh cửa gỗ nghiến khổng lồ, uy phong tại Quản Bạ để khẳng định sau cánh cửa gỗ khổng lồ này là một vùng tự trị của người Mông, một vương quốc đá, một thế giới khác. Vương Chính Đức có tất cả 3 bà vợ, Vương Chí Sình là con thứ trong số 4 người con trai nhưng nổi tiếng nhờ thông minh và tài thao lược giống bố nên được chọn nối ngôi vương.
Vương Chí Sình sau này đã có công lớn khi cùng lực lượng Việt Minh đánh đuổi quân Pháp khỏi vùng cao nguyên đá cùng nhiều vùng lân cận trong khu vực Bắc và Đông Bắc Tổ quốc. Cuối năm 1945, Vương Chí Sình được mời về Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, và được Bác Hồ nhận kết nghĩa anh em, đổi tên là Vương Chí Thành. Sau đó ông “Vua Mèo” đã trở thành Đại biểu quốc hội khóa I và II. Bác Hồ đã từng gửi tặng ông 8 chữ "tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ" khắc trên thanh đại đao để tỏ lòng quý trọng.

Chúng tôi rời nhà Vương trong ngổn ngang suy nghĩ về huyền sử miền cõi đá lưng trời, về gia tộc họ Vương và ông Vua của người Mông khắp dải biên giới phía bắc. Những câu chuyện về cây anh túc và bàn thuốc phiện, về đồng bạc trắng hoa xòe, về chàng trai người Mông cưỡi ngựa leo núi đá đi bắt người mình thương yêu, thổi khèn bên khe núi, uống rượu ngô, ăn thắng cố, xòe váy hoa, chọi họa mi... Cô gái Mông vắt chồng say ngang lưng ngưạ về nhà, rảo bước trên triền đá tai mèo sắc nhọn mà bàn tay vấn thoăn thoắt xe lanh để dệt váy... Tất cả chỉ còn trong những chuyện huyền thoại miền cao nguyên đá vẫn còn kể đến hôm nay.

Theo báo Xây Dựng