Vào mỗi dịp lễ hội Lồng Tồng, thứ bánh không thể thiếu để dâng lên trời đất, để cúng thần linh cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà là bánh Khẩu Thuy.

Bánh tròn như quả trứng chim cút, vàng óng vì được tẩm mật mía, ăn vừa ngọt, vừa thơm, giòn tan nơi đầu lưỡi với hương vị mang bản sắc riêng của người Tày.

Bước sang tháng chạp, bà con người Tày bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để làm Khẩu Thuy. Để làm được bánh ngon phải cần nhiều nguyên liệu, nhiều công đoạn và khá cầu kỳ. Họ lấy bèo tây đun lên lấy nước, lại lấy cây vông hoa đỏ đốt lên lấy tro. Dùng nước bèo tây và nước tro để ngâm gạo nếp. Ngâm cho gạo nở to rồi đem lên đồ. Một thứ không thể thiếu được khi làm Khẩu Thuy là khoai sọ. Khoai sọ cũng đồ lên cùng với gạo nếp, cho thêm một chút rượu vào. Bèo tây, tro vông để làm bánh nở được to, khoai sọ để bánh lên màu, rượu để bánh có vị thơm.

Sau khi đồ chín, cho tất cả vào giã. Giã Khẩu Thuy cũng như giã bánh dày. Giã đến khi cối bánh lên bọt trắng, giơ chày quá đầu người không thấy bột bánh dính đầu chày nữa thì mới được. Để giã được một cối bánh không phải đơn giản.

Vậy nên, các cụ ngày xưa muốn thử sức con rể thì việc đầu tiên là cho giã một cối bánh dày. Giã càng nhanh, càng nhuyễn thì càng “đạt yêu cầu”. Giã bánh xong, đổ ra một cái mẹt to và cán cho thật mỏng. Chờ cho bánh nguội bớt, siu mặt thì đem cắt từng miếng hình quả trám hoặc hình vuông.

Đem phơi khô tất cả để chờ đến tết hoặc ngày hội mới đem rang phồng lên. Rang Khẩu Thuy cho phồng hết cỡ để khi ăn không bị lợn cợn những miếng bánh dẻo chưa phồng hết cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Cho bánh vào chảo gang, lúc đầu cho lửa thật nhỏ để miếng bánh nóng, sau tăng lửa dần để bánh phồng đều.

Công đoạn cuối cùng để hoàn thành món bánh này là tẩm đường cho bánh. Đun sôi mật mía, trút bánh đã rán phồng vào đảo đều, sau đó, đổ ra mẹt đã tra sẵn một chút bột gạo rang. Để giữ được lâu, người ta cho vào túi nilông buộc kín sẽ khiến bánh không bị ỉu mà vẫn giữ được hương vị.

Tại các hội Lồng Tồng của người Tày, thứ bánh này vẫn được bày bán để khách thập phương mua làm quà cho người thân. Từ lâu, nó đã trở thành một đặc sản rất riêng của Bắc Kạn.

Theo website Bắc Kạn -------------

Gạo bao thai: Đặc sản của Chợ Đồn, Bắc Kạn

Không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử và là quê hương giàu truyền thống cách mạng, Chợ Đồn còn được biết đến là một nơi có nhiều loại đặc sản quý do chính người dân nơi đây sản xuất. Nhờ những đặc điểm về khí hậu và chất đất riêng rất phù hợp với giống lúa “bao thai lùn”, sản phẩm gạo Bao thai Chợ Đồn đã trở thành một loại đặc sản mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất chiến khu xưa.

Các sản phẩm được chế biến từ loại gạo này có những hương vị riêng rất đặc biệt mà nhiều nơi khác không có được. Du khách đến với Chợ Đồn, ngồi trên nhà sàn, bên bếp lửa hồng, nhâm nhi chén rượu ngô men lá, ăn bát cơm gạo bao thai trắng ngần, thơm dẻo cùng với cá suối, thịt lợn rừng…mới thấy hết được cái ngon ngọt và mùi thơm của thứ gạo này.

Từ bao đời nay, bà con nông dân nơi đây đã gắn bó mật thiết với cây lúa bao thai lùn. Đây là giống lúa đặc biệt, không ưa thâm canh, phụ thuộc vào ánh sáng, ít sâu bệnh, thích nghi với chất đất và khí hậu vùng núi cao. Giống lúa này cho năng suất cao hơn các giống lúa bao thai thông thường, có độ dẻo, thơm quyến rũ ngay cả khi đã được chế biến thành, bún, bánh phở, bánh cuốn.

Chợ Đồn hiện nay có 16/22 xã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết cả về khí hậu, đất, nước, điều kiện canh tác, dự kiến sẽ được quy hoạch thành vùng sản xuất lúa bao thai. Hàng năm bước vào vụ gieo trồng lúa bao thai, bà con nông dân các xã trong vùng dự án đều tập trung cao độ, chuẩn bị đủ các điều kiện về nước tưới, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...Tất cả đều tuân thủ các quy trình kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc.
Người dân Chợ Đồn ví gạo bao thai như thiếu nữ Tày: Đậm đà, trắng trong và căng tràn sức sống.

Cô gái Tày xới cho khách bát cơm đầy, khói thơm bay sực nức, dẻo quyện lấy cây đũa tre. Hạt cơm trắng, vị đậm ngọt dài xuống họng. Để rồi khi đi xa, khách nhớ về vị thơm ngọt của hạt cơm, nhớ về sơn nữ với đôi má trắng hồng bẽn lẽn, hẹn sẽ lại về thăm Chợ Đồn vào một ngày không xa...

Theo Tin tức du lịch