Tháp Dương Long hay còn gọi là Tháp Ngà - một cụm di tích gồm ba tháp Chăm thẳng hàng trên một gò cao thuộc hai thôn Vân Tương, xã Bình Hòa và An Chánh, xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, được xây dựng vào cuối thế kỷ XII.

Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hóa Chămpa. Cụm tháp này gồm ba tháp: Tháp giữa cao 24m, hai tháp bên cao 22m, phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu.

Tính quy mô của tháp Dương Long được thể hiện không chỉ ở chiều cao của nó - cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam, mà còn ở lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, hoạ tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh tháp.

Phần thân tháp xây gạch, các góc được ghép những tảng đá lớn và các trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa tháp quay hướng Đông và được nâng lên khá cao, chừng khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Nửa phần trên của tháp gần như là những khối đá lớn xếp chồng lên nhau rất khéo. Ở các góc là những mảng chạm lớn với hình những con vật chim thần: Garuda, Voi, Đại bàng...


Các mặt phẳng của tường được phủ nhiều bức phù điêu lớn có hình lá đề, mô tả cảnh múa hát, tu sĩ. Những người này được thể hiện có đầu tương đối lớn, đội mũ có chỏm cao. Ðặc biệt là những đỉnh tháp ở đây là những bông sen vĩ đại với nhiều lớp cánh hoa hơi hướng lên trên.

Căn cứ vào mặt bằng đế tháp và phong cách nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tháp Dương Long tuy vẫn còn mang nhiều đặc trưng của tháp Chămpa nhưng đã chịu ảnh hưởng khá đậm của nghệ thuật Kh’mer. Từ quốc lộ 1A, tới Gò Găng, cách thành phố Qui Nhơn 40km và thành phố Ðà Nẵng 270km, rẽ theo hướng Tây vào sân bay Phú Cát, trước cổng sân bay, rẽ trái, đi tiếp chừng 9km nữa là tới.

Phong cách kiến trúc Champa

Tháp Champa, là một dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm, sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Có thể thấy vị trí phân bố các đền tháp là những nơi từng là nơi ở của người Champa, xa hơn nữa còn có những ngôi tháp có thể coi là tháp Champa trên đất nước Camphuchia như tháp Damray Krap.
Ngược lại, những yếu tố Java hay Khmer cũng được thấy trên các tháp Champa như ở Khương Mỹ, Hưng Thanh, Dương Long, hay có cả những ngôi tháp còn được người Champa gọi là "tháp Khmer" như tháp Champa Hoà Lai.

Tháp Chàm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ.

Ngày 1 tháng 10 năm 2006, Trung tâm Quản lý di tích-di sản tỉnh Quảng Nam chính thức công bố thông tin: các nhà khoa học của Đại học Milan, Ý khi đang làm việc trùng tu nhóm tháp G-thuộc Thánh địa Mỹ Sơn đã nhận biết được loại vật liệu kết dính để xây tháp Champa cách đây vài trăm năm. Đó là loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn, mà người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Ngoài ra, họ cũng đã phát hiện ra một loại hợp chất có nguồn gốc từ thực vật bản địa nói trên có trong gạch sử dụng để xây tháp. Như vậy, những điều bí ẩn xung quanh vật liệu được người Chăm sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Việt Nam sau hơn 100 năm đã được giải mã. Trước đó, một người thợ thủ công tên là Lê Văn Chỉnh (thuộc tỉnh Quảng Nam) cũng đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp xây dựng tháp Chăm đã phát hiện được hợp chất dầu rái trong gạch để xây tháp và chất kết dính, nhưng chưa được ai quan tâm thừa nhận.

Lịch sử

Tháp Chàm Pôshanư tọa lạc tại phường Phú Hải, Thành phố Phan Thiết. Lịch sử xây dựng các đền tháp Champa kéo dài từ cuối thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ 17. Trong khoảng thời gian này, những người Champa xưa đã để lại một số lượng lớn các công trình kiến trúc đền tháp, thành luỹ, các tác phẩm điêu khắc. Hiện tại có trên hai mươi cụm di tích kiến trúc đền tháp và rất nhiều phế tích kiến trúc. Các di tích này có giá trị đặc sắc, mang tính toàn cầu, xứng đáng nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Một trong những sự quan tâm ấy là việc tổ chức UNESCO đã công nhận Mỹ Sơn là di sản văn hoá thế giới cũng chính là việc đánh giá cao thành quả nghiên cứu về kiến trúc Champa nói chung.

Theo tiếng Chăm, các đến tháp Champa này được gọi là kalan, nghĩa là "lăng". Các lăng này được các đời vua Chăm xây dựng để thờ cúng các vị thần. Các vị thần được thờ phụng có thể là các vị thần Ấn Độ giáo tiêu biểu như Siva (thần hủy diệt), Ganesha (phúc thần đầu người mình voi)... hoặc đấy còn có thể là các vị Phật. Điều này tùy thuộc vào lòng tin và kính mộ của mỗi vì vua ở các triều đại khác nhau. Ở thánh địa Mỹ Sơn hiện nay phần lớn là công trình kiến trúc tôn giáo thờ các vị thần thuộc Ấn Độ giáo và Bà la môn giáo. Nhưng ở thánh địa Đồng Dương (thuộc địa phận huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đây là kinh đô Phật giáo lớn nhất của Champa.

Sự giao thoa văn hoá Champa - Đại Việt

Trong lĩnh vực văn hoá vật thể thì nghệ thuật Champa cổ và nghệ thuật Việt cổ có nhiều nét tương đồng. Nhìn chung thì nghệ thuật Champa có trước nghệ thuật Việt và đã đạt đỉnh cao ngay khi nghệ thuật Việt độc lập chưa ra đời.

Xét về mặt kiến trúc: các tháp Champa hầu hết ở trên những đồi cao hoặc núi thấp, được xây dựng thành từng cụm, hướng Đông nhìn ra biển đón dương khí thì chùa, tháp Việt Nam thời Lý, thời Trần cũng thường xây dựng trên gò, đồi và sườn núi, tạo nên cả một quần thể, hướng Nam hoặc Nam chếch Đông, đón dương khí. Tháp Việt Nam cũng vươn cao với nhiều tầng như tháp Champa và có bình diện vuông gần với các phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Tháp Champa cũng như tháp Lý - Trần về cơ bản cũng xây bằng gạch hoặc phụ thêm một số thành phần bằng đá. Có điều, tháp Champa được đục trực tiếp trên gạch sau khi xây, còn ở tháp Lý - Trần thì hình trang trí được in, khắc trực tiếp trên gạch, rồi sau đó mới mang nung, xây đến đâu là có hình trang trí cho chỗ đó rồi.

Phổ biến và cũng hấp dẫn nhất trong nghệ thuật Champa là các apsara, đa số thuộc đỉnh cao của điêu khắc Champa thuộc thế kỷ thứ 10. Các nhân vật kết hợp người với chim hoặc với thú đều có cả trong nghệ thuật Champa và nghệ thuật Việt.

Các phong cách kiến trúc Champa

Phong cách Hoà Lai và phong cách Đồng Dương (thế kỷ thứ 9)
Những ngôi đền tháp theo hai phong cách này có những hàng cột ốp và những cửa vòm khoẻ khoắn. Những băng trang trí cho công trình có rất nhiều họa tiết. Yếu tố tiêu biểu nhất cho phong cách Hoà Lai (nửa đầu thế kỷ thứ 9) là các vòm cửa nhiều mũi tròn trùm lên các cửa thật, cửa giả và các khám. Các cột ở khung cửa hình bát giác bằng sa thạch được trang trí bằng một đường các hình lá uốn cong. Khoảng giữa hai cột trụ ốp có trang trí hình thực vật. Ở bên dưới các cột trụ ốp là các hình kiến trúc thu nhỏ trong đó có hình người đắp nổi. Tất cả tạo cho các tháp Hoà Lai một vẻ đẹp trang trọng và tươi mát. Còn ở phong cách Đồng Dương (nửa sau thế kỷ thứ 9) thì các trang trí cây lá được biến thành những hình hoa hướng ra ngoài. Cái nhận thức cổ điển của nét lượn và tỷ lệ ở phong cách Hoà Lai đã bị biến mất và các tháp Đồng Dương trở nên mạnh mẽ hơn.

Phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ thứ 10)
Phong cách này thể hiện đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất là ở ngôi tháp Mỹ Sơn A1. Những cột ốp trên mặt tường đứng thành đôi một. Đứng giữa hai cột ốp là các bức tượng người. Các vòm cửa có hình dáng phức tạp nhưng không chạm khắc gì. Bộ diềm kép, các hình đá trang trí góc được khoét thủng. Thân chính của tháp được xây dựng có hình dáng cao vút lên và các tầng thu nhỏ dần lại. Những đặc trưng của phong cách Hoà Lai và Đồng Dương không còn thấy ở các tháp thuộc phong cách Mỹ Sơn A1.

Phong cách Bình Định (thế kỷ 11-13)
Sau hàng loạt những biến động về chính trị từ đầu thế kỷ 11, trung tâm chính trị của Champa được chuyển vào Bình Định và từ đó, phong cách nghệ thuật tháp Champa mới đã xuất hiện: phong cách Bình Định. Nếu như ngôn ngữ nghệ thuật chính của các tháp Champa thuộc phong cách trước là thành phần kiến trúc đều đi vào đường nét thì ở phong cách này đó lại là mảng khối: vòm cửa thu lại và vút lên thành hình mũi giáo, các tháp nhỏ trên các tầng cuộn lại thành các khối đậm, khỏe, các trụ ốp thu vào thành một khối phẳng, mặt tường có các gân sống.

Đặc trưng của các ngôi tháp Champa

- Mọi ngôi tháp đều được xây bằng gạch hoặc chủ yếu bằng gạch. Gạch có màu đỏ hồng, đỏ sẫm, được nung trước với độ xốp cao, được xây không có mạch vữa và có thể có điêu khắc trực tiếp trên gạch.
- Có chiều cao lớn hơn vài ba lần so với chiều ngang thân tháp. Tỷ lệ các phần của tháp có tính nhân bản, nghĩa là nó được xuất phát từ con người.
- Tháp có phần ngọn được thu nhỏ dần hoặc giật cấp.
- Các trang trí kiến trúc, điêu khắc có tính nhịp điệu, tính lặp lại và đồng dạng, đăng đối.
- Đa phần các tháp có cửa quay ra hướng Đông, các phía còn lại là cửa giả, được bố trí đăng đối với cửa chính.
- Trong tháp theo nguyên mẫu có thờ thần Siva, biểu trưng là bộ ngẫu tượng Yoni và Linga được làm bằng sa thạch.
- Tháp thường được đặt tại các vị trí thoáng, gò đồi cao, không gần chỗ người dân sinh sống.

Các công đoạn xây dựng tháp

Chuẩn bị chất kết dính.
Đúc gạch theo khuôn đã định sẵn.
Nhúng gạch vào chất kết dính.
Xếp gạch theo mô hình tháp.
Lấp đất xung quanh tháp.
Nung tháp.
Gạt đất ra để làm dàn giáo trang trí và điêu khắc.
Gọt dũa và hoàn chỉnh toàn bộ khối tháp.

Giá trị của kiến trúc đền tháp Champa

Các đền tháp Champa phản ánh đầy đủ và chân thực hoàn cảnh văn hoá Champa từ những giai đoạn đầu tiếp thu những ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ cho đến những giai đoạn thích nghi. Tiếp biến và trỗi dậy mạnh mẽ tính bản địa và sự giao lưu thường xuyên về mặt văn hóa bên cạnh các mặt kinh tế - chính trị với các dân tộc liền kề.
Giá trị nghệ thuật của các hình trang trí ngoài việc giúp cho các đền tháp đẹp hơn, còn có ý nghĩa văn hóa đặc biệt, giúp cho việc nghiên cứu sâu hơn về niên đại, phong cách và chức năng của các đền tháp.

Theo NTO, Wikipedia