Có quá nhiều huyền thoại nơi "sơn cùng thuỷ tận" U Minh. Điều rất lạ, huyền thoại nào cũng đẹp, cũng hào hùng, minh chứng cho vùng đất oanh liệt, cuộc sống đầy bất trắc, nhưng thiên nhiên bao giờ cũng đùm bọc con người vượt qua muôn vàn gian khó.

Tôi trở lại U Minh ngập tràn huyền thoại và chợt nao lòng nhận ra, dù được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhưng đất này còn đầy rẫy khó khăn.

Chập chờn huyền thoại
Năm nay mưa muộn. Gần hết năm mà những hạt mưa yếu ớt vẫn lướt trên ngọn tràm xào xạc. Có lẽ trời đất đã làm nên một bận nắng nóng kéo dài từ năm trước nên năm nay bù đắp lại. Những hạt mưa như sương, như khói rải đều trên cây lá U Minh Hạ. Huyền thoại cũng nương theo gió bay về...

Rằng cách đây lâu lắm, nơi đây là chốn rừng thiêng nước độc, cây cối um tùm, đầy thú dữ. Những người lớn tuổi kể rằng, rừng U Minh rắn nhiều vô kể. Có con đến cả trăm ký. Những bận cháy rừng, rắn rùa cùng với muôn thú chạy ra bìa rừng tìm nơi ẩn náu. Người dân chẳng dám đi bắt vì sợ chúng làm càn. Trong làn sương mỏng manh ấy, anh thợ săn đã giải nghệ Võ Văn Vinh mắt dõi theo cánh rừng nhớ lại: "Tôi vào rừng từ 12 tuổi. Đây là nghề cha truyền con nối. Từ trước đến giờ không nhớ đã hạ bao nhiêu con heo rừng, nai, rắn, rùa, trăn... Ngày trước, heo rừng nơi đây nhiều lắm. Đi sâu vào rừng tràm là gặp ngay. Có ngày tôi hạ đến 2 con".

Vinh nổi tiếng "liều mạng" ở cánh rừng này. Thường đi săn thú phải có bạn, còn Vinh thì không. Một mình anh cùng với cây mác và chiếc balô xuyên dưới tán rừng tràm đầy dây leo và bất trắc. Trong những chuyến đi rừng, anh đã từng gặp rắn hổ mây dài đến 20m, bò qua con mương đầu bên kia đuôi còn tận bên này. Kinh nghiệm đi rừng cho anh biết chẳng dại gì đụng chạm đến "thần rắn" U Minh. Hễ nghe phảng phất mùi tanh thì băng qua hướng khác mà đi. Anh bảo: "Mình đừng đụng chạm đến miếng ăn của "thần" thì "thần" cũng chẳng động chạm đến mình".

Đó là những lần anh em kiểm lâm làm việc tại Vườn quốc gia Vồ Dơi đóng chốt sâu trong rừng vào những ngày nắng hạn, nước trên các kênh rạch khô. Chập choạng tối, muỗi kêu rào rào như mưa, anh em phải vội vào mùng. Cũng lạ, muỗi chỉ dậy lên vào chập tối rồi thôi. Anh Nguyễn Chí Linh còn nhớ như in vào năm 1992, anh em đi tuần như mọi khi phải hoảng hồn tháo chạy vì gặp phải con rắn hổ mây bò chắn ngang lối đi. Lúc đầu tưởng cây đổ, nhưng khi nhìn kỹ lại thấy nó nhúc nhích. Anh em hô to "rắn, rắn" rồi cắm đầu bỏ chạy về chòi canh. Chưa có ai đo được rắn hổ mây dài bao nhiêu, cũng như chẳng ai dám bắt nó để cân bao nhiêu ký, nhưng theo tính toán của những người từng gặp phải gần cả 100 ký.

Gần đây thôi, vào đầu năm 2010, những cán bộ của vườn quốc gia U Minh Hạ phát hiện một con rắn lớn di chuyển từ cánh rừng phía tây sang cánh rừng phía đông, băng ngang con lộ nhựa từ trụ sở vườn quốc gia về đài quan sát. Anh Nguyễn Văn Hoà kể: "Tôi chạy xe máy gần đến đài quan sát, thì phát hiện phía trước có một khối to, đen chắn ngang di chuyển từ từ. Tôi tá hỏa tam tinh. Đứng chết trân vài phút mới định thần lại quan sát. Khoảng 15 phút, con rắn mới bò qua hết". Anh nhận định: "Chắc nó chuẩn bị lột da nên di chuyển rất chậm. Tiếc là không đem máy ảnh theo nên không ghi hình lại được".

Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, chính rừng U Minh chở che cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng. Những cơ sở sản xuất vũ khí, những lán trại quân y vẫn còn nằm rải rác dưới tán rừng hùng vĩ này. Giặc Mỹ đã nhiều phen "nhổ cỏ" rừng U Minh, nhưng chính những thảm thực - động vật nơi đây dang bàn tay huyền thoại chở che bom đạn. Và vì vậy, sau cuộc chiến, U Minh cũng thương tích đầy mình, dẫu chẳng được ai phong... thương binh.

Trăm năm còn lại chút này

Sau chiến tranh, rừng lại hồi sinh, xanh tươi trở lại. Nhưng mảnh đất rừng thiêng nước độc này dường như chưa hết những nỗi đau. Đó là những lần cháy lớn rừng tràm. U Minh Thượng, rồi U Minh Hạ lần lượt bị ngọn lửa hung tàn cướp đi hàng trăm hécta rừng nguyên sinh. Muông thú trong rừng tan tác theo từng làn khói trắng mịt mùng. Theo thống kê của 2 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, những đợt cháy đã cướp đi trên 50.000ha rừng tràm. Tuy nhiên, sau những lần "bà hỏa" lấy đi đáng kể những cây tràm, nhiều vùng đất đã kịp hồi sinh trở lại. Dù vậy những cánh rừng nguyên sinh còn lại không nhiều. Hiện tại cả cánh rừng tràm (U Minh Hạ và U Minh Thượng) còn lại đúng 2.593ha rừng tràm nguyên sinh trên đất than bùn.

Ông Nguyễn Văn Thế - Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ - giải thích rõ về cái khoản diện tích chưa đến 3.000ha này: "Thật ra toàn vườn quốc gia có đến 25.000ha vùng đệm. 8.257ha là diện tích của vườn nằm trên địa bàn các xã Khánh Lâm, Khánh An thuộc huyện U Minh và các xã Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi thuộc huyện Trần Văn Thời. Diện tích này được chia ra làm 3 phân khu chính, gồm phân khu bảo tồn hệ sinh thái rừng trên đất than bùn 2.593ha, phân khu phục hồi và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng ngập nước 5.134ha và phân khu dịch vụ hành chính với diện tích 801ha".

Ông Thế khẳng định: "Hệ sinh thái rừng tràm trên cả nước, duy nhất chỉ còn lại tại Cà Mau khoảng 3.000ha là chưa bị tác động. Nơi đây có nhiều hệ thực vật, động vật với nhiều cá thể quý hiếm có tên trong sách đỏ. Điều khá lạ là nhiều năm nay, nơi đây không xảy ra vụ cháy rừng nào. Trong khi đó, phía dưới là đất than bùn có giá trị nghiên cứu khoa học rất cao".

Điều tra của các nhà lâm sinh cho thấy, rừng U Minh Hạ có 32 loài thú, 74 loài chim, 36 loài bò sát, 11 loài lưỡng cư; 79 loài thực vật thuộc 65 chi, 36 họ, trong đó có 11 loại gỗ có giá trị kinh tế cao. Những con số ấy chưa nói lên được hết những kỳ vĩ của U Minh Hạ với nhiều huyền thoại. Là người gắn bó với cánh rừng nhiều năm, anh Nguyễn Tấn Truyền - cán bộ Phòng Kỹ thuật của Vườn quốc gia U Minh Hạ - thuộc làu từng nhóm nhỏ động - thực vật.

Anh bảo tôi: "Con số động - thực vật anh được nghe đã được thống kê từ năm 1983. Hiện nay có thể nhiều hơn. Tại đây, tôi đã từng gặp những căn nhà nai khá lớn, bắt gặp những cây tràm cổ thụ dang tay ôm không hết. Tuy nhiên, điều khá lý thú là chúng tôi gặp cả những cơ sở hoạt động cách mạng trước đây trong cánh rừng nguyên sinh này. Anh em đào lên còn thấy băng gạc nguyên vẹn, chứng tỏ đây là nơi làm quân y". Ngay như bộ sưu tập bướm của anh cũng làm tôi giật mình. Có đến gần 100 loài bướm được anh cất công bắt về nghiên cứu.

Đứng trên đài quan sát, anh chỉ tay ra phía rừng giải thích nơi đâu có nhiều nai, nhiều tràm cổ thụ, nơi nào rắn nhiều, heo rừng trú ẩn, khỉ khọt nhiều. Anh say sưa kể về những chuyến đi rừng cùng với các anh em đóng chốt phòng cháy. Những chuyến đi lấy mật ong rừng tràm. Anh chặc lưỡi: "Người ta đổ cho cánh thợ ăn ong đốt lửa khi lấy mật làm cháy rừng, nhưng tôi có cách lấy mật không cần lửa khói gì cả. Nếu như được quản lý tốt, những người gác kèo ong làm chuyện gác kèo thôi, còn những người chuyên lấy mật thì cho họ lấy sẽ hạn chế được người vào rừng và khi lấy mật có kiểm soát thì mật ong không phải là nguy cơ dẫn đến cháy rừng". Tôi nghĩ, giá như anh làm hướng dẫn viên du lịch thì tốt biết mấy. Và giật mình nhận ra du lịch nơi đây vẫn còn xa lắm.

Du lịch còn xa

Ngay từ năm 1998, khi chưa phải là vườn quốc gia, mà còn là vườn Vồ Dơi, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch phát triển du lịch tại đây. Sau khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn quốc gia U Minh Hạ mặc nhiên trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch của cả nước. Tuy nhiên, mọi động thái cho một điểm đến được cho là lý tưởng này vẫn chưa khởi động. Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ Nguyễn Văn Thế cho biết: "Phân khu dịch vụ hành chính trên 800ha vẫn mới chỉ dừng lại ở dạng quy hoạch. Cho đến nay chưa triển khai được. Chính vì vậy, hiện tại chúng tôi chưa thể làm gì được".

Dự định của vườn quốc gia là sẽ làm nhà trưng bày thu nhỏ, trước mắt là các loài thực vật, sau đó là động vật. Bên cạnh đó, xây dựng những nhà dạng lán trại sâu trong rừng, phục vụ du khách vui chơi thưởng ngoạn gắn với các dịch vụ: Câu cá, bắt rùa, đặt trúm lươn... Tuy nhiên, cho đến nay, những dự định này vẫn còn nằm trong bản kế hoạch được đặt trên bàn của lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

Thật ra, Cà Mau đã đầu tư trên 20 tỉ đồng để hoàn thiện hạ tầng Vườn quốc gia U Minh Hạ. Đó là những con đường từ trụ sở vườn quốc gia đến đài quan sát và những điểm dừng chân. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa thấm vào đâu với tiềm năng du lịch to lớn của cả vùng U Minh Hạ kỳ bí. Giờ U Minh Hạ đang chuẩn bị "đóng cửa rừng" để vào mùa chống cháy. Đợi mùa mưa, rừng tràm mới "mở cửa" trở lại. Và tôi hiểu, cái khó của ngành du lịch khi phải khai thác nửa mùa.

Rời U Minh Hạ, tôi buộc phải "chiêm ngưỡng" con gấu đen to đùng cạnh nhà ăn - loài thú chưa bao giờ sống trên đất U Minh - và phần nào thông cảm cho những du khách đến đây rồi chẳng bao giờ quay lại.

Nhật Hồ
Theo LaoDong