Đầm Thị Tường nằm trên phần đất hai huyện Cái Nước và Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau. Đầm có diện tích mặt nước khoảng 700 héc ta, với chiều dài hơn 10 cây số và bề ngang gần 2 cây số; chia thành ba phần gọi là đầm Trong, đầm Giữa và đầm Ngoài.

Trong ba đầm này, Đầm Giữa lớn nhất. Trên mặt đầm này có nhiều nhà sàn, thực tế là chòi, lớn nhỏ nằm rải rác khắp nơi. Đó là những chòi để ngư dân canh chừng thu hoạch cá tôm mà họ đặt trong những hàng chà, hàng đáy nhỏ, nò, đó… Chòi lá và các đống chà, nò, đó… giữa mênh mông trời nước tạo cảnh quan vừa hoang dã vừa kỳ thú mê hoặc hồn người.

Nằm giữa đồng bằng nên đầm Thị Tường có ảnh hưởng quan trọng về môi trường sinh thái tự nhiên với bốn bề là những rặng dừa nước vươn cao ngọn lá lên trời xanh. Buổi sáng tinh mơ, mặt nước đầm trong vắt. Phía chân trời, những ráng mây ngang đầu ngày nhuộm mặt nước đầm một màu hồng phấn rực rỡ.

Rồi khi mặt trời ló dạng, sương sớm tan dần, những vệt sáng đỏ ban mai lăn tăn gờn gợn khắp mặt đầm, cảnh quan càng thêm huyền ảo. Không gian tịch mịch trở nên sinh động với tiếng chim hót chào ban mai vang vọng khắp những chòm lá dừa nước.
Chỉ những người thực sự yêu thiên nhiên, không bị lệ thuộc vào những tiện nghi sinh hoạt ở chốn thị thành mới có thể tìm được sự thú vị nhẹ nhàng trong khung cảnh bao la, hoang dã ở đầm nước mênh mông này.

Cả một vùng rộng lớn nơi đây, chẳng ai biết đến nhà hàng, hay khu vui chơi giải trí là cái gì; nhìn quanh chỉ có những căn chòi lá giữa mênh mông trời nước. Khách nơi khác đến, dù có tận mắt nhìn thấy cũng chưa đủ mà phải đặt chân lên cái chòi lá mới cảm nhận được cuộc sống hoang dã của những người làm nghề hạ bạc.

Nối với chòi lá là chiếc cầu thang ọp ẹp mà khách xa đến đây thường ngán ngại, thậm chí run chân khi đặt từng bước chân lên chòi trước sự ân cần, niềm nở đón khách của chủ căn chòi. Sau vài chung trà hoặc ly rượu, bạn sẽ nghe họ nói, kể nhiều chuyện về đầm hết sức thú vị.

Theo họ, tên gọi đầm Thị Tường tức là bà Tường - một trong những người đầu tiên đi mở đất vùng Cà Mau này. Dù là thân phận nữ nhi nhưng bà rất dũng cảm trong việc xua đuổi bầy chim trời do chúa Hổ sai đi lấy đá lấp biển. Lý do là chúa Hổ giận vua Thủy Tề không đồng ý gả công chúa cho chúa Hổ. Dấu tích nơi bà Tường xua đuổi đàn chim đến nay vẫn còn. Nhờ vậy mà đầm ngày một đông đúc các loài thủy sản, là nguồn lợi khai thác vô biên của những người dân nghèo địa phương. Cảm vì công đức ấy của bà, người dân nơi đây lấy tên bà đặt cho cái đầm này.

Trong số ba đầm thì đầm Giữa có chỗ sâu đến 10 thước, còn đầm Trong và đầm Ngoài cạn. Cho nên có câu chuyện “khôi hài” như sau: Hồi xưa, có một người xứ khác tới đây làm ăn, chẳng may xuồng bị lật, anh ta té xuống đầm, hoảng hồn la chói lói: “Bớ làng nước ơi…”. La làng tới đây thì chân đụng đất, anh chàng bỡ ngỡ nói: “Ý mà cạn”!

Ngoài đặt nò, giăng câu, đặt đó…, ở đây nhiều người dùng lú đánh bắt tôm. Họ sẽ kể bạn nghe cách đặt lú của mình: Khi gió chướng về, lúa ngoài đồng sau xanh lá, có vạt trổ đòng, người ta đốn tre xuống lú. Sụp tối, người ta í ới gọi nhau đi “mần ăn”. Những chiếc ghe ào ào lướt nước với những ánh đèn pha sáng rực quét ngang quét dọc mặt đầm, tạo không khí nhộn nhịp như ngày hội.

Để đặt lú, người ta tạo một thiên la địa võng lưới. Miệng lú rộng bằng miệng thúng giạ, nằm giữa hai cái ven lưới hướng xuôi theo con nước đón luồng tôm. Đầu lú là chiếc đèn bão sáng chấp chới trên ngọn tre già. Cả mặt đầm lấp loáng ánh đèn lú. Con tôm thấy ánh sáng đèn de đít vô lú, dính liền. Vậy là người ta thức suốt đêm với những ngọn đèn chong trơ vơ đầu cọc tre của lú.
Có dịp đến Cà Mau, bạn không nên bỏ qua một chuyến viếng thăm những ngư dân sống trên cái đầm nước mênh mông ở đất mũi Cà Mau này để có thể ít nhiều hình dung về cảnh sống của những người năm xưa đi khẩn hoang đất rừng phương Nam này ra sao.

Theo TBKTSG