Nhắc đến Đá Nhảy, ai cũng nghĩ đến khu du lịch nổi tiếng Đá Nhảy thuộc tỉnh Quảng Bình... nhưng thật tế tại miền trung Việt Nam có những ba địa danh mang tên Đá nhảy.

Nổi tiếng nhất là bãi tắm Đá Nhảy nằm sát bên đường trên quốc lộ 1A, cách Đồng Hới (Quảng Bình) 24 km. Bãi cát trắng mịn có những tảng đá vôi nằm rải rác ven biển dọc theo vách núi chân đèo Lý Hoà cách không xa quần thể di tích thắng cảnh hang động Phong Nha - Kẻ Bàng nổi tiếng đã được UNESCO xếp hạng là di sản thiên nhiên thế giới.
Truyền thuyết tên gọi Đá nhảy (tên Hán Việt: Hải Cốt), người ta đặt tên Đá Nhảy bởi vì đá ở đây luôn luôn biến đổi từ hình dáng đến màu sắc tùy thuộc sự lên xuống của con nước, theo mùa. Thế đá với những vũng, vịnh được tạo nên từ đá giúp người thiết kế tận dụng lợi thế của nó ngăn thành những hồ bơi nhỏ với vách ngăn là dáng đá.

Bãi Đá Nhảy gồm nhiều núi đá, cột đá to nhỏ, cao thấp với trăm hình nghìn vẻ kỳ thú: hình con cóc, con trâu nằm, hình "trống - mái", hình hổ quỳ, voi phục, đùa giỡn với sóng nước…Tại đây có một cái giếng (tục gọi là giếng Cóc) vì một tảng đá lớn hình con cóc che trên miệng, giếng đá tự nhiên càng tăng sự hấp dẫn của địa danh này. Giếng ở sâu trong hang Cóc, muốn lấy nước phải chui vào "bụng cóc" để múc từng gàu một. Nước giếng rất trong và sạch, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, được ngư dân lấy để cúng lễ ở đền thờ Nam Hải Đại Vương cạnh giếng Cóc.

Hai bãi tắm đẹp như một vịnh nhỏ với cát mềm và vách đá bao quanh, bên cạnh là một nhà hàng nổi trên biển. Đứng trên bãi đá, nhìn về phía bên kia là ngọn hải đăng Khe Gà như một ngọn tháp sừng sững điểm nét uy nghi cho dáng biển. Bình minh lên, rọi ánh hồng lấp lánh xuống bãi đá lô nhô đủ màu sắc. Buổi ban mai trên biển, từng đoàn thuyền quăng lưới, kéo cả mặt trời lấp loáng cuốn du khách say mê với cuộc sống yên bình. Cũng có những ngày biển giận hờn phủ những con sóng bạc đầu lên từng ngọn đá, nhưng đó chỉ là vài nét phá cách dễ thương của biển.

Địa danh mang tên "Đá nhảy” thứ nhì ở vùng bờ biển Tân Thành, Hàm Thuận Nam. Tại khu vực bờ biển xã Tân Thành-HTN (cách phía bắc mũi Khe Gà 3 km) có cả một quần thể những tảng đá xếp lớp nghiêng rất đều theo hướng tây bắc bố trí theo thế tiến dần từ biển vào đất liền giống như những con ếch biển khổng lồ đang rủ nhau nhảy từ biển lên sườn núi.

Quần thể “đá nhảy” này có quy mô khoảng 1km² ôm sát đường ven biển Phan Thiết -Thuận Quý - Kê Gà tạo nên vóc dáng “tựa hải chiếm sơn” rất kỳ vĩ và duyên dáng, nhất là ở vào những khoảnh khắc bình minh khi những tia nắng đầu tiên vừa lóe lên ở mặt biển phía Đông và lúc hoàng hôn khi bóng mặt trời khuất dần sau rặng núi Tà Cú vươn xa về phía tây.

Để có sự sắp xếp tuyệt vời này của tạo hóa, thiên nhiên đã phải gọt dũa rất tỷ mỷ và cẩn thận từ hàng trăm triệu năm về trước. Sự thắc mắc của rất nhiều con người yêu quý phong cảnh non nước Tân Thành được lý giải: vào đại Trung Sinh, có những đợt mắc-ma (đá ở thể lỏng bị nung chảy do nhiệt độ rất cao) nóng chảy từ rất sâu trong lòng đất đã phun trào lên bề mặt trái đất (gọi là vận động nguyên sinh).

Do trong thành phần của mắc-ma có lẫn những phần tử sắt bị nhiễm từ, dưới tác động của từ trường trái đất cho nên làm cho thể mắc-ma bị cộng hưởng theo xu thế xếp lớp trùng phương. Đến khi các lớp mắc-ma bị nguội đi và trở về thể rắn, thì các lớp đá được tạo thành cũng trên cơ sở xếp lớp đồng hướng mà mắc-ma đã xếp đặt.

Để trả lời tiếp tục vế thứ 2 của câu hỏi: “tại sao nếu các lớp đá bị xếp lớp theo hướng của từ trường trái đất thì phải tuân theo hướng bắc-nam, nhưng ở Tân Thành đá lại “nhảy” theo hướng đông nam-tây bắc?”. Hiện tượng lệch hướng này có được là do tiếp sau các vận động nguyên sinh thì trái đất lại tiếp tục trải qua các thời kỳ vận động thứ sinh, các mảng lục địa trôi dạt tự do đã làm cho một số vùng kiến tạo bị đổi hướng, đồng thời trải qua hàng chục triệu năm biển tiến, biển thoái, nước chảy đá mòn mà diện mạo thiên nhiên toàn thế giới nói chung và vùng biển Thuận Quý-Tân Thành nói riêng đã có được bộ mặt như ngày nay.

< Đá Nhảy - Ngầm Đôi.

Hiện tượng “đá nhảy” trên các vùng bờ biển của đất nước không phải là dễ kiếm, nó chỉ phân bố ở vùng đèo Lý Hòa (Quảng Bình) và hòn Phụ Tử (Hà Tiên) cùng một vài nơi nhỏ bé khác, vì vậy hiện nay vùng này đang trở thành trọng điểm xây dựng của ngành du lịch sinh thái, chúng ta cần hết sức bảo tồn những cấu trúc đá quý hiếm này. Nói như ông Diệp Phong Nguyên, người Đài Loan-Phó Tổng giám đốc Tổng Cty VEDAN (phụ trách xây dựng chi nhánh nhà máy VEDAN tại Bình Thuận): “nơi đây chỉ cần trồng thêm cây cối cho xanh tốt thì ngay cả thủ đô du lịch Pathaya của Thái Lan cũng không thể nào sánh được”.

Cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 30km về phía Tây, dọc theo tuyến đường TL 604, có một địa danh thứ ba mang tên Đá Nhảy không kém phần độc đáo nằm tại địa phận xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.
Đá Nhảy là một thắng cảnh thiên nhiên chưa hề có sự cải tạo của con người, vì thế Đá Nhảy mang trong mình một vẻ đẹp thuần khiết, hết sức đặc trưng giữa đại ngàn Trường Sơn. Chính xác hơn, thắng cảnh thiên nhiên Đá Nhảy, Ngầm Đôi này là một con suối đẹp.

Tổng hợp từ Cuocsongviet, Muine.vn, HVO + internet