Nhà văn Sơn Nam viết rằng “cửa biển Cung Hầu là do người Pháp viết trật chớ trước đó nhà Nguyễn đặt tên đơn vị hành chánh là Cồn Ngao” (*). Theo những cụ già xưa, sở dĩ dân kêu vùng này là Cồn Ngao vì nơi đây mọc lên cái cồn cát, nghêu về đặc rật. “Nghêu” đọc trại thành “ngao”.

Cách đây 32 năm, tôi 17 tuổi, “đi bạn” (giúp việc) cho ghe lưới ở xóm vàm Trà Vinh (ấp Vĩnh Bảo, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, Trà Vinh). Từ xóm vàm, chúng tôi chèo ghe hoặc thả buồm một đoạn dài chừng 30km trên sông Cổ Chiên ra cửa biển Cung Hầu để đánh lưới. Sau mỗi buổi ra khơi, ghe thường tấp vô Cồn Ngao để bán cá, mua nước đá, gạo, mắm, muối dùng cho chuyến đi biển dài ngày.

Chuyện xưa nơi cửa biển

Từ vàm Trà Vinh, ghe ra biển bằng đường sông Cổ Chiên. Đoạn sông này mọc lên nhiều cồn như cồn Cò, cồn Phụng, cồn Lát... Khi đi qua cù lao Long Hòa (thuộc hai xã Hòa Minh và Long Hòa của huyện Châu Thành), sông Cổ Chiên tách làm hai cửa đổ ra biển. Cửa trên qua Khâu Băng (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là Cổ Chiên, cửa dưới đi ngang Bến Đáy (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) là Cung Hầu.

Nhưng người dân nơi đây, trừ những bậc cao niên, ít ai biết cái tên Cung Hầu, hầu hết chỉ biết có Cồn Ngao - một vùng đất cách Bến Đáy chừng 10km chạy dài theo mé biển, “trán” nhô ra biển, thân nối với đất liền thuộc ấp Chợ (xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Những năm 1980, khi chúng tôi ghé Cồn Ngao, lên bãi cát lội bộ quả là nghêu đặc rật dưới bàn chân. Con nghêu bự bằng nửa bàn tay, chỉ cần moi cát lượm lên, tách vỏ nặn chanh vô là có món “nghêu tái chanh” ngon lành. Lúc đó nghêu rẻ rề, ít ai thèm ăn bởi có các loại cá khác ngon hơn như cá phèn, cá chét, cá gún, cá ngác, cá gộc..., đem bán cũng bán mắc tiền hơn.

Ở sát cửa biển Cung Hầu có một chợ mua bán cá tôm, người dân thường gọi chợ Bến Đáy (thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang). Hồi đó bờ biển còn hoang sơ lắm, thưa thớt mấy nóc nhà, bãi cát chạy dài hơn 50km từ Bến Đáy tới tận Nhà Mát, Ba Động bên xã Trường Long Hòa (huyện Duyên Hải). Ngoài biển nhìn vô có thể thấy những động cát cao dựng đứng như bức tường thành chắn sóng gió.

Chợ Bến Đáy bên bờ biển, ghe lưới cứ tấp vô bãi là có mấy bà bạn hàng lội nước ngập tới bụng leo lên ghe mua cá. Từ biển xa, ban ngày ghe lưới thường nhắm hướng chợ là những mái nhà tôn trắng lóa. Ban đêm nhìn theo ánh đèn dầu đỏ loẹt để nhắm hướng. Cả khi gặp dông bão, Bến Đáy cũng là nơi đầu tiên ghe biển tấp vô chờ trời yên biển lặng.

Bất cứ ghe lưới nào, từ Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, thậm chí tuốt miệt Bà Rịa - Vũng Tàu, khi đi qua cửa Cung Hầu cũng đều biết và đều ghé Bến Đáy. Hồi đó Bến Đáy còn nổi tiếng bởi câu truyền miệng “cà rỡn” của đám ghe lưới: “Con gái Bến Đáy đái ra lửa” (người Nam bộ phát âm “đáy” và “đái” giống nhau).
Chuyện là vào ban đêm nước biển có độ mặn cao, khi ghe tàu chạy qua thường tạo sóng phát ra ánh sáng xanh giống như nẹt lửa. Đám đàn ông thường đứng trên be ghe “tè” xuống biển. Hai thứ nước có độ mặn và “đạm” cao gặp nhau tạo thành một vệt sáng xanh kéo dài ngó rất ấn tượng. Chuyện “đái ra lửa” lại được gán ghép cho mấy chị để chọc ghẹo mua vui.

Lễ hội cúng biển

“Bến Đáy còn nổi tiếng bởi nghề đóng đáy hàng khơi. Có lẽ vì vậy mà người dân kêu “bến đáy”, riết quen miệng rồi chết tên luôn - ông Lâm Hoàng Tâm, một “trưởng lão” trong nghề đóng đáy hàng khơi ở thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, nhớ lại - Nằm sát cửa biển, luồng lạch nhiều, vùng này cá tôm dồi dào, người dân dựng cọc, bên dưới giăng lưới đáy đón luồng tôm cá theo dòng chảy. Sau mỗi con nước ròng, đáy được kéo lên, tôm cá dính lưới được chở về chợ bán. Hồi đó hễ nhà nào có “miệng đáy” là thuộc hàng khá giả, cất nhà tường, ghe bự năm sáu chiếc. Dân Bến Đáy phần lớn sống bằng nghề làm đáy. Cả trăm miệng đáy giăng hàng hàng lớp lớp, bắt đầu từ cửa Cung Hầu dài ra xa khơi tới Hàng Thùng, Ba Động”.

Ông Nguyễn Văn Lùng (70 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Bến Đáy, hiện là chánh bái ban quản trị miếu Bà Chúa Xứ thị trấn Mỹ Long, hồi tưởng: “Năm 1917, ở ngay cửa biển Cung Hầu này đã xảy ra những chuyện không thể nào quên. Ông nội tui kể năm đó nhiều người dân ra đóng đáy bị cá mập ăn thịt. Lúc đóng đáy xong, thợ đáy buộc dây quanh bụng chờ bạn trên chòi đáy kéo lên. Khi thợ đáy được kéo lên mặt biển, ban đêm thân hình phát sáng, đó chính là tín hiệu báo cho lũ cá mập có mồi ngon, chúng rượt theo táp gọn.

Năm nào cũng có vài người mắc nạn khiến dân tình rất đỗi hoang mang, lo sợ. Năm 1919 có ông Cao Văn Phòng, dân kỳ cựu trong nghề đáy hàng khơi, đứng ra làm lễ cúng biển tại cửa Cung Hầu này. Ở chỗ bãi cát Bến Đáy ngày nay, ông lập một bàn hương án với lễ vật, tế lễ xong thả một bè chuối trên có hình nhân nghề đáy và một con heo - vật tế - ra biển. Bà con hướng ra cửa Cung Hầu van vái đức Ông Nam Hải (theo tập tục lâu đời của ngư dân miền biển, cá ông hay cá voi được tôn thờ vì đây là loài cá thường cứu ngư dân gặp nạn trên biển - NV) cầu xin được sóng lặng biển êm, tai qua nạn khỏi để ngư dân yên tâm ra biển.

Sau lễ cúng biển năm đó, số vụ cá mập tấn công không còn như trước và cũng không còn cảnh chết chóc nữa. Từ đó về sau, cứ tới ngày 10-5 âm lịch hằng năm, người dân Cung Hầu lại tổ chức lễ hội cúng biển hết sức long trọng, coi như ngày tổ nghiệp của người đi biển. Tết Nguyên đán có thể ghe biển không về chớ ngày cúng biển dứt khoát không ai vắng mặt”.

Cũng theo ông Lùng, năm 1922 người dân góp tiền xây dựng miếu cách chỗ cúng biển vài chục mét, bây giờ là miếu Bà Chúa Xứ, nơi tổ chức lễ cúng biển hằng năm. Ông Lùng kể: “Mỗi lần cúng biển, hàng ngàn người tứ xứ tụ về đây vui chơi, có gánh hát từ Sài Gòn về hát... Ngày sau là lễ Nghinh Ông, hàng trăm chiếc ghe rần rần ra biển, tới khi thấy “ông lên vọi” (cá voi phun nước) là biết “ông” chứng.
Pháp sư làm lễ, rước “ông” và vong linh những người khuất mặt khuất mày, chết trôi chết nổi cùng về ăn uống, vui chơi...”. Theo ông Huỳnh Bê - trưởng Phòng văn hóa - thông tin huyện Cầu Ngang, ngày nay lễ cúng biển được coi là lễ hội dân gian, tổ chức long trọng ở vùng biển này.

Rừng bần xanh ngắt một màu

Trở lại Cồn Ngao vào một ngày giữa tháng 9 vừa qua, chúng tôi xuất phát từ vàm Lầu ở xã Mỹ Long Bắc, cách Bến Đáy 2km, đi ghe ngang cồn Lát ra cửa biển Cung Hầu như hồi trước thường đi. Hai bên bờ khi xưa là bãi cát, nay phủ xanh rừng bần. Bến Đáy khi đó trống trơn, nhà cửa trong xóm phơi mình trước biển, nay được bao bọc trong dải rừng bần xanh ngắt.
Trước đây từ cửa Cung Hầu chỉ cần tấp ghe vô là tới chợ Bến Đáy, bây giờ phải chờ nước lớn mới vô được, nhưng phải len lỏi qua rừng bần dày kịt dài cả cây số. Đi giữa rừng bần, nhánh bần giao nhau nhìn ra biển như cái cổng chào màu xanh tươi mát. Dấu hiệu cho biết Bến Đáy nay là cột ăngten bưu điện ló khỏi ngọn bần. Người đi biển bây giờ muốn tìm hướng vào bờ vào ban đêm chắc sẽ theo ánh đèn chớp tắt của ngọn ăngten đó.

Qua khỏi Bến Đáy chừng một cây số nữa, giữa luồng nước chảy cửa Cung Hầu là cồn Nạng. Tôi không khỏi bất ngờ vì khu rừng bần dày đặc trên cồn, ngày trước chỉ là cái đụn cát trọc lóc giữa dòng, không có chút cây cối nào. Bây giờ trên cồn Nạng chẳng những rừng bần mọc dày như tóc mà còn lan ra hướng biển đang được đất bồi. Bần được trồng chăm chút hàng hàng lớp lớp, bên trong là bần già, chạy dần ra bãi là bần trẻ rồi tới lớp bần non mới trồng chừng sáu tháng.

Anh Trịnh Minh Long, chủ ghe đưa chúng tôi đi, cho biết: “Nhà nước giao đất cho dân trên cồn trồng bần. Bần lớn thì mấy ổng thả khỉ vô ở, dân được giao đất cồn nuôi nghêu, ươm giống. Cồn này nghêu nhiều vô số kể, khỉ cũng nhiều nên có người còn kêu cồn Khỉ hoặc cồn Nghêu”.
Tới đuôi cồn Nạng thì nước ròng, bãi cát bắt đầu ló ra. Lội bộ xuống cồn, đúng là nghêu vẫn đặc rật dưới bàn chân. Tôi đi chơi biển nhiều lần nhưng thường chỉ tắm ven bờ chứ ít ra cửa biển, lại được lội bộ trên cồn như vầy mới hay đi vậy “đã” hơn nhiều. Vừa được hít thở hương rừng gió biển, vừa được mặc sức lội cát “mát trời ông địa”.

Rồi lại mê mải cào nghêu. Nghêu nhiều lắm nhưng không phải tự nhiên mà do Hợp tác xã nghêu Thành Công thả nuôi. Dấu hiệu là cái chòi canh cao lêu nghêu mọc lên giữa cồn. Ông Phạm Văn Dũng, người canh chòi nghêu, cho biết nhờ có rừng bần xung quanh nên nghêu tự nhiên sinh sôi nảy nở rất nhanh. Nếu không có rừng bần, chắc nghêu không còn nhiều như bây giờ.

Từ cồn Nạng nhìn vào bờ thấy rất rõ hai cửa sông chia nhau đổ ra biển. Cửa bên phải là Cổ Chiên, bên trái là Cung Hầu, cách nhau một cái đuôi cù lao Long Hòa với rừng bần xanh ngắt mọc bờm xờm như mái tóc rậm. Nhìn ra hướng biển, tít ngoài khơi là những hàng đáy dàn hàng ngang như hàng rào chắn biển, ghe đáy, ghe lưới tấp nập qua lại. Chúng tôi cặp vô một ghe lưới đang thả, chủ ghe là một ông già chừng 70 tuổi một mình vừa chèo vừa thả lưới, gợi hình ảnh “ngư ông và biển cả”.

Ông mở thùng xốp, bên trong có hơn ký cá phèn, vài ký cá út và cá lù đù, khoe: “Sáng giờ được nhiêu đó, chắc bán được gần trăm ngàn đồng. Mỗi ngày làm chừng ba bốn “nhát” lưới là sống khỏe”. Thấy tôi ngắm nghía mấy con cá phèn, ông bảo: “Tưởng đám cá phèn này tiêu hết rồi chớ, bị đánh bắt riết còn gì nữa. May mà từ hồi Nhà nước cho trồng mấy rừng bần tới giờ, con cá coi mòi quay lại”.

Bọc qua đuôi cồn Nạng, chúng tôi tới Cồn Ngao. Cái bãi cát dài ngày xưa vẫn còn dây rau muống biển bò ngang dọc nhưng bây giờ có một rừng dương xanh ngắt chạy dài tít tắp. Từ đây nhìn về hướng Bến Đáy, những động cát cao khi xưa giờ là dải rừng bần hình vòng cung ôm lấy Cồn Ngao. Không thể ngờ được cồn cát hồi xưa hoang vắng nay đã thành một xóm dân cư đông đúc.

Ông Lê Văn Xuyên (54 tuổi) và gia đình đến đây lập nghiệp từ năm 1990. Hồi đó một chỉ vàng mua được 2-3 công đất. Đất cồn trống hoác, dân cồn ai cũng trồng dưa hấu. Lần hồi mới trồng thêm khoai lang, tới bây giờ thì đủ thứ bắp, mía, đậu... Cồn đang nối liền với bờ, trước đây muốn qua đất liền phải đi ghe, bây giờ có cái cống bắc qua, xe hai bánh chạy ào ào. Cồn Ngao đang được thay bằng ấp Chợ của xã Hiệp Thạnh. Ông Xuyên nói rừng dương được Nhà nước giao dân trồng: “Có nó đỡ lắm, tính ra cả vạt rừng ven biển này có tác dụng giảm hai cấp bão chớ ít sao. Hồi đó mỗi lần dông bão nghe sợ lắm, bây giờ núp trong hàng dương với rừng bần thấy êm hơn”.

Trên đường về, ghe chúng tôi đi theo lạch nước giữa Cồn Ngao và bờ biển Mỹ Long hướng về Bến Đáy, hai bên là rừng bần. Cái cảm giác trống lốc trên đầu trước gió biển ngày trước không còn, thay vào đó là sự ấm áp chở che. Giống như đi xe gắn máy mà có đội nón bảo hiểm vậy!

Theo Tuoitre