(DNSG) - Đến Hà Nội, ngoài những điểm tham quan nổi tiếng thường được du khách lui tới như khu phố cổ, hồ Gươm, hồ Tây, còn có một nơi rất đặc biệt: Làng rắn Lệ Mật ở phường Việt Hưng, quận Long Biên.
Hồi ức một làng nghề
Làng rắn Lệ Mật từ lâu đã được biết đến như một cái nôi của nghề nuôi rắn và chế biến đặc sản rắn. Cách đây hàng chục năm, Lệ Mật được xem như “thủ phủ” của nghề nuôi rắn. Ban đầu, người Lệ Mật nuôi rắn để làm thuốc, rồi theo đà phát triển của kinh tế thị trường, lại thêm thịt rắn vốn được coi là một loại thực phẩm quý hiếm, nên các món ăn được chế biến từ rắn nhanh chóng được thực khách xa gần biết đến và ưa chuộng.
Dần dà tại Lệ Mật, nhà nhà nuôi rắn, người người chế biến thịt rắn. Đối với người dân Lệ Mật, nghề rắn không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn là một phần của bản sắc làng nghề.
Những đêm rắn đầy ắp những chúc rắn hổ mang, rắn cạp, rắn hổ trên cao ở làng Lệ Mật đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Tại các nhà hàng trong làng, những món ăn từ rắn như rắn xào lăn, rắn nướng, rắn hấp bia đã là đặc sản nổi danh. Nghề nuôi rắn và kinh doanh ẩm thực ở Lệ Mật cùng từ đó trở nên nhộn nhịp và phồn thịnh dần lên theo thời gian, trở thành nghề chính của nhiều gia đình và nhiều gia đình trở nên giàu có. Đường sá ở Lệ Mật cùng vì thế đẹp đẽ hơn, nhà cửa khang trang, biệt thự mọc lên san sát.
Hơn 20 năm trước, mỗi khi có dịp ra Hà Nội, tôi được bố dẫn đến thăm người bạn của bố ở làng Lệ Mật. Không chỉ được được thưởng thức nhiều món ăn được chế biến từ rắn, ký ức mãi vẫn chưa quên, tôi còn được hóng chuyện làm ăn, chuyện nuôi rắn giữa bố tôi và chủ quán bạn tri kỷ của bố.
Có lần, tôi hóng được câu chuyện giữa bố tôi và ông Nguyễn Đặng Pháo - người giỏi nhất làng trong việc lấy mật, lấy nọc rắn làm thuốc. Ông Pháo kể, nghề chăn nuôi rắn là nghề cha truyền con nối. Vì vậy, những người thợ ở đây có ít nhất 20 năm thâm niên trong nghề. Nghề rất khó truyền cho người ngoài vì không ai đủ can đảm, say mê để học và gắn bó với nghề. Ngay làng Lệ Mật, đã từng có không ít người suýt mất mạng và bị mù tạm thời do bị rắn phun tia nọc độc vào mắt.
Bản thân ông Pháo cũng từng lâm cảnh “thập tử nhất sinh” vì bị rắn cắn nhưng nhờ vào bài thuốc truyền đời, ông đã thoát được “lưỡi hái tử thần”. Nhờ biết kỹ thuật lấy nọc rắn, năm 1991-1993, ông Pháo đông cô nọc rắn xuất khẩu, thu về một số tiền khá. Ông cũng là người cung cấp nọc rắn cho bác sĩ Trịnh Xuân Kiểm - nguyên Trưởng Khoa Huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy để chế ra huyết thanh kháng nọc nổi tiếng thế giới.
Lệ Mật bây giờ
Đến Lệ Mật vào những tháng cuối năm 2024 trong tiết trời se lạnh, ngay khi gặp anh bạn thân, tôi đề nghị được đến thăm làng rắn Lệ Mật, một phần để nhớ lại ký ức những lần được bố cho đến đây, phần tò mò xem sau bao năm, Lệ Mật và bác bạn tri kỷ của bố tôi ra sao.
Đến nhà hàng của Trương Xuân Chiến - chủ trại rắn Quốc Phương, là con cháu trong một gia đình có truyền thống nuôi rắn nhiều đời. Chiến là một trong những thành viên không chỉ tiếp nối nghề gia đình mà còn xây dựng một nhà hàng theo kiểu trang trại sinh thái. Tôi hỏi Chiến: Ước tính thu nhập của gia đình anh từ nghề nuôi rắn, kinh doanh món ăn từ rắn hiện có cao như ngày xưa? Anh cho hay: Trung bình khoảng 1 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 90 nhân viên.
Ở trại rắn Xuân Chu Vườn, với 300 ô chuồng nuôi rắn các loại lợi nhuận hằng năm từ kinh doanh nhà hàng và bán rắn ở đây cũng đạt gần 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động trong và ngoài phường. Tuy nhiên, đây không phải là thu nhập số đông của người làng Lệ Mật hiện nay.
Chủ một nhà hàng rắn khác tại làng Lệ Mật cho biết: “Những năm gần đây, trước áp lực của luật pháp về bảo vệ động vật hoang dã và sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ thịt rắn vì theo văn hóa phương Đông, rắn là một trong tứ linh, vì vậy nhiều người bây giờ kiêng ăn thịt rắn, cho rằng đây món ăn đem đến sự đen đủi nên nghề nuôi rắn và kinh doanh nhà hàng tại Lệ Mật đã dần thu hẹp”.
Không để mai một làng nghề, người dân Lệ Mật nhận thấy rằng, bên cạnh nghề rắn, Lệ Mật còn có nhiều di tích đền, chùa, miếu… có thể khai thác giá trị di tích văn hóa truyền thống với làng nghề để thu hút du khách nên nhiều hộ dân ở Lệ Mật đã nỗ lực thay đổi, biến Lệ Mật thành điểm du lịch văn hóa kết hợp ẩm thực làng nghề, nhiều mặt hàng hàng thủ công mỹ nghệ cũng được phát triển rất hấp dẫn và thu hút du khách thập phương. Các sản phẩm được tạo ra từ da rắn được khách du lịch thích thú, tìm mua nhiều như: thắt lưng, ví, giầy dép, túi xách.Từ đó, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thu hút khách tham quan.
Năm 2011, làng Lệ Mật được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống”, tháng 4/2024, điểm du lịch làng Lệ Mật được xếp vào danh sách các điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội.
Dù có khởi sắc khi kết hợp du lịch nhưng tâm tư của người làng Lệ Mật vẫn mong nghề chăn nuôi rắn của Lệ Mật được quan tâm nhiều hơn, nhất là phát triển nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ chế tác từ rắn. Hiện, do quá trình đô thị hóa nên diện tích chăn nuôi rắn của Lệ Mật càng ngày càng giảm. Bên cạnh đó, theo quy định của Thành phố là không cho phép chăn nuôi trong khu vực dân cư nên nhiều hộ nuôi rắn không còn tha thiết với nghề, nguyên liệu để làm hàng mỹ nghệ thủ công phục vụ du lịch và xuất khẩu e rằng cũng sẽ bị mai một và thiếu dần.
Tin vui là hiện nay, lãnh đạo địa phương cũng đang có kế hoạch phát triển làng nghề và tìm hướng đi mới, tập trung vào việc cung cấp sản phẩm du lịch với nhiều sản phẩm đa dạng, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt là việc nghiên cứu hình thành khu vườn bảo tồn rắn tại Lệ Mật để tạo thành điểm nhấn trong làng. Ngoài các tiêu bản trong khu trưng bày thì sẽ có khu vực rắn được nuôi tập trung để giới thiệu đến với du khách. Khu vực nuôi rắn vừa có không gian phát triển nông nghiệp vừa có khu chăn nuôi, bảo tồn rắn, khu trình diễn rắn… để phục vụ cho nhiều đối tượng từ học sinh đến thăm quan trải nghiệm đến khách từ các tỉnh, thành và quốc tế.
Bước sang năm Ất Tỵ, đôi dòng tản mạn về làng nghề Lệ Mật để bạn đọc đọc chơi…và cũng hy vọng, những kế hoạch phát triển du lịch làng nghề Lệ Mật sẽ hiện thực nhanh và phát triển thực chất để còn mãi cái tên làng nghề đã gắn vào ký ức nhiều người: Làng rắn lệ Mật.
Theo Đoan Trang (Doanh Nhân Sàigòn) + ảnh internet
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.