(VOV5) - Ngoài đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, làng Hạ Mỗ còn có đền Văn Hiến được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX.

Làng Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng) là vùng đất cổ, cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 20km. Nằm bên ba con sông lớn là sông Nhuệ, sông Hồng và sông Hát, quanh năm phù sa bồi đắp, làng Hạ Mỗ là điểm đến thú vị với bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống. Ngày nay, Hạ Mỗ đang trong quá trình đô thị hóa nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghiêm cũng như nhiều nét văn hóa xưa.


Từ thế kỷ VI (cách đây hơn 1.400 năm), Hạ Mỗ là kinh đô của nước Vạn Xuân (quốc hiệu của Việt Nam) dưới triều Hậu Lý Nam Đế. Đến nay, làng Hạ Mỗ vẫn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa giá trị, nét đẹp văn hóa. Trong những di tích lịch sử hiện có ở làng Hạ Mỗ thì đình Vạn Xuân, đền Văn Hiến và chùa Hải Giác là những di tích tiêu biểu, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX.

Đình Vạn Xuân nằm ở trung tâm làng, được xây dựng theo hướng Tây, là tâm đối xứng của hai ngôi đền Hàng Văn (Văn Hiến Đường) và đền Hàng Võ (Tri Chỉ đường) ở hai đầu Bắc - Nam của làng. Lật giở từng trang sách cũ, nhà giáo hưu trí, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Toạ ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Hà Nội, cho biết: "Đình Vạn Xuân của làng Hạ Mỗ thờ hoàng tử Lý Văn Lang, con của vua hậu Nam Đế và có thể nói công lao sự nghiệp của người góp phần thống nhất giang sơn ở thế kỷ thứ 6 nhà nước Vạn Xuân. Cùng với ông còn các vị vương tôn nhà tiền Lý.”

Đình được xây cất trên khu đất rộng với kiến trúc độc đáo, quy hoạch khác biệt, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kiến trúc đình làng Việt Nam. Nhà giáo hưu trí, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Toạ cho biết thêm: “Đình Vạn Xuân có cấu trúc đặc biệt “nội vương ngoại quốc”. Cái chỉnh thể gắn với quốc đô nhà nước Vạn Xuân thế kỷ thứ 6. Đặc biệt hình của mảnh đất này là hình quy vờn ngọc tức là hình con rùa vờn ngọc".

Hạ Mỗ còn được biết đến bởi ngôi chùa Hải Giác ra đời từ thế kỷ thứ 6. Chùa được xây dựng trên khu đất bằng phẳng với các kiến trúc bộ phận được bố trí chiều sâu theo trục chính là Đông - Tây. Phía trước là Tam quan, sau đến sân gạch rộng, hai bên sân là hai dãy nhà Tổ, nhà Mẫu nằm song song; cuối cùng là tòa Đại đường. Trải qua nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm. Trong chùa hiện còn lưu giữ hơn 200 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 50 pho tượng tròn là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Ni sư Thích Đàm Chính, Trụ trì chùa Hải Giác, xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, chia sẻ: "Cuối thế kỷ 19 có đức Thanh Trang – tổ sư vì đạo quên thân, vì dân phục vụ. Nhà chùa đã xây cho Ngài một Bảo Tháp".

Ngoài đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, làng Hạ Mỗ còn có đền Văn Hiến được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Đền tọa lạc trên khu đất cao đầu làng. Tại đền hiện còn lưu giữ một khối lượng di vật lớn gồm câu đối, hoành phi, hương án, bia đá, đồ sứ, đồ đồng, tượng gỗ…Đây là kho báu của văn hóa làng về truyền thống hiếu học. 

Bên cạnh những công trình kiến trúc cổ, những di sản vật thể, Hạ Mỗ còn những truyền thống văn hóa quý báu. 

Trong hội làng vào dịp tháng Giêng âm lịch, người dân Hạ Mỗ tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Thả chim bồ câu, chọi gà, đấu vật, đánh đu, chơi cờ người, thả diều sáo...Các trò chơi không chỉ để người dân giải trí sau những ngày lao động mà còn góp phần xây dựng đời sống tâm hồn phong phú, lành mạnh.

Đến Hạ Mỗ không thể không thưởng thức ẩm thực nơi đây. Lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp ở làng Hạ Mỗ rất đa dạng và phong phú. Người dân Hạ Mỗ từ xa xưa đã làm các món ăn như bánh gio, đậu phụ và bột sắn dây. Nhưng đặc biệt nhất là món cháo se Hạ Mỗ, món cháo ăn bằng đũa ít người biết. Vẫn là cách nấu cháo thông thường. Nhưng thay vì đổ bột vào nồi và khuấy đều, người làng Hạ Mỗ vo từng nắm bột trên tay và se đều. Cứ se như thế, sợi gạo dài xuống nồi nước đang sôi thì lại ngắt để se tiếp. 

"Chúng tôi chọn gạo ngon, ngâm gạo và mua xương về ninh. Lọc bột lọc cho khô rồi nhào cho dẻo và đem vào se. Khi se thì nắm chặt hai tay và se đều, thỉnh thoảng cho nước sủi lên để con se không bị cháy. Cháo se được nấu ở các ngày lễ, ngày hội hay khi bạn bè đông vui cũng bày ra ăn".

“Làng tôi có nghề cháo se đặc biệt. Chúng tôi mong muốn du khách thập phương đến thưởng thức”. Việc giữ gìn món cháo se truyền thống không chỉ giúp người dân làng Hạ Mỗ có thu nhập ổn định mà còn góp phần lưu giữ nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc. Những di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo, cùng bề dày văn hóa truyền thống của làng Hạ Mỗ đã níu chân nhiều du khách khi muốn khám phá làng cổ ven sông.

Theo Bùi Hằng (VOV5)

Du lịch, GO!