(GLO) - Về huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), nghe tên những địa danh gắn với bao truyền thuyết hư ảo như lạc vào miền sử thi. Trầm tích văn hóa kết hợp với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ là thế mạnh để đánh thức tiềm năng du lịch của vùng đất từng “bị bỏ quên” này.

Trình diễn cồng chiêng dưới chân núi Chư Mố.

Những điểm đến giàu cảm xúc

Núi Chư Mố (xã Chư Mố) nằm lẻ loi giữa vùng đất phù sa ven sông Ba, tách biệt với các ngọn núi khác trong vùng. Người Jrai cho rằng, những sông, suối nhỏ bao bọc quanh núi chính là nước mắt của nàng H’Bia Chơ Năng khi đứng trên đỉnh núi khóc thương chồng. Cũng bởi nguồn nước mát lành đó mà vùng đất này nổi tiếng có nhiều người con gái đẹp. Một nhà thơ từng thốt lên rằng, đến Chư Mố như lạc vào “miền gái đẹp”.

Ông Ksor Thất (người dân xã Chư Mố) cho biết: Trong số 4 vị thần cai quản 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của ngọn núi thì Săk và Dyung là nam thần, còn Mố và H’Djô là nữ thần. Người dân trong vùng tin rằng các vị thần cũng chính là tổ tiên của mình.

Vì vậy, trong bài khấn, già làng mời gọi các thần về cùng ăn, cùng uống rượu, chung vui với buôn làng. Đồng thời, cầu mong các thần cai quản núi Mố ban phước lành, che chở cho mọi người được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển.

Núi Mố gắn liền với huyền tích và những câu chuyện văn hóa lịch sử gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất ven sông Ba. Dưới ngọn Chư Mố sừng sững theo năm tháng, tiếng cồng chiêng vẫn vang vọng, nối nhịp vòng xoang gợi nhớ bao chuyện xưa về ngọn núi thiêng. 

Các bạn trẻ huyện Ia Pa trong hành trình chinh phục đỉnh Chư Mố

Những câu chuyện đầy hư ảo ấy đã và đang được địa phương sưu tầm, xây dựng để kể cho khách phương xa trong hành trình khám phá vùng đất thiêng.

“Núi được người dân trong vùng bảo vệ, xem đây như một cảnh đẹp giá trị về mặt cảnh quan, văn hóa và mong muốn được giới thiệu đến tất cả mọi người”-ông Ksor Thất cho biết. Với giá trị lịch sử cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, huyện Ia Pa chọn Chư Mố là điểm trung tâm kết nối các điểm đến du lịch khác trên địa bàn huyện.

Thác 3 tầng giữa rừng già.

Nếu thác K50 ở cung du lịch phía Đông tỉnh được ví như nàng thơ của đại ngàn Tây Nguyên thì thác Ba tầng (xã Ia Tul) chính là trái tim của rừng già nằm ở phía Đông Nam tỉnh. Thác nằm giữa rừng nguyên sinh, từ trên cao dòng thác đổ xuống như một tấm lụa trắng len lỏi qua rừng cây.

Để chinh phục trái tim giữa rừng già phải xuyên qua rừng khộp với cung đường hiểm trở. Thác có sức hút rất lớn những trái tim yêu thích thiên nhiên hoang dã, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ trekking, hiking bởi vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ.

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Voi. Dòng thác nước quanh năm xanh biếc chảy qua những tảng đá khúc khuỷu phủ đầy rong rêu.

Khác với sự dữ dội, hùng vĩ của thác Ba tầng, thác Voi (xã Kim Tân) lại mang đến cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu. Để đến đây, du khách bộ hành qua những cung đường quanh co, gập ghềnh dưới tán rừng khộp dọc theo dòng sông Ba. Vào mùa khô nóng nhất trong năm thì nơi này vẫn mát lạnh, bởi hơi nước và màu xanh của rừng. Thác cách trung tâm huyện Ia Pa 4 km về phía Đông Bắc.

Đến đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, vào đời sống bình dị của cư dân sống lâu đời ở vùng đất này. Cùng chèo thuyền len lỏi qua những ghềnh đá rêu phủ quanh năm hình thù như những chú voi, thả lưới đánh cá, bắt ốc suối và nghe người dân kể lại sự tích đàn voi hóa đá… là những trải nghiệm không gì thú vị bằng.

Đánh thức tiềm năng

Ia Pa có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70%, chủ yếu là người Jrai, Bahnar. Những chủ nhân lâu đời của vùng đất này còn giữ nhiều lễ hội độc đáo cùng không gian làng truyền thống với những nếp nhà sàn, nhà dài đặc trưng.

Tại các buôn làng ở huyện Ia Pa, từ góc máy trên cao bắt trọn hình ảnh những mái nhà dài truyền thống của người Jrai đan xen giữa mênh mông cánh đồng lúa, uốn lượn ven sông hay êm đềm dưới tán rừng. Đó cũng là nét đẹp đặc trưng của vùng đất này.

Với tiềm năng văn hóa, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, huyện Ia Pa đã xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Ông Huỳnh Văn Trường-Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Trước đây, Ia Pa đã từng xuất hiện trên bản đồ du lịch của tỉnh, được các đơn vị lữ hành thường xuyên đưa khách đến, nhất là khách nước ngoài. Nhưng sau thời gian dài do nhiều yếu tố tác động, các điểm này dần bị quên lãng trên các tour, tuyến.

“Huyện đang nỗ lực khôi phục các điểm như nhà rông làng Blom (xã Kim Tân) gắn với thác Voi; núi Chư Mố gắn với phát triển hồ thủy lợi Ia Thul… từ đó hình thành các tour trải nghiệm du lịch văn hóa, sinh thái. Huyện cũng khảo sát các suối, thác nước ở xã Ia Tul để quảng bá, giới thiệu và kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch trong thời gian tới”-ông Trường thông tin.

Trong chuyến khảo sát tiềm năng du lịch nông thôn vùng Đông Nam tỉnh do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, các doanh nghiệp lữ hành đều đánh giá cao lợi thế và tiềm năng du lịch huyện Ia Pa.

Bà Trương Thị Phương Nga (Công ty TNHH Thương mại Du lịch sinh thái Gia Lai) cho biết: Ia Pa từng là miền đất hình thành các tour trải nghiệm, trekking cho khách châu Âu khá nổi tiếng trên bản đồ du lịch Gia Lai từ 15 năm trước.

Khách đến đây cảm nhận được sự trở về với buôn làng, thiên nhiên, trải nghiệm những gì mộc mạc, nguyên sơ nhất của đời sống cư dân, đắm chìm vào thiên nhiên hùng vĩ và cũng đầy chất thơ. Đặc biệt, quanh các làng ở xã Ia Tul có bến nước rất thơ mộng nằm trên một nhánh của sông Ia Tul. Mỗi làng có con sông chạy quanh không chỉ tạo cảnh quan đẹp mà còn thổi sự sống, linh hồn vào chính ngôi làng đó.

Bà Trương Thị Phương Nga đề xuất: Để làm du lịch cộng đồng thì cần kết nối các cụm buôn làng của các xã Ia Tul, Chư Mố, Kim Tân. Chính quyền địa phương cần vận động người dân giữ gìn vệ sinh thật tốt, duy trì bản sắc văn hóa, nhất là các lễ hội gắn liền với đời sống.

Đồng thời, khảo sát chọn những ngôi nhà sàn làm theo kiểu mới, rộng rãi, có đầy đủ điều kiện vệ sinh và định hướng người dân làm homestay phục vụ du khách. Chọn những hạt nhân tích cực đào tạo làm du lịch để họ về hướng dẫn lại cho bà con là cách tốt nhất.

“Về phía lữ hành, chúng tôi sẽ tiếp sức cho bà con bằng cách định hướng sản phẩm, dịch vụ và kết nối đưa khách đến. Qua khảo sát, chúng tôi thấy được sự nhiệt huyết của người dân. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển du lịch cộng đồng”-bà Nga khẳng định.

Theo Hoàng Ngọc (báo Gia Lai)

Du lịch, GO!