(VNE) - Được xây dựng từ năm 1931, Tòa thánh Tây Ninh - công trình biểu tượng của đạo Cao Đài chưa từng được sửa chữa, kiến trúc vẫn nguyên vẹn.

94 năm trước, Tòa thánh Tây Ninh bắt đầu được đào móng, khởi công sau 5 năm thành lập đạo Cao Đài (năm 1926). Tòa thánh thiết kế dài gần 100 m, rộng 22 m, phần cao nhất 36 m, tổng diện tích hơn 2.000 m2.

Nhóm nhân sĩ đầu tiên của tôn giáo này đã tìm tới khu rừng rộng 50 ha ở làng Long Thành, thuộc huyện Hòa Thành (cách TP Tây Ninh 5 km) để xây Tòa thánh như là tổ đình của đạo. Vị trí này được quan niệm là long mạch, nằm trên 6 mạch nước ngầm hội tụ. Công trình được xây ở đây nhằm bảo vệ long mạch, trấn yểm giúp người dân, đất nước yên bình.

Ảnh xưa

Tòa thánh nằm trong khuôn viên hình thang rộng khoảng một km có hàng rào bao bọc với 12 cửa. Đức hộ pháp Phạm Công Tắc (một trong những người sáng lập đạo) đã chỉ huy việc xây dựng công trình dù không có bản vẽ thiết kế, kỹ sư xây dựng.

và nay.

Khi đó, Tòa thánh được quy hoạch là trung tâm của huyện Hòa Thành với hệ thống đường xá thẳng tắp, đều dẫn về nơi này.

Ảnh xưa

Lối vào chính diện Tòa thánh là cổng Chánh Môn cao 36 m, ngang 60 m, được xây năm 1965 - tức 10 năm sau khi công trình khánh thành. Cửa Chánh Môn chỉ mở 5 năm một lần vào ngày khai đạo để tiếp khách.

và nay.

Đến năm 1968, một thập kỷ sau ngày mất của Hộ pháp Phạm Công Tắc, những người quản lý Tòa thánh đã cho xây dựng thêm bửu tháp Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đặt hài cốt của ông. Khi đó, các khung tre được đóng chắp vá xung quanh làm bệ đỡ để người dân đứng lên xây tháp.

Ảnh xưa

Phía sau bửu tháp là hai pho tượng Xa Nặc chạy bộ theo Đức Thích Ca đang cưỡi ngựa tầm đạo trong những buổi đầu tiên. Tượng này được đúc bằng xi măng, chạm trổ sắc sảo từ năm 1927 đến nay vẫn kiên cố, không có dấu hiệu hao mòn.

và nay.

Phối sư Ngọc Hồng Thanh, quản lý Tòa thánh từ năm 1963, cho biết công trình chưa từng được sửa chữa. Trong 70 năm qua, nơi này chỉ sơn lại 3 lần, mỗi lần cách nhau 15-20 năm. Lần gần nhất Tòa thánh được gần 500 người sơn lại trong 6 tháng vào năm ngoái.

Ảnh xưa

và nay.

Trước Tòa thánh là một khuôn viên rộng lớn có dựng cột phướn ở giữa để treo lá phướn dài 12 m với ba màu xanh, đỏ, vàng trên nền có họa tiết Thiên nhãn và chữ Hán. Hai bên cột phướn là đông và tây khán đài.

Ảnh xưa

và nay.

Trên bức tường hai bên cửa vào Tòa thánh chạm khắc hai phù điêu đối lập của ông ác và ông thiện. Một người mang rìu, cầm ngọc hồi, người còn lại cầm thanh đao là hai vị hộ pháp với ý nghĩa ủng hộ việc thiện và trừng phạt những người có tâm ác. Sau hàng chục năm, hai bức phù điêu vẫn không có dấu hiệu nứt nẻ, chỉ bị ngả màu sơn.

Ảnh xưa

Bên trong Tòa thánh được chia thành ba phần theo hướng đông sang tây: Bát quái đài, cửu trùng đài và hiệp thiên đài. Phần mái gắn liền với cửu trùng đài là nghinh phong đài, còn hai tháp chuông và trống gắn trên cửu trùng đài.

và nay.

Do thời điểm xây dựng vật liệu khan hiếm nên người xây đã dùng thêm tre để đổ bêtông làm 156 cột trụ, trộn thêm khoai, sắn, các loại củ gia cố ô sen thiên nhãn ở hai vách tường Tòa thánh và dùng mảnh sành chén, dĩa vỡ để gắn lên các pho tượng, phù điêu trang trí.

Ảnh xưa

Phần đặc biệt nhất của Toà thánh là quả cầu Càn Khôn được làm bằng khung thép có đường kính 3,33 m gọi là "ba thước, ba tấc, ba phân" cộng lại bằng 9 - là con số mang tới điều lành. Trước năm 1963, quả Càn Khôn bọc vải bên ngoài sau đó thay bằng các tấm nhôm. Hồi thập niên 1930, quả cầu này từng bị cháy do đổ đèn dầu.

và nay.

Biểu tượng của đạo là hình một con mắt nằm trong hình tam giác, tượng trưng cho Thượng đế. Ngoài ra, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Jesus, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm...

Ảnh xưa

Trên phần mái của Tòa thánh có dựng Long Mã mang Hà Đồ chạy từ hướng đông sang tây có hàm ý tôn giáo phát triển từ phương đông đến phương tây của thế giới. Đầu Long Mã hướng sang phía đông, tức luôn nhìn về cội nguồn.

và nay.

Thiết kế này được ghép từ hàng nghìn mảnh sành chén, dĩa vỡ được người dân mang tới. Dù dãi nắng dằm mưa hàng chục năm qua, song tượng vẫn kiên cố.

Ảnh xưa

Xung quanh Tòa thánh có gần 100 kiến trúc tôn giáo như đền thờ, các cơ quan Đạo, Bửu tháp chư Chức sắc cao cấp đến nay vẫn nguyên vẹn.

Tôn chỉ của đạo là lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm hành đạo, lấy việc phụng sự chúng sinh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu xây dựng một xã hội đạo đức, an lạc bằng tinh thần thương yêu đồng đạo.

và nay.

Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã công nhận tổ chức tôn giáo đối với 10 Hội thánh Cao Đài, 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập và cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đối với một pháp môn Cao Đài, tổng cộng có khoảng 2,4 triệu tín đồ, xếp thứ tư trong 16 tôn giáo được công nhận. Riêng Cao Đài Tây Ninh có hơn một triệu tín đồ, hoạt động ở 35 tỉnh, thành phố...

Ảnh xưa

và nay.

Hàng chục năm qua, Tòa thánh thường tổ chức hai ngày lễ Hội yến Diêu Trì Cung và Vía Đức Chí Tôn vào tháng Giêng và tháng 8 âm lịch luôn thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Lễ hội có nhiều chương trình biểu diễn, đặc biệt là màn múa rồng nhang phun lửa.

Ngoài Tòa thánh, các chức sắc của đạo Cao Đài còn dựng lên chợ, trường học, trạm xá, sắp xếp khu nhà ở của người dân theo hình bàn cờ trong một vùng rộng lớn.

Cách đó 3 km là chợ Long Hoa (nhìn về núi Bà Đen khoảng 13 km), được dựng lên để người dân buôn bán, tìm kế sinh nhai vững tâm hướng đạo. Chợ được thiết kế vuông vức bao bọc bởi tám cửa, tứ phương tám hướng theo hình bát quái để trừ yêu, diệt tà, mang lại sinh khí tốt.

Theo Đình Văn - Tư liệu Tòa thánh (Vnexpress)

Du lịch, GO!