(TNO) - Đường Lê Thánh Tôn chạy sau lưng chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) là điểm đến của những đôi giày cũ sắp được 'tái sinh', nơi có gần 20 thợ sửa giày miệt mài làm việc mỗi ngày. Chúng tôi đến phố giày sau lưng chợ Bến Thành vào một chiều giữa tháng 11.2024. Dọc 2 bên đường, cứ cách nhau vài chục mét sẽ gặp những người thợ sửa giày ngồi trên ghế nhựa thấp; dưới nền là các dụng cụ như: kim dùi, búa, keo dán, máy mài…

Phố giày Lê Thánh Tôn hình thành từ 100 năm trước cùng với sự tồn tại của chợ Bến Thành

Tiếng gõ búa đóng giày, tiếng máy may đều đặn theo từng nhịp của người thợ hòa quyện cùng âm thanh của đường phố tạo nên một nhịp sống tất bật và bận rộn.

Nghệ thuật sửa giày trên phố thượng lưu

Ghé vào một tiệm sửa giày trên đường Lê Thánh Tôn với đội ngũ lên đến 5 học viên, chúng tôi gặp một người đàn ông trung niên với khuôn mặt hớn hở đang sửa chiếc giày Tây.

Ông Chương gắn bó với nghề sửa giày gần 3 thập kỷ

Đôi bàn tay thô ráp của ông khéo léo bôi một lớp keo mỏng lên mép đế, rồi dùng búa nhỏ gõ nhẹ từng nhịp làm cho phần đế bám chắc vào thân giày. Từng đường kim, mũi chỉ được ông luồn qua lớp da với sự tỉ mỉ và tài hoa hiếm thấy. Chẳng mấy chốc một đôi giày cũ kỹ trở nên chắc chắn và bóng loáng như mới. Ông tên Chương (47 tuổi), là thế hệ cuối cùng trong gia đình có 2 đời giữ lửa nghề sửa giày.

Theo ông Chương, phố giày có từ 100 năm trước

Ông Chương nói không nhớ cụ thể con phố hình thành từ năm nào, nhưng theo người xưa kể lại, ông chỉ biết khoảng 100 năm trước đã có những xưởng đóng giày. Dần dà, những dịch vụ đánh giày và sửa giày cũng song hành rồi mọc lên như nấm. Năm 1997, lúc đó ông 18 tuổi, con phố đông đúc đến nỗi ở mỗi gốc cây sẽ có một thợ sửa giày.

Để tìm hiểu về lịch sử của phố Lê Thánh Tôn, chúng tôi lật giở cuốn sách Sài Gòn đẹp xưa của tác giả Phạm Công Luận. Trước những năm 30 của thế kỷ trước, nghề đóng giày thủ công của người miền Bắc đã có mặt ở Sài Gòn.

Khi đó, gần cả một dãy phố trên đường Espagne, đoạn gần ngã tư Espagne - Pellerin (nay là đường Lê Thánh Tôn - Lê Lợi) chuyên đóng giày thủ công và sản xuất những đôi dép “tân thời” cho giới giàu sang. Những “nghệ nhân” làm giày vừa sản xuất vừa cư ngụ.

Trước khi đất nước thống nhất, trên đường Lê Thánh Tôn, đoạn gần góc Pasteur phía bên trái có 2 tiệm giày rất nổi tiếng Trần Bắc và Hà Nội. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay chỉ còn duy nhất tiệm giày Hà Nội vẫn còn tồn tại.

Đến cuối thập niên 70, nhiều chủ tiệm lâu đời bỏ nghề và định cư ở nước ngoài. Đến những 1990, phố giày được phục hồi trở lại, nhưng đa số đổi chủ hoặc con cháu của chủ cũ kế nghiệp.

Chia sẻ về cơ duyên bén nghề, ông Chương nói chắc nịch một chữ: “Duyên”, rồi giải thích: “Hồi còn trẻ tôi không có ý định theo nghề này, nhưng nhờ duyên tôi mới gắn bó gần 30 năm qua. Ban đầu, tôi chỉ phụ sửa giày cho mấy anh em trong nhà, nhưng càng sửa lại càng thích. Đến năm 18 tuổi, tôi theo học nghề tại một cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn. Lúc đó, tôi chỉ phụ đánh xi giày, mài đế và khâu lại các đường chỉ. Dần dần tôi thành thục và quyết tâm sống với nghề sửa giày".

“Nhất nghệ vinh, nhất thân vinh”, gần 3 thập kỷ sống với giày, ông Chương nói mình chưa bao giờ có ý định đổi hay bỏ nghề. Rít hơi thuốc thật sâu, trầm ngâm nhìn đường phố tấp nập xe qua lại, ông Chương nói giọng thật trầm: “Còn duyên tôi vẫn còn làm. Nếu có ý định chọn nghề khác, tôi đã chọn khi mình còn trẻ. Nghề này nuôi sống cả gia đình tôi, nhờ nó mà con trai tôi được học đại học".

Nghề sửa giày không chỉ là nghề thủ công, mà còn là một nghệ thuật

Nghề sửa giày không chỉ đơn thuần là nghề thủ công, mà còn là một nghệ thuật. Người thợ cần có kỹ năng tinh xảo, đôi bàn tay khéo léo và cực kỳ tâm huyết với nghề chứ không phải học trong "một sớm một chiều".

Chỉ tay về một thanh niên đang đóng đế giày bên cạnh, ông Chương nói: “Thằng Dự học nghề được 2 năm rồi mà mới làm thợ phụ thôi. Không phải ai cũng dễ dàng theo được nghề này, như tôi mất 10 năm mới thành thạo. Những học trò của tôi phải học 5 đến 7 năm tôi mới dám giao giày cho làm”.

Làm nghề cần có chữ tín

Ông Chương nói, bám nghề lâu, khách hàng đã quen thuộc và tin tưởng vào tay nghề cùng sự uy tín, nhiều người gắn bó đến hàng chục năm. Chính vì thế, "cửa hàng vỉa hè" của ông không chỉ thu hút nhiều người nổi tiếng từ nam chí bắc, mà đến cả người nước ngoài cũng tìm đến để tân trang những đôi dép "khủng" giá trị hàng chục triệu đồng.

Hiện nay, con phố có gần 20 thợ sửa giày

Để “phù phép” cho giày cũ, chỉ cần ngắm nghía trong vài giây, ông Chương đã biết cần làm gì để "chữa bệnh" cho nó. Trung bình, mỗi ngày cửa hàng của ông nhận sửa giày cho 40 khách; riêng dịp tết thì đông hơn và làm không xuể.

Người thợ sửa giày cần có kỹ năng tinh xảo, đôi bàn tay khéo léo và cực kỳ tâm huyết với nghề

Trò chuyện với ông Chương được chừng 10 phút, có một người đàn ông tên Nhân (ở Q.7) mang đôi dép bị đứt quai đưa cho học viên của ông Chương. Học viên này tên Bi (18 tuổi, quê Bình Thuận). Anh Nhân nói: “Tôi sửa giày, dép ở đây được 10 năm rồi. Chỉ có những người sống ở Sài Gòn lâu năm mới biết đến con phố này. Thợ ở đây làm chất lượng và uy tín từ trước đến giờ, mình chỉ cần nói vài câu là thợ hiểu “bệnh” của giày liền”.

Giá để tân trang giày, dép ở tiệm ông Chương dao động từ 120.000 đồng đến vài triệu đồng

Theo anh Bi, làm nghề sửa giày phải biết ý và chiều theo ý của khách hàng, cái nào làm được thì mình nhận, còn không làm được thì phải nói rõ cho khách biết và giao hàng đúng hẹn.

Chia sẻ về chi phí sửa giày, anh Bi nói mức giá sẽ tùy thuộc vào chất liệu, loại giày, độ hư hỏng và yêu cầu của khách. Giá sửa dao động từ 120.000 đến vài triệu đồng. Những đôi giày có kiểu dáng đặc biệt hoặc hàng hiệu đắt tiền sẽ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của người thợ nên thường có chi phí sửa cao.

Thợ sửa giày đang tư vấn cho khách hàng

Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm nghề, anh Bi trầm ngâm một lúc rồi buồn rầu nói: “Cách đây vài hôm, tôi nhận sơn lại mặt đế và quai dép cho một vị khách. Không may tôi làm dính sơn lên chỉ dép, khách đến chửi và đòi tôi đền 18 triệu đồng. Mình làm công lãi được bao nhiêu đâu nên phải gắng phục hồi lại cho khách. Nhưng nhờ vậy mà tôi cũng rút kinh nghiệm, mình phải tỉ mỉ, tâm huyết mới theo được nghề lâu dài”.

Trên đường Lê Thánh Tôn, cứ cách vài chục mét sẽ có 1 tiệm sửa giày

Phố sửa giày Lê Thánh Tôn không chỉ là nơi để đôi giày cũ được “tái sinh” mà còn lưu giữ chuyện nghề, chuyện đời người và ký ức của Sài Gòn gần 1 thế kỷ qua mà không phải ai cũng biết. Giữa nhịp sống hối hả, những người thợ sửa giày thủ công cần mẫn ấy đã trở thành một nét chấm phá đầy ý nghĩa giữa chốn thị thành phồn hoa.

Theo Uyển Nhi - Du Yên (Thanh Niên)

Du lịch, GO!