(LĐO) - Núi Bân, nơi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và xuất quân thần tốc ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược năm Mậu Thân (1788).
Núi Bân hay còn có tên gọi khác là núi Ba Tầng. Ngọn núi nhỏ này là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia được công nhận vào ngày 11.1.1988, thuộc địa phận phường An Tây, TP Huế.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ hiện nay, núi Bân có độ cao 41m, nghiêng khoảng 25 độ so với mặt đất, với diện tích mặt bằng khoảng hơn 8ha. Núi Bân nằm ở phía Tây núi Ngự Bình, cách đỉnh núi khoảng 620m, cách kinh thành Phú Xuân thời Quang Trung khoảng 3,5km về phía Nam.
Ngọn núi có 3 tầng, trong đó tầng thứ nhất (dưới cùng) cao 37m, chu vi 220m, bề rộng không đều nhau ở phía Bắc 19m, phía Nam 168m, Đông Tây khoảng 12m. Tầng thứ hai cao 1,65m, chu vi 122,5m, bề rộng không đều nhau, ở phía Bắc 4,8m, phía Nam 10,3m, Đông Tây khoảng 11,5m. Tầng thứ 3 đắp thành hình nón cụt rất tròn và đều đặn, cao 1,2m, đường kính mặt bằng 18,6m và chu vi 52,7m.
Bề mặt của tầng trên cùng rất bằng phẳng, đây chính là nơi Nguyễn Huệ cho lập đàn (Đàn Nam Giao Tây Sơn) để làm lễ tế cáo trời, lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung.
Cũng tại ngọn núi này, hoàng đế Quang Trung xuất quân thần tốc ra Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược vào ngày 25.11 năm Mậu Thân (22.12.1788).
Chỉ trong một ngày đêm từ khi nhận được tin cấp báo ngày 24, thì đến ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân đã làm lễ xuất quân, nên không có công trình nào được xây dựng, mà chỉ tận dụng địa th có sẵn của núi Bân bằng cách bạt núi, xẻ đường để lập đàn tế, tiến hành đại lễ của vương triều.
Năm 2007, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án đầu tư Khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân. Đến năm 2010, tượng đài Quang Trung ở núi Bân được khánh thành, trở thành công trình quan trọng của di tích Tây Sơn tại Cố đô Huế.
Từ trên đỉnh ngọn núi nhìn ra xung quanh, có thể nhận thấy người xưa ứng dụng thuật phong thủy và nghệ thuật cảnh quan một cách tài tình để khéo chọn một vị trí được bao bọc bởi núi đồi nằm kề tiếp nhau, tạo thành một không gian bao la hoành tráng.
Di tích núi Bân và tượng đài Quang Trung Nguyễn Huệ đã trở thành một điểm đến văn hóa, lịch sử của Huế, thu hút du khách trong và ngoài nước tham quan, dâng hương.
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên tổ chức tái hiện Lễ lên ngôi của hoàng đế Quang Trung. Đây là một trong những lễ hội hoành tráng, quy mô, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Đặc biệt, ở sườn Tây của núi Bân là địa điểm an táng bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) từ năm 1901 đến 1922. Năm 1922, bà Nguyễn Thị Thanh (chị gái của Bác Hồ) đã dời hài cốt của mẹ về an táng ở quê nhà Nghệ An.
Công trình nhà bia tưởng niệm bà Hoàng Thị Loan được xây dựng năm 1990 ngay trên vị trí huyệt mộ của bà. Hiện nay, công trình nhà bia tưởng niệm được Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế tôn tạo, trở thành điểm di tích tâm linh ý nghĩa khi tưởng nhớ về người mẹ hiền của Bác.
Di tích lưu niệm địa điểm mai táng bà Hoàng Thị Loan đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2008.
Theo Phúc Đạt, Nguyễn Luân (Lao Động)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.