(NAO) - Không nên nói “no quá” hay “đã quá” khi ăn thịt rừng ở nhà thợ săn người Thái. Không vào gian bếp thờ của người Khơ mú. Không đi giày dép, mang ba lô, túi lớn vào nhà người Mông đang có trẻ sơ sinh… là những điều mà các “phượt thủ” khi khám phá miền Tây Nghệ An nên nhớ.

1. Nói “no quá” ở nhà thợ săn

Săn bắn, đánh bắt thú rừng bằng bẫy là sở thích cố hữu vẫn được duy trì ở một số huyện vùng cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… Thế nên khi đến những địa bàn này, “phượt khách” rất có thể sẽ được những người Thái hiếu khách mời dự bữa cơm có rượu cần.

Một thợ săn trong bản khi săn được con thú dù lớn như con hươu nai, hay thậm chí chỉ là con hoẵng, con chồn cũng sẽ mời khách cùng hưởng lộc rừng bên ché rượu. Theo thói quen, sau khi đã chè chén no say người ta thường nói lời cảm ơn để giã từ gia chủ bằng câu: Cảm ơn gia đình vì bữa cơm. Em cảm thấy ngon miệng nên đã chén quá no.”.

Khi nghe xong câu này, nhiều thợ săn sẽ cảm thấy không vui. Thay vào đó, khách nên nói: Thịt thú ngon nhưng chúng tôi ăn chưa no đâu. Chúc lần sau săn được con thú lớn hơn nhé.”

2. “Tọc mạch” bàn thờ người Thái

Căn nhà sàn của người Thái có kiến trúc độc đáo, mỗi gian nhà có một chức năng khác nhau. Gian bếp thường ở trong cùng chủ yếu việc bếp núc, ăn uống của phụ nữ và trẻ nhỏ, cất giữ hạt giống, cây thuốc nam.
Dulichgo
Một gian giữa là nơi có buồng ngủ của gia chủ và để đặt mâm lễ gọi vía. Các gian còn lại có thể bố trí buồng ngủ của các cặp vợ chồng, con cái trong nhà. Riêng gian ngoài cùng là nơi để bàn thờ tổ tiên.Tại nhiều nơi người ta thường đặt một chiếc giường cho khách đến nhà ngủ qua đêm. Thế nhưng khách tuyệt đối không được bén mảng đến bàn thờ của gia đình. Bởi lẽ đây là nơi linh thiêng nhất trong nhà.

Thậm chí một số nơi, người Thái không cho phép phụ nữ ngủ trong chiếc giường dành cho khách ở gian ngoài

3. Vào bếp “ma nhà” người Khơ mú

Người Khơ mú cũng ở nhà sàn như người Thái nhưng trong căn nhà của họ có 2 căn bếp. Một bếp dùng nấu nướng bình thường. Một căn bếp “ma nhà” chỉ dùng một năm một lần trong ngày cúng tổ tiên. Người Khơ mú cũng cấm người ngoài vào căn bếp này.

Kể cả con gái đã về nhà chồng cũng không được vào bếp “ma nhà” nữa. Ở Nghệ An, người Khơ mú cư trú chủ yếu ở các địa phương như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Cộng dồng này vốn dĩ là dân tộc bản địa xa xưa của miền đất này. Người Khơ mú lập bản ven triền núi với độ dốc cao và thường canh tác lúa rẫy.

Những vị khách tò mò phạm phải điều cấm kỵ này có thể sẽ bị phạt bỏ tiền mua lợn, gà là vía cho chủ nhà. Tuy nhiên tại một số nơi du khách có thể nhờ chủ nhà mở cửa để chụp hình căn bếp độc đáo này từ bên ngoài.

4. Bước vào nhà có “khọc”

Người Thái gọi lễ giải hạn là “khọc”. Lễ này do một thầy mo được chọn lựa để giải trừ tà ma và những tai ách mà một người hoặc cả gia đình đã và đang mắc phải. Trong ngày lễ này, thầy mo sẽ cúng suốt một ngày liền. Những chiếc thuyền, bè nứa được đặt trong lễ cúng với ý nghĩa để cái không may mắn xuôi theo dòng nước trôi đi.
Dulichgo
Xong lễ “khọc”, trong vòng 2 ngày liền người được làm lễ hoặc cả gia đình nếu trường hợp làm lễ cho cả nhà sẽ không được ra khỏi cổng nhà mình. Thậm chí trẻ em không được bước xuống cầu thang.

Dĩ nhiên người ngoài cũng không được phép bước chân vào nhà. Du khách khi đến nhà người Thái thấy có một tấm đan hình lưới bằng lạt nứa có cài lá cây thì hãy cẩn thẩn hỏi xem chủ nhà rằng “có kiêng hay không” trước khi bước vào nhà. Một số bản làng người Đan Lai, Khơ mú cũng có phong tục này.

Tuy nhiên theo một số thầy mo thì ngày nay, theo nếp sống mới, thầy mo thường quyết định bỏ qua tục kiêng này. Tuy nhiên chưa phải tất cả các làng bản đều đã bỏ tục kiêng sau lễ “khọc”.

5. Tựa vào cột ma nhà của người Mông

Ở Nghệ An, người Mông là cộng đồng bí ẩn trên miền núi cao các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Những làng bản quanh năm mây phủ không khí mát dịu quả là nơi chốn tránh nắng nóng tuyệt với nhất cho những khách phượt muốn “đổi gió". Thế nhưng cộng đồng Mông cũng có nhiều tục lệ đã thành truyền thống trong đó mỗi dòng họ lại có một điều kiêng kỵ riêng.

Trong gian giữa ngôi nhà người Mông có một chiếc cột, nom có vẻ không có gì đặc biệt nhưng nó lại khá “nguy hiểm” đối với những ai không hiểu về phong tục người Mông. Đó là cây cột ma nhà. Khi một người trong gia đình chết đi, linh hồn của họ sẽ nương nhờ và đó.
Dulichgo
Nếu một ai đó vô tình tựa vào chiếc cột thì ma nhà, tức những linh hồn người đã khuất sẽ bị làm kinh động. Điều này mang lại sự không may cho gia đình. Vì thế khi lỡ tựa vào cột “ma nhà” thậm chí chỉ mới chạm tay thôi mà bị gia chủ phát hiện bạn có thể bị bắt vạ bằng cách phải mua lợn, gà, hoặc bỏ tiền làm vía cho gia đình.

6. Đi giày, mang túi vào nhà có trẻ sơ sinh

Sẽ không khó nhận ra khi trong nhà người Mông có trẻ sơ sinh. Những người đàn ông vốn rất chăm chỉ sẽ không lên rẫy mà ở nhà bên vợ. Trước cửa có treo một chùm lá trừ tà ma. Dĩ nhiên khi bạn đến nhà, gia chủ có thể đặt ngay một vài chiếc ghế mây “mời khách ngồi ngoài” mà không được vào nhà.
Dulichgo
Bạn vẫn có thể xin phép vào tham quan ngôi nhà người Mông trong trường hợp đang có trẻ sơ sinh nhưng phải tuân thủ một số quy định. Thứ nhất phải bỏ lại giày ngoài nhà. Thứ 2 không được mang theo ba lô va những chiếc túi lớn vào nhà.

Người Mông quan niệm rằng giày và những chiếc túi lớn có thể chứa đựng hồn vía của sữa. Khi bạn mang túi và giày vào nhà, hồn vía của sữa có thể chui vào đó và vô tình bị bạn mang đi. Sau đó bà mẹ sẽ không có sữa cho con bú.
Nếu phạm phải điều này bạn không bị bắt vạ, nhưng là điều gia chủ không muốn.

Theo Hữu Vi (Nghệ An online)
Du lịch, GO!