(Tiếp theo) - Người Hạ ở đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện truyền khẩu rằng: Khi vua Gia Long trên đường bôn ba qua đây, thật ngẫu nhiên, khi không còn lương thực, thực phẩm thì bỗng nhiển mặt biển xuất hiện khá nhiều loại cá nhỏ, vua Gia Long cùng đoàn tùy tùng ăn thay cơm nên từ đó loại cá này được gọi là cá cơm. 
Trên bờ biển Xuân Đừng chỗ nào cũng xuất hiện nước ngọt, vua Gia Long cho là điềm lành nên mới ban sắc miễn thuế suốt đời và đặt họ cho người Hạ. Câu chuyện này vẫn còn truyền lại đến hôm nay.

"Các anh có biết chuyện vua Gia Long trên đường bôn tẩu vào đến Xuân Đừng không?", một người Đàng Hạ, ông Trần Trò, đã hỏi chúng tôi như thế. Thật bất ngờ. Câu chuyện đã được ông kể lại ...

Kỳ bí dòng nước ngọt ven biển Xuân Đừng

Chuyện vua Gia Long - Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu vào đến Xuân Đừng (nay ở bên cạnh vịnh Vân Phong, xã Vạn Thạnh, H. Vạn Ninh, Khánh Hòa) xảy ra vào thế kỷ 18. Lúc ấy, người Đàng Hạ đã chứng kiến câu chuyện và truyền lại đến nhiều đời sau.

Chuyện kể rằng, người Xuân Đừng từng chứng kiến tàn quân của Nguyễn Ánh gồm nhiều chiến thuyền trôi dạt đến Hồ Na, cách Xuân Đừng chừng 6 km thì hết lương thực. Nhiều ngày lênh đênh như thế, quân sĩ lâm vào tình trạng đói khát. Đứng trên chiến thuyền, Nguyễn Ánh ngửa mặt lên trời van vái:
Dulichgo
"Giang sơn thổ võ/ Sơn đầu hải khẩu/ Tiền hiền khai khẩn/ Hậu hiền khai cơ/ Trên bờ dưới nước/ Nhờ các chư vị tạo khiến/ Cho lương thực quân lính ăn vài ngày đến đất liền". Vừa vái xong, hai bên mạn thuyền từng đàn cá nổi lên. Những con cá nhỏ nhưng cũng nhờ đó thay cơm mà kéo dài sự sống. Có lẽ cũng từ chuyện ấy mà có tên con cá cơm đến bây giờ.

< Nhà ông Trần Trò.

Đoàn thuyền tiếp tục đi thì va phải đá ngầm. Thuyền sắp chìm. Nguyễn Ánh tiếp tục vái thì may sao, một con hải cẩu biển còn gọi là con rái chui ngay vào lổ thủng dưới đáy thuyền bịt lại không cho nước tràn vào. Nhờ vậy đoàn thuyền mới đến được Xuân Đừng.

Đoàn người của Nguyễn Ánh lên bờ tổ chức nấu ăn nhưng tìm không có nước ngọt. Nguyễn Ánh lại ngửa mặt lên trời một lần nữa. Nước từ trong bờ tuôn ra, quân sĩ chỉ cần bới một mảng cát có ngay nước ngọt. Nước ngọt ấy lưu lại đến tận bây giờ ở Xuân Đừng.

Sau khi lên ngôi năm 1802, Nguyễn Ánh lấy niên hiệu Gia Long, nhớ lại chuyện xưa đã miễn thuế suốt đời cho Xuân Đừng và đặt họ cho người Hạ. Theo đó thì đàn ông mang họ Đinh và phụ nữ thì họ Trần".

< Ông Trần Trò cho biết, ở sát mép biển nhưng chỉ cần moi cát là có nước ngọt phun ra.
Dulichgo
Khi ông Trần Trò kể đến đây, ông Trung trưởng xóm buột miệng: "Hèn chi người Đàng Hạ chỉ mang hai họ này mà thôi. Nếu như có họ khác có lẽ họ kết hôn với người Kinh nên đứa con sinh ra theo họ cha, mất đi truyền thống của người Đàng Hạ.
Hiện nay tại Xuân Đừng còn có miếu thờ vua Gia Long. Trải qua thời gian đến nay ngôi cổ miếu gần như hoang phế".

Câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng máy bơm vang lên. Nhìn sang nhà bên cạnh, một người đàn ông nước da đen, tóc quăn, mày rậm đang cầm ống tưới cây. "Cháu gọi tôi bằng cậu đó", ông Trò lên tiếng. "Mẹ nó là em gái họ của tôi ở gần đây...".

Người Đàng Hạ còn rất khổ

< Vịnh Vân Phong nhìn từ Xuân Đừng.

Bà Trần Thị Mía (85 tuổi), em ông Trần Trò, đang ngồi trên võng. Bà mang dáng dấp rất đặc trưng của người Đàng Hạ. Bà hiện đang bị bệnh nên không thể làm được việc gì, tất cả đều nhờ vào con gái. Bà Mía lấy chồng người Kinh, sinh ra được 7 người con nhưng chỉ có 1 trai. Người con trai của bà sinh sống bằng nghề đốt than nhưng đốt than giờ bị cấm nên có khi làm cả tuần khi gánh than về bị tịch thu hết.

Chúng tôi đến UBND xã Vĩnh Thạnh. Ông Võ Hữu Nghĩa, cán bộ Văn xã cho biết, người Đàng Hạ chưa được Ủy ban Dân tộc công nhận là dân tộc thiểu số vì họ không còn giữ được nét văn hóa riêng, phong tục tập quán và lễ hội riêng. Họ cũng không có ngôn ngữ riêng nên các nhà nghiên cứu rất khó tìm ra được một nét văn hóa nào đặc trưng.

< Bà Trần Thị Mía.

Theo ông Nghĩa, hiện nay tại địa phương chỉ còn anh em ông Trần Trò và bà Trần Thị Mía còn mang đậm nét Đàng Hạ. Số còn lại do kết hôn với người Kinh nên bị lai rất nhiều. Trước đây, từ 7 hộ người Đàng Hạ trên toàn xã phát triển thành vài chục hộ nhưng những hộ này lại mang 2 dòng máu nửa Kinh, nửa Đàng Hạ.
Dulichgo
Ông Nghĩa xác nhận nhà nước đã hỗ trợ cho bà con Đàng Hạ nuôi tôm, trồng điều và đưa trẻ em đến trường xóa mù chữ nhưng kết quả chưa được như ý. Có thể đây cũng là chuyện lực bất tòng tâm bởi khi dân trí còn quá thấp và nỗi lo canh cánh về cuộc sống hàng ngày đã làm cho người Đàng Hạ không màng đến mọi việc. Họ chỉ biết làm sao hôm nay có được cơm ăn, chuyện ngày mai không cần biết đến.

< Con trai duy nhất của bà Mía còn phảng phất nét đặc trưng người Đàng Hạ.

Chúng tôi rời Xuân Đừng, chia tay Vạn Thạnh, bên tai còn văng vẳng lời ông Nghĩa nói: "Đời sống của những người Đàng Hạ còn rất khổ".
Dulichgo
Ở biển bao đời nay mà người Đàng Hạ không hề biết làm lưới, đánh cá. Họ chỉ biết lên núi đá Khải Lương, Ninh Đảo chặt củi, đốt than rồi mang ra chợ đổi lấy gạo mắm, quần áo, thuốc men. Họ không có khái niệm rõ ràng về những bữa cơm gia đình: đói đâu, ăn đó; có gì, ăn nấy. Nhiều hộ gia đình ba, bốn nhân khẩu mà chỉ có vài cái quần, người ở nhà phải nhường quần cho người có việc phải đi ra ngoài.
Những tưởng đó là những câu chuyện thêu dệt nên, nào ngờ, trò chuyện cùng Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh Trương Thái Hùng, anh bảo đó là chuyện hoàn toàn có thật về đời sống người Đàng Hạ những năm trước đây.
(Hết)

Giai thoại Xuân Đừng (P1)
Giai thoại Xuân Đừng (P2)

Theo Trần Chánh Nghĩa (Vietnamnet)
Du lịch, GO!