(Tiếp theo) - Như đã hẹn qua điện thoại, một sáng giữa tháng 5.2016, chúng tôi trùng phùng nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam tại Tây Giang. Đỉnh Zi’liêng (xã A Xan), nơi có vương quốc pơmu tiếp tục là điểm đến của chuyến đi.

Theo lời mời của lãnh đạo huyện Tây Giang, lần này nhóm nghiên cứu sẽ khảo sát sự đa dạng sinh học của khu rừng pơmu. Dù trước đó từng 3 lần khảo sát hệ sinh thái ở đây, nhưng như lời các nghiên cứu viên của Viện Sinh thái học miền Nam từng nói vào 3 năm trước, còn nhiều điều khá thú vị ở khu rừng này mà họ chưa khám phá hết.

Tiến vào rừng già

Đón đoàn, ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang tay bắt mặt mừng khi gặp lại những người từng giúp huyện đo tuổi cho rừng pơmu, để hôm nay khu rừng được công nhận là quần thể Cây di sản Việt Nam. Ông Liếc thông báo một tin vui là huyện vừa mở con đường đất vào thẳng vùng lõi của rừng, không phải đi bộ như trước nữa. Cả đoàn vui mừng ra mặt. Bởi những lần trước, đoàn phải lội rừng nhiều giờ mới đến được khu vực tập kết dụng cụ và cắm trại để ăn núi ngủ rừng nghiên cứu…

Chiếc xe u-oát chở đoàn từ trung tâm huyện tiến vào vương quốc pơmu, từng mảng rừng xanh bỏ lại phía sau. Ngồi trên xe, Nguyễn Hiếu Cường (23 tuổi, thực tập sinh tại Viện Sinh thái học miền Nam) trầm trồ: “Rừng ở đây đẹp quá!”. Rồi anh chàng đem rừng Tây Giang ra so sánh với những cánh rừng khác từng đặt chân đến trên cả nước. Nơi đây không chỉ có khu rừng pơmu mà còn có quần thể sinh học khá phong phú. Chính vì thế đoàn nghiên cứu quyết đi bằng được để khảo sát, tìm những loại thực vật, động vật chưa có tên trong khoa học.
Dulichgo
Đúng 12 giờ, chúng tôi đến ngôi làng nhà sàn nằm giữa vương quốc pơmu mà huyện Tây Giang vừa mới dựng. Lãnh đạo địa phương hy vọng nơi đây sẽ trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, giúp người dân sống gắn với rừng, cũng là giải pháp để giữ rừng. Lấy máy ra đo tọa độ và độ cao, cả đoàn đang ở vị trí có độ cao hơn 1.350m so với mực nước biển. Với đoàn, đây là độ cao lý tưởng để nghiên cứu. Bởi ở độ cao này, hệ sinh thái rừng thường rất đa dạng. Ăn vội tô mì tôm, đoàn chuẩn bị dụng cụ để chiều lội vào rừng pơmu tiến hành công việc nghiên cứu, tìm loài thực vật, động vật mới.

Mọi việc chuẩn bị xong, thạc sĩ Nguyễn Quốc Đạt (38 tuổi) dẫn đầu nhóm nghiên cứu thực vật học rẽ theo một lối mòn nhỏ tiến vào vương quốc pơmu. Lối đi rộng chưa đầy nửa mét, lại phải leo dốc rất vất vả. Đang đi, gặp một thân cây pơmu đã mục ngã ven lối, cả nhóm ngồi nghỉ. Mọi người đang mải mê với những câu chuyện tiếu lâm để xua bớt mệt nhọc thì chợt nghe tiếng thét của Cường: “Có rắn”. Rồi chàng trai người miền Tây đứng phắt dậy, chỉ sau một động tác, đã thấy trên tay Cường con rắn lục núi. Mọi người trong đoàn có lẽ đã quen cảnh này, còn chúng tôi được một phen thót tim. “Đi rừng, sợ nhất là rắn độc. Vì vậy chúng tôi luôn cảnh giác, chú ý quan sát rất cẩn thận, kỹ càng” - Cường nói với một giọng của người đi rừng đầy kinh nghiệm.

Phát hiện loài thực vật mới

Đường càng trơn trợt khi cơn mưa chiều nặng hạt đổ xuống cánh rừng già. Từ những loài thực vật nhỏ sống ký sinh trên các loài cây khác đến loài cây thân to mấy người ôm không xuể, đều được các nghiên cứu viên quan sát khá kỹ lưỡng. Có nhiều loài cây đứng trơ dưới điểm vực nhô mình bung qua những loài cây khác, bắt buộc phải vạt cây dại, dây leo chằng chịt bước xuống. Nhưng rồi cả đoàn lại thất vọng khi đó là loài cây đã từng thấy ở nhiều cánh rừng khác, không có giá trị trong việc nghiên cứu.Dulichgo

Đoàn tiếp tục leo những con dốc gần như dựng đứng, chỗ bám vào cũng rất khó khăn vì lớp mùn dày. Chúng tôi đã nhiều lần đi rừng với lực lượng kiểm lâm, nhưng quả thật chưa khi nào thấy cực nhọc như đi cùng đoàn lần này. Thạc sĩ Đạt bảo rằng, theo dấu rừng xanh như mò kim đáy bể, bởi có khi đi cả ngày không có phát hiện gì mới, không gặp một loài thực vật nào ẩn chứa giá trị khoa học chưa từng công bố. Nhưng cũng có lúc đi mấy trăm mét vào rừng đã gặp ngay một loài thực vật chưa từng gặp trước đó… Bóng tối đổ nhanh. Đoàn quyết định trở về điểm tập kết.

Suốt ngày lội rừng, mồ hôi và cả máu đã đổ xuống nhưng nhóm nghiên cứu thực vật chưa phát hiện được gì. Một vài loài cây thân mềm dù mới lạ nhưng chưa đủ làm hài lòng những người ăn ngủ với rừng. Bất ngờ vào ngày thứ hai, “kỳ tích” đã xuất hiện, ngay tại một cây pơmu lớn có một cây đại thụ đổ nghiêng, nằm ở độ cao 1.200m, khi xem thì phát hiện là loài cây có hoa.

Mới đầu những người trong đoàn nghĩ đó là cây hoa trà bình thường. Nhưng khi xem xét kỹ từng chi tiết thì thấy loài hoa trà ở đây hoàn toàn khác những loài hoa trà từng nghiên cứu và công bố trước đó, với những đặc tính như: lá dẹt, hoa màu xanh, mặt dưới của cánh hoa bao phủ rất nhiều lông, lớp lông dày. “Những đặc tính chúng tôi ghi nhận cho thấy rất khác biệt với các loài hoa trà trước đây từng nghiên cứu, phát hiện. Đây là cơ sở ban đầu để tìm hiểu, ghi nhận về hình thái bên ngoài thực địa để đảm bảo thu thập đầy đủ dữ liệu và tiến hành công bố loài này vì nó chưa có tên khoa học” - thạc sĩ Đạt nói.

Người trẻ đam mê
Dulichgo
Các chuyến khảo sát rừng già của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái học miền Nam sẽ kém phần hấp dẫn nếu không có bóng dáng của những bạn trẻ, là nghiên cứu viên, thực tập sinh, sinh viên mới ra trường. Họ có cùng tình yêu dành cho rừng và muốn hiểu biết cụ thể từ rừng thay vì câu chuyện tẻ nhạt trên sách vở giảng đường. Và trong những ngày theo đoàn, chúng tôi khá ấn tượng với một anh chàng thực tập sinh da ngăm đen người miền Tây, có thân hình nhỏ thó nhưng rất siêng năng, nhanh nhạy. Đó là thực tập sinh Nguyễn Hiếu Cường (23 tuổi, quê huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), vừa tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên môi trường Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh.

Dù mới tốt nghiệp được vài tháng nhưng Cường đã có gần 40 chuyến đi thực tế vào những khu rừng già trên khắp cả nước. Thạc sĩ Nguyễn Quốc Đạt nhìn nhận, một khi đã vào rừng thì Cường bản lĩnh xử lý những sự cố khi gặp phải. Công việc chính của Cường là phụ giúp nghiên cứu viên thu hái các loài cây, phân loại, chụp hình và lưu giữ mẫu vật. Cường đã đi nhiều khu rừng già khắp cả nước. Có những chuyến đi dài ngày, có khi cả tháng trời thăm thẳm nhưng chàng trai trẻ ấy vẫn hăng say không biết mệt mỏi.

Cũng nhiệt huyết với rừng như Cường, Tô Văn Quang (27 tuổi, trú quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) là nghiên cứu viên của Viện Sinh thái học miền Nam đã được 3 năm. Văn Quang được mọi người trong viện gọi bằng biệt danh “Quang côn trùng” bởi chuyên ngành nghiên cứu côn trùng học. Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Văn Quang đã theo các nghiên cứu viên của viện vào rừng phụ thu mẫu côn trùng. Những chuyến đi đó đã tạo cho Quang niềm đam mê mãnh liệt. Quang kể, khi biết con trai theo nghề này, ba mẹ không ủng hộ. Nhưng với tình yêu rừng mãnh liệt, Quang vẫn lao theo những khu rừng già, nơi chứa đựng nhiều sự kỳ bí của tạo hóa, nơi có nhiều loại côn trùng mà mình yêu thích và muốn tìm tòi, nghiên cứu.
(Còn tiếp)

Theo dấu rừng xanh - Kỳ 1: Đo tuổi cho pơmu
Theo dấu rừng xanh - Kỳ 2: Trở lại Tây Giang
Theo dấu rừng xanh - Kỳ 3: Đêm giữa đại ngàn
Theo dấu rừng xanh - Kỳ cuối: Những đứa con của thần rừng

Theo Võ Lê, Lê Ninh (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!