Lang thang ở vùng núi Tây Bắc là một thú vui tổng hợp. Ngoài cảnh và người đẹp ngất ngây, những món ăn lạ miệng, bạn còn được nghe nhắc tới những địa danh ngộ nghĩnh nữa.

< Bản đồ tuyến Sa Pa – Tam Đường – Mường Lay.

Những âm thanh liên ba như Mã Pí Lèng, Si Ma Cai, Ma Thì Hồ, Sì Lở Lầu, Lản Nhì Thàng, Mù Căng Chải, Tả Kho Khừ, Leng Su Sìn… khiến người ta thích thú. Riêng tôi không hiểu sao lại thích và nhớ mãi cái tên Hồng Thu Mèo.
Hồng Thu Mèo là tên một con đèo nằm trên đường nối Sapa với Lai Châu đi Điện Biên, thuộc huyện Tam Đường, nay là thị xã Lai Châu của tỉnh Lai Châu mới.

< Một phần đèo Ô Quý Hồ nhìn từ Cổng Trời.

Từ Sa Pa sang Lai Châu, bạn sẽ qua đèo Ô Quý Hồ, là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam.

< Cổng Trời, xa xa là đỉnh Fansipan.

Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quý Hồ nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Một phần ba của con đèo dài 50km này thuộc Lào Cai, còn phần lớn thuộc địa phận Tam Đường, Lai Châu. Đỉnh đèo là điểm tiếp giáp của hai tỉnh.

Khởi hành từ Sa Pa, bạn sẽ qua Thác Bạc, mùa này rất ít nước, rồi qua cổng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn với điểm kiểm lâm Trạm Tôn, một trong những xuất phát điểm của tuyến chinh phục đỉnh Fansipan, khoảng vài km là đã lên đến đỉnh đèo Ô Quý Hồ ở độ cao gần 2000m. Đỉnh đèo Ô Quý Hồ giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời.

< Phụ nữ Dao Tuyển đi lấy củi với những chiếc "anten" trên đầu.

Dọc đường từ Cổng Trời sang địa phận Lai Châu, bạn thấy rất nhiều hồ nuôi cá hồi và cá tầm, những giống cá quý và khó nuôi cho món trứng cá (caviar).

Sang đến địa phận Bình Lư thuộc Lai Châu, bắt gặp những hình ảnh của một tộc người mà hướng dẫn viên gọi là người Dao Tuyển. Phụ nữ ở đây đeo món trang sức trên đầu trông nhưng những chiếc anten.

< Trẻ em Dao Tuyển đi học.

Trẻ em Dao Tuyển vùng Bình Lư ăn mặc rất đẹp, mặc dù chúng chạy biến mỗi khi bạn định giơ máy ảnh để chụp.

Qua Bình Lư đến Tam Đường, bạn chứng kiến một đô thị mới đanh hình thành trong cảnh xây dựng ngổn ngang. Qua đèo Hồng Thu Mèo và Pa So, bạn sẽ dời đường 4D đi đường 12, dọc theo con sông Nậm Na.

< Nậm Na là một nhánh của Sông Đà.

Đèo Hồng Thu Mèo không cao, độ dài của nó có hơn 15 km và dốc không nhiều. Chỉ có phía đèo bên xuống Phong Thổ (Pa So) thì dốc quanh co. Phong cảnh của Hồng Thu Mèo vào mùa xuân rất đẹp bởi rất nhiều hoa đào rừng nở hồng phía bên dãy núi tay trái bạn nếu đi từ Tam Đường sang Phong Thổ. 

Nằm giữa Hồng Thu Mèo và dãy núi bên kia là một thung lũng, đến giờ vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của nó.

Nậm Na là phụ lưu lớn nhất của Sông Đà, gặp gỡ với Sông Đà ở địa phận Mường Lay.

Trong tương lai, khá nhiều khu vực của Mường Lay sẽ nằm dưới làn nước của công trình thủy điện Sơn La. Đường 12 dọc theo sông Nậm Na thỉnh thoảng vẫn sạt lở, rất nguy hiểm cho giao thông nhất là vào mùa mưa lũ.

Theo Andy Anh (Thế giới Blog)
Du lịch, GO!

Truyền thuyết mảnh đất Hồng Thu Mèo