(BCT) - Nhắc đến du lịch miền cao nguyên đầy hoa và nắng lạnh, người ta thường nhắc đến vùng cao nguyên Lâm Viên mà điểm nhấn là Đà Lạt. Còn cao nguyên Di Linh dường như bị bỏ quên. Trong thâm tâm, chúng tôi nghĩ Di Linh chỉ là điểm dừng chân hoặc đi qua. Cho đến một ngày, bất đắc dĩ phải dừng lại, mới giật mình, sao Di Linh lại đẹp đến vậy!

Nếu nói, cao nguyên Di Linh và cao nguyên Lâm Viên là hai "chị em" cũng không ngoa. Vùng đất cao trên 100 mét này được Nhà thám hiểm-bác sĩ A. Yersin phát hiện trước hai năm rồi mới khám phá ra cao nguyên Lâm Viên. Tuy nhiên, người Pháp chọn phát triển Lâm Viên thành khu nghỉ dưỡng cho công chức, sĩ quan làm việc ở khu vực Đông Dương ngày xưa. Vì thế, "cô em" Lâm Viên từ một "cô gái miền sơn cước" theo thời gian trở thành một "thị dân" kiêu sa. Còn "cô chị" Di Linh vẫn ẩn mình trong vùng núi non ở cuối dãy Trường Sơn đầy e ấp.

Cao nguyên Di Linh bắt đầu từ chân đèo Bảo Lộc đến tận đèo Prenn, đèo D’ran bao gồm cả vùng đất rộng lớn của xứ trà B’Lao xứ Bảo Lộc, cho đến Đức Trọng rồi nối tiếp sang xứ trà Cầu Đất vùng Đơn Dương…, chứ không chỉ gói gọn trong vùng Di Linh.
Dulichgo
Nhưng chỉ dừng lại ở huyện lị Di Linh ngày nay cũng đủ hình dung được vùng đất rộng lớn này. Từ trung tâm huyện, có thể bủa đi bốn hướng theo quốc lộ 20 và quốc lộ 28, nhiều người sẽ choáng ngợp trước thiên nhiên xinh đẹp và hoang dã của cao nguyên.

Địa hình Di Linh là đồi núi trập trùng nối tiếp nhau giăng kín bốn hướng nằm cạnh các núi cao Brah-Yang (1.874 mét), núi Yang Doan (1.812 mét) và núi Pantar (1.654 mét). Lang thang vào các đồi trà, rẫy cà phê hay các bản làng, du khách sẽ nghe được những câu chuyện đời thực mang màu sắc huyền thoại. Cao nguyên Di Linh ngày trước là những khu rừng ẩm ướt đầy voi, hươu nai, hoẵng và cả tê giác. Dù thường xuyên bị xâm lấn để dành quyền đô hộ, hưởng những sản vật cống nạp quý giá từ rừng già, nhưng các tộc người bản địa vẫn bất khuất chống lại. Nhờ đó, họ vẫn giữ được đất, văn hóa của mình đến ngày nay. Những câu chuyện chống giặc và sự trù phú của cuộc sống hoang dã ngày xưa khiến những chuyến đi không thể chỉ là lướt qua hay chụp ảnh đơn thuần mà du khách phải lặn lội, ngồi lại cùng người dân ở các bản làng để nghe về vùng đất Di Linh của hàng thế kỷ trước.

Bỏ lại phố thị, chỉ với dăm phút đi xe máy, du khách đã có thể bắt đầu khám phá vẻ đẹp cao nguyên. Ở đó, không chỉ có đồi trà, rẫy cà phê mà còn có cả những thửa ruộng bậc thang tương tự vùng Tây Bắc. Dọc theo quốc lộ 28, dễ dàng bắt gặp người dân dùng máy trục, cày xới ruộng để chuẩn bị mùa vàng. Mùa này mưa đổ, những thửa ruộng bậc thang như tiếp thêm sức sống, trỗi dậy với mặt nước loang loáng. Những ngọn đồi hoang như bừng dậy sau giấc ngủ dài. Cây cối, cỏ tranh xanh mượt mà màu lá non đầy sinh khí. Những thửa ruộng nằm trên những khu đất bằng phẳng của thung lũng hẹp giữa các trái núi, ngọn đồi hay những thửa ruộng bậc thang vắt lắt lẻo trên sườn đồi, đủ "níu chân" du khách hàng giờ. Các tay phượt mê chụp ảnh ngày đêm túc trực để "bắt" những khoảnh khắc đẹp nhất của thiên nhiên và con người cao nguyên đang mùa xanh nõn. Dulichgo

Ngược về hướng Nam khoảng sáu cây số, nằm bên lề quốc lộ 20 Dầu Giây lên Đà Lạt là con thác hùng vĩ Bobla. Chỉ cách khu dân cư chừng khoảng 300 mét, thác nằm lọt thỏm giữa núi đồi, bao quanh là rừng già. Dòng nước chảy đến đây đột ngột rơi xuống từ độ cao chừng 30 mét tạo bức màn khói hư ảo che làn nước hung hãn như chực chờ nuốt chửng mọi thứ. Dòng nước qua làn khói ấy trở nên mềm mại rồi lượt là len lỏi qua những hốc đá chảy đi nhẹ nhàng về phía hạ nguồn. Lối dẫn vào thác là con đường bậc thang phủ rêu phong dài chừng một cây số, bao phủ là rừng cây mát rượi. Đó là một nơi đủ hoang dã để du khách hòa mình vào thiên nhiên, xóa tan những muộn phiền, lo âu.

Tại trung tâm huyện lỵ theo quốc lộ 28 xuôi về hướng Đông, những con đèo đẹp uốn lượn như dải lụa mềm len giữa rừng già. Đó cũng là con đường do người Pháp xây dựng cách đây hơn một thế kỷ dựa trên lối mòn của người dân bản địa. Hơn trăm năm trước, lối mòn này in dấu chân người Thượng mang những sản vật của núi rừng từ cao nguyên Di Linh xuống miền biển để đổi lấy lương thực và muối.

Họ chân trần đạp đá băng rừng trong nhiều ngày cho hành trình "con đường muối mặn"- đổi ngà voi, sáp ong, mật ong, đôi khi cả sừng tê giác chỉ để lấy muối, thứ mà họ quý hơn cả thảy, kể cả đổi lấy mạng sống của mình cho rừng già.

Con đường ấy quanh co hơn cả đèo Omega nối miền đất ngàn hoa với thành phố biển Nha Trang, là một thách thức ngoạn mục đối với người cầm lái. Bù lại, thiên nhiên nơi đây vô cùng xinh đẹp. Có những đoạn cheo leo, một phía đường là thung lũng mà xa xa là rặng núi màu xanh lam của cao nguyên Di Linh. Màu lam của núi ấy đã quyến rũ "ông Năm" Yersin từ một y sĩ trên tàu trở thành nhà thám hiểm, mở mang vùng cao nguyên hoang dại này.
Dulichgo
Men theo quốc lộ 20 theo hướng Bắc là những con thác hùng vĩ, gắn liền với ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Được "Tây hóa", vua Bảo Đại trở thành một ông vua hưởng thụ "rất Tây" - ưa săn bắt và vui thú với thiên nhiên hoang dã. Hai ngọn thác Pongour và Jráiblian ở Đức Trọng đều gắn với tên tuổi của ông. Và đó cũng là hai ngọn thác hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng của cao nguyên.

Cao nguyên Di Linh là thế - một "sơn nữ" ẩn mình nhưng đầy quyến rũ đối với những lữ khách lỡ đường, lạc lối đến lãnh địa của nàng.

Theo Miên Hạ (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!