Nhiều người vẫn nghĩ rằng điểm cực bắc của Việt Nam là cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang, vậy nhưng biên giới của chúng ta còn xa hơn nhiều. Theo tài liệu của biên phòng Việt Nam, vị trí này nằm ở trung tuyến dòng sông Nho Quế. Đến nay, chỉ có vài khách du lịch chạm tay vào vị trí thiêng liêng trên.

< Theo bản đồ vệ tinh: khoảng cách giữa điểm cực Bắc thật sự và cột cờ Lũng Cú là 3,3km còn cách mốc 428 tầm 2,2km theo đường chim bay.

Để minh định lại cực Bắc nước ta không phải là cột mốc 428 mà dân “phượt” hay chụp hình ghi dấu trên mạng hay báo chí, bác “phượt” Nguyễn Đức Thạch đã làm một hành trình gian nan và công phu để được tiệm cận nhất mốc địa lý quan trọng này.

“Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang”, miền đất địa đầu có quá nhiều điều níu chân lữ khách. Từ danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, núi đôi Cô Tiên – Quản Bạ tới đèo Mã Pí Lèng hùng vĩ bên dòng Nho Quế thẳm xanh… đều khiến lòng người ngất ngây, mê đắm. Tuy nhiên, những ai từng lên miền cao nguyên đá đều cảm thấy lòng mình mắc nợ nếu chưa đặt chân tới Lũng Cú, vùng đất cực Bắc của Tổ quốc. Leo lên đỉnh núi Rồng ở độ cao xấp xỉ 1700 m  ngắm lá cờ Tổ quốc 54m2 tung bay trong gió thực sự là một nỗi tự hào với những người con đất Việt. Dulichgo

Lũng Cú là “xã cực Bắc” của Tổ quốc nhưng điểm cực thực sự nằm ở đâu và làm sao để tới đó có lẽ vẫn còn là câu hỏi, là mơ ước của nhiều người. Cột cờ Lũng Cú hay cột mốc 428 (mốc có vĩ độ cao nhất trên tuyến biên giới Việt – Trung) đều là những điểm đến khiến lòng ta vui sướng nhưng cả hai cũng chỉ là những biểu tượng của cực Bắc mà thôi.Cực Bắc  thực sự là một điểm nằm giữa dòng Nho Quế, nơi con sông chuyển hướng từ Đông Bắc sang Đông Nam để xuôi về Đồng Văn, Mèo Vạc.

< Cột cờ Lũng Cú vẫn còn cách cực Bắc 3,3km.

Nếu hình dung phần trên của xã Lũng Cú như một tam giác thì cực Bắc chính là đỉnh của tam giác ấy còn cột cờ Lũng Cú nằm gần điểm giữa của cạnh đáy và mốc 428 nằm giữa cạnh bên trái. Đo trên bản đồ vệ tinh, từ cột cờ tới cực Bắc là 3,3 km đường chim bay và mốc 428  cũng còn cách đấy 2,2 km. Hỏi thăm bạn bè FB và tìm kiếm thông tin trên  diễn đàn www.phuot.com vẫn không tìm thấy “người đi trước”  để tham khảo ý kiến, đành tự thân vận động vậy!

Kỹ sư Phan Đức Trọng (Ninh Thuận), người từng có 18 tháng quân ngũ là nhân vật đầu tiên bị tôi dụ dỗ. Tiếp theo là Vũ Mạnh Thắng (Thái Bình), kỹ sư BC –VT  từng đạp xe xuyên Việt Hà Nội – Sài Gòn 12 ngày mà vẫn còn đủ sức khoẻ và cảm hứng để phi tiếp xuống Cà Mau, sinh viên Trần Văn Quý (Hải Phòng) là người chốt nhóm. Toàn thanh niên đẹp trai chưa vợ, thể lực dồi dào; tất cả tự tin cùng tôi “hát khúc quân hành”.

Để chinh phục cực Bắc theo đúng lịch trình, sáng 18/7/2013 bốn thầy trò rời Quản Bạ trong cơn mưa tầm tã ngày thứ 2 liên tiếp. Buổi trưa ở Yên Minh bị (được?) chị em người Tày mời rượu đến say mèm, tất cả nằm luôn tại quán tới 3 giờ chiều. Phố Bảng, Sủng Là , Sà Phìn… không dễ bỏ qua, tới được nhà nghỉ Cực Bắc dưới chân cột cờ thì trời đã tối. Một bữa ăn kém chất lượng và cốc cà phê nhạt kết thúc một ngày dài vất vả, chuẩn bị tinh thần cho một ngày mới chắc chắn còn vất vả hơn nhiều. Qua những thông tin tham khảo về Lũng Cú và một ít kinh nghiệm thực chúng tôi không đi về hướng bản Xéo Lủng - con đường quen thuộc để đi thăm các mốc từ 422 tới 428 - mà vòng  qua đường phía Đông để tránh phiền hà, nếu có ai bắt gặp thì cũng nghĩ  là khách phượt đang quay về Đồng Văn. Biết đâu ở những chỗ “nhạy cảm” này, người lạ như chúng tôi có thể bị dân quân hay bộ đội biên phòng giữ lại.

< Biên cương mây phủ...

Lên xe từ 7h trong một ngày đẹp nắng, cảnh sắc vùng biên và những góc nhìn khác nhau về cột cờ trên con đường bê tông nối từ Cẳng Tằng tới Thèn Pả lấy mất của chúng tôi đúng 60 phút. Rất nhiều ngả rẽ khác nhau của con đường mòn lầy lội khiến khách lạ lạc qua tới mé bản Tả Gia Khâu, phải nhờ tới GPS mới trở lại được “chính đạo” như dự tính. Mười lăm phút sau, hai chiến mã được gửi lại bên ruộng ngô, bốn thầy trò bám theo đường mòn của dân bản hướng về phía… cực. Dulichgo

Sau 20 phút  vượt qua con dốc nhỏ bùn dẻo ngậm đế giày, một không gian bao la mở ra trước mắt. Từ sườn núi bên này trông xuống là vực núi sâu hút không thấy dòng Nho Quế, phía bên kia cũng đồi núi trập trùng uốn lượn theo sông. Trên những bậc thang ngô thấp thoáng những sắc áo thổ cẩm mải mê với ruộng nương gợi cảm giác thanh bình, dẫu biết rằng biên cương chưa bao giờ hoàn toàn yên ổn.

Thêm một quãng đường nữa, sườn dốc có vẻ thoải và thoáng hơn, từ trên cao đã có thể nhìn thấy sông Nho Quế, cựu binh Phan Đức Trọng quyết định hạ sơn ngay từ quãng này để dễ dàng tiếp cận dòng sông. E rằng xuống tới mép sông thì quãng đường gần 2 km còn lại cũng rất khó lường, cây cối cối rậm rạp, chưa chắc đã tìm được lối đi; tới lúc ấy, có leo lên được tới đường mòn thì chắc cũng không đủ thời gian và sức lực để hoàn tất  hành trình tới cực, quyết định này lập tức bị huỷ bỏ. Chúng tôi tiếp tục đi men theo đường mòn quanh sườn núi hướng về cực Bắc, lòng chợt  vui khi gặp con mương bê tông có nhiều nhánh rẽ để đưa nước tới những đám ruộng bậc thang cuối cùng (hay đầu tiên?) của đất nước.

< Trượt xuống vách đá để gần hơn điểm cực.

9h45 phút, tới một góc thoáng, tôi nhìn thấy mép vực lở bên phía Trung Quốc. Đã từng đứng ở đầu xóm Lũng Cú  tìm đường xuống mốc hồi 2011, tôi biết từ mép vực chếch về phía Tây Nam một quãng là mốc 428, nơi sông Nho Quế bắt đầu lượn vào Việt Nam nên yêu cầu Trọng kiểm tra lại vị trí bằng GPS. Kết quả là chúng tôi đã “lệch” qua trái so với mũi đất chính diện cực Bắc chừng 200  mét. Cả nhóm vòng trở lại, lần ra phía ruộng ngô cuối cùng  và nhìn qua hướng Bắc, trông thấy một hình ảnh đã quá quen thuộc trên bản đồ vệ tinh: hai khe núi phía bên kia gặp nhau tạo thành hình chữ Y (có 2 lần như vậy) đâm thẳng xuống sông Nho Quế. Cực Bắc kia rồi, tất cả reo lên trong vui sướng! Nóng lòng muốn xuống cực nhưng tìm mãi cũng chắng thấy dấu vết một lối mòn nào, tất cả chỉ là cỏ tranh, cỏ lau um tùm chen lẫn với những chòm cây bụi. Quyết định cuối cùng của cả nhóm là cứ lao thẳng xuống bởi “trên thế gian này làm gì có đường…”.

Khoảng cách từ  đây xuống mép sông là 1.000 mét và chênh lệch độ cao 500 mét lẻ, trên thực địa nhìn dốc khủng khiếp. Sườn lồi quá dốc và lổn nhổn đất tạp lẫn đá vụn rất dễ rửa trôi nên các loài cỏ lên ngôi bá chủ, cây bụi thưa thớt, thỉnh thoảng mới có vài gốc cây cỡ bắp chân ở chỗ độ dốc cục bộ tương đối nhẹ mà thôi. Nhắm thẳng hướng khe núi, mỗi người tự vận động “theo cách của mình” để tới đích. Cài lại tay áo, sụp mũ bảo hiểm che mặt, tất cả cùng lao xuống.

< Niềm vui đến được cực Bắc.

Ở những đoạn cỏ dày và địa hình có vẻ ít nguy hiểm, các bạn đồng hành của tôi mài mông chơi trò trượt cỏ. Phần tôi, nhờ “thấp bé nhẹ cân” nên có thể áp dụng động tác quân sự cơ bản để “lăn” trên thảm cỏ bồng bềnh, lúc nào bị dây leo và cây bụi treo ngược chân lên thì ngừng lại gỡ. Rất may là không gặp phải chỗ “hàm ếch” nào, nếu không thì khó lòng tránh khói va đập. Sau gần 2 tiếng đồng hồ, bốn chúng tôi tiếp cận dòng Nho Quế lúc 11h 45 phút . Sướng như Arsimet trong giây phút “ơ – rê – ca” huyền thoại!

Trước ngày lên Lũng Cú, tôi thường mơ tưởng phút giây bốn thầy trò lội ra giữa dòng sông, hét vang nơi cực Bắc chính thức nhưng tới lúc này thì chúng tôi hiểu rằng đó là điều không thể. Bờ sông quãng này cực kỳ hiểm, đá và cây nhoài  ra sát mặt sông. Sau hai ngày mưa lớn, nhà máy điện bên Trung Quốc xả lũ nên dòng sông cuộn réo ầm ào, chưa thấy sông đã nghe tiếng nước xô ghềnh đá. Cố gắng men theo bờ đá thêm một quãng nữa về phía Đông Bắc, cả đoàn chấp nhận dừng bước. Lúc này là 11h59 phút và GPS báo toạ độ 23*23’30,3” N, 105*19’16,2” E. Vẫn còn thiếu chừng 3” nữa mới tới vĩ độ Bắc mơ ước. Nhưng thôi, tiệm cận được đến thế cũng là điều thoả mãn.

Lương khô mang ra để ổn định bao tử, chai trà xanh không độ cuối cùng giúp tất cả trôi qua một cách ngọt ngào, cả đoàn say sưa tận hưởng “phút giây chiến thắng”, dẫu chưa thật sự trọn vẹn. Đã chuẩn bị sẳn từ trước, tôi mang áo đỏ “Thạch Gia Trang” ra tặng “đồng đội”, tất cả cùng ngất ngây. Sau bữa trưa gọn nhẹ, vẫn còn có chút “ấm ức”, kỹ sư Thắng vạch cây bám đá tìm đường cải thiện vị trí, cả đoàn lại dắt díu nhau “kéo” thêm được mấy chục mét nữa. Tới đây thì gặp vách đá dựng phẳng lì, trơn trượt và gần như thẳng đứng.

< Tọa độ cuối cùng phải dừng, nơi cận kề cực Bắc nhất.

Cách chỗ chúng tôi đứng chừng 50 m là khe núi hẹp đã định vị trên bản đồ. Chếch về phía Đông một chút, nằm giữa dòng sông chính là CỰC BẮC. Chúng tôi đã NHÌN THẦY, máy ảnh đã GHI LẠI vị trí này một cách rõ ràng. Bấy lâu vẫn thường thắc mắc: vì sao chúng ta không cắm mốc để đánh dấu CỰC BẮC. Câu trả lời bây giờ là KHÔNG THỂ và cũng KHÔNG CẦN THIẾT. Nguyên tắc thuỷ lực của dòng chảy ở khúc quanh này giúp bờ sông phía Nam không bị xói lở và vách đá xám mờ sừng sững ở nơi hiểm trở này sẽ giữ cho mỏm đất biên cương được vẹn toàn.

13h14’- Phan Đức Trọng bấm GPS lần cuối cùng. Chúng tôi đã tới toạ độ 23*23’32”N, 105*19’18”E trong  khi toạ độ CỰC BẮC đo được trên bản đồ vệ tinh là 23*23’33,5”N, 105*19’22,3E . Điều đó có nghĩa là chúng tôi còn cách cực Bắc chưa đầy 100m. Thoả mãn, 99%! Dulichgo

Đi xuống với tốc độ nhiều lúc “chóng mặt” mà vẫn mất 1h45’cho 1.000m, ai nấy tự hiểu gian nan đang chờ đón trên đường về. Độ dốc lớn, tầm nhìn hạn chế, không kểm soát được địa hình, khả năng hỗ trợ  gần bằng không, mọi người dặn dò nhau cẩn thận và nỗ lực tối đa để có thể lên tới đường mòn trước khi trời tắt nắng. Sau hai ngày mưa, hôm nay trời nắng gắt và không một ngọn gió, mọi thứ nhanh chóng “bốc hơi”. Chỉ mới lên được hơn 100m độ cao thì cả bốn đều thở dốc.

Tìm một chỗ để nghỉ chân, mồ hôi vã ra không phải như tắm mà là “như gội đầu”, mặt mũi ai cũng bơ phờ, hốc hác như vừa qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Chưa tới độ cao 700m, ba chai nước đã cạn sạch, cả nhóm bắt đầu rơi vào tình trạng “hành xác” và liên tục phải đối mặt với sự cố. Đầu tiên là  Thắng bị say nắng, mất hơn 20 phút mới hồi tỉnh để tiếp tục hành trình. Tiếp đấy là Quý bị đá lăn sượt qua vai trong gang tấc.

< Đuối đến những tưởng đã không về được.

Phần tôi, sau khi cố leo qua một vách đá nhỏ thì bị chuột rút cả tay phải lẫn chân trái, mất gần nửa giờ với tất cả nỗ lực để leo lên thì rơi vào tình trạng cạn kiệt năng lượng, không thể lê bước. Nếu biết trước sẽ rơi vào tình trạng này, có lẽ tôi đành hài lòng với cột cờ, tự hào với cột mốc và để CỰC BẮC trong tâm tưởng chứ chẳng dám “dại dột” kéo mấy chàng trai trẻ vào cuộc phiêu lưu.

Có gì đó gần như là một nỗi ân hận và cả sự xấu hổ khi mình trở thành gánh nặng cho bạn đồng hành. Giao cả ba lô lẫn mũ bào hiểm cho Trọng mang dùm, tôi chống gậy lần từng bước mà không lúc nào vượt nổi 10 mét cho mỗi chặng, dù dù đoạn dốc khó khăn nhất đã bỏ lại phía sau. Dulichgo

Cựu binh Trọng “lệnh” cho Thắng và Quý về trước lấy xe vòng qua xóm Xéo Lủng chờ hai thầy trò còn Trọng sẽ hỗ trợ tôi leo lên tới độ cao 1.000m, nơi bắt đầu có ruộng bậc thang để tìm nước uống, đợi phục hồi sẽ “lết” về. Tôi bảo Trọng cứ lên trước, tìm nước uống xong thì quay lại hỗ trợ nhưng cậu ta không đồng ý, sợ rằng tôi có thể gặp bất trắc trong quãng thời gian ấy. May mắn thay, đến độ cao hơn 900 m thì gặp khe nước nhỏ chảy tràn từ ruộng bậc thang xuống và Thắng đang đợi chúng tôi ở đó còn Quý đã mang đôi kính 3,5 độ của Thắng chạy về trước nhờ người cứu hộ. Lúc này đã là 19h5’, thầy trò mừng như vừa được hồi sinh. Tính ra, tôi đã mất hơn 3 giờ để lên cao được hơn 200m kể từ khi bị chuột rút - một kỷ lục buồn!

< Hồi sinh khi đêm đã sập xuống.

Sau 10 phút uống nước và nghỉ ngơi, tôi bắt đầu phục hồi sức lực thì cơ thể của Trọng lại “đình công”, chuột rút đơ hết cả người. Từ đó tới lúc lên đến đường tuần tra, ba lần phải kéo chân , bẻ khớp. Đúng 21 giờ, ba người gặp Quý và cậu Pó chạy xe xuống đón. “Ngựa người – người ngựa”, hai thanh niên lại ì ạch đấy xe lên dốc, gần 30 phút sau mới tới bản Xéo Lủng.

Lên nhà Pó “giao lưu”, bắn điếu thuốc lào đầu tiên trong ngày, khó mà nói hết khoái cảm của tôi lúc ấy. Tặng gia đình cậu chút “quà miền Nam” để sẵn trong cốp xe, gửi anh em cậu 200k để mua sách vở cho năm học mới, bốn thầy trò từ biệt gia đình người Mông tốt bụng để về lại nhà nghỉ Cực Bắc dưới chân cột cờ. Đúng 21h 45’ cựu chiến binh Phan Đức Trọng được phép quăng xe, tự do nằm lăn ra đất. Lúc này, chẳng còn ai phải băn khoăn “hạnh phúc là gì?”.

Theo Nguyễn Đức Thạch (Thế Giới Số)
Du lịch, GO!

Chuyến đi và điểm đến độc đáo này cơi dậy thêm nhiều thứ ta muốn biết thêm, đáng tiếc là quá ít hình ảnh, bạn nghĩ đúng không? Vậy thì trong bài sau: chuyến đi của 4 thành viên phượt đến điểm 'Cực Bắc' thật sự sẽ giúp bạn thấy rõ nơi ấy là thế nào. Bạn chờ xem nhé!

Đi tìm cực Bắc thật sự - P1
Chinh phục cực bắc thực sự - P2