(Tiếp theo) - Khi so sánh về sự tiến bộ, văn minh của những đô thị nằm trên triền cao nguyên miền Trung, thời bao cấp một nhóm bạn chúng tôi hay lấy Ban Mê Thuột và Pleiku để “đọ”, kết quả của sự “đọ” đó bao giờ cũng… 50/50 cho cả hai. Bấy giờ, là thị xã nhưng thực ra cho dù cả hai đô thị này có tuổi đời nhiều chục năm chăng nữa nó vẫn còn nghèo nàn, hoang sơ, thậm chí có những con phố, con đường nhếch nhác, bất cập trong nhiều nghĩa.

Những con đường…

Chưa thật sự xứng với tên gọi một con lộ quốc gia nối dài từ các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên đến cả vùng trọng điểm kinh tế, văn hóa, xã hội phía Nam rồi dẫn đến thành phố với một thị trường sôi động vào hạng nhất Việt Nam-TP. Hồ Chí Minh, đi qua xứ Ban-quốc lộ 14, nhưng dù sao vẫn là con đường khá tốt.

Nhiều đoạn từ Gia Lai đi Ban Mê, nếu chẳng có sự cản trở nào của chính từ phía chủ quan của con người thì các bác tài xế cũng có thể vi vu lên đến cả trăm cây số một giờ với những chiếc xe đang sở hữu. Các “cửa ngõ” vào Ban Mê và những con đường nội ô cũng thế-những con đường thật đẹp. Nếu vẫn coi chuyện so sánh không là khập khiễng thì “hai người anh em” Phố núi Pleiku và Ban Mê vẫn có thể một chín một mười về chuyện những con đường của phố. Dulichgo

Vui thay khi mà đã khá lâu tôi mới lại có dịp “mục sở thị” “thủ phủ” của xứ cà phê này. Về đêm, vào những ngày đầu tháng Ba lịch sử, những con đường dọc ngang trong thành phố quả như lời một đồng nghiệp lâu năm ở đây đã từng kể với tôi… “một Ban Mê về đêm đầy chất thơ và nhạc, lãng mạn đến nao lòng lữ khách…”. Xanh, sáng, sạch và trật tự là ấn tượng ban đầu mà tôi ghi nhận từ những đường phố Ban Mê. Bắt đầu là nơi được coi như trung tâm của thành phố- Ngã sáu. Bây giờ ở đấy là một trong những địa chỉ có thể nói không một du khách nào đặt chân tới Ban Mê lại chẳng tìm đến.

Thế nhưng có lúc người ta bảo với tôi, hồi trước và sau những ngày đầu giải phóng năm 1975, Ngã sáu chỉ là một cái bùng binh theo đúng nghĩa của nó mà người miền Trung quê tôi hay dùng. Nhớ lại Pleiku của tôi cùng thời, Ngã ba Diệp Kính cũng có cái bùng binh, nó cũng được coi là trung tâm của nơi mà “Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông” vô cùng thơ mộng, là niềm tự hào của người Phố núi, nhưng khi ấy những con đường nối chúng lại thành ngã ba còn chưa được “những con đường” cho lắm. Trở lại Ngã sáu Ban Mê… dĩ nhiên là nơi tỏa ra sáu hướng với những con đường bắt đầu từ đây. Nếu xuôi thì Nơ Trang Lơng, còn ngược là Phan Chu Trinh, xuyên suốt hướng Bắc Nam là đại lộ Nguyễn Tất Thành.

Ngã sáu Ban Mê còn biết đến như là một chứng tích ghi lại trận chiến đấu đầu tiên mở đầu cho công cuộc giải phóng Tây Nguyên 10-3-1975 và sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh với những trận tấn công như vũ bão vào chính quyền Sài Gòn để giải phóng hoàn toàn miền Nam của quân và dân ta, điều này có lẽ chẳng một người Việt Nam nào không tường tận.

Và làng của phố

Nằm ở bình độ trên dưới 500 mét so mặt nước biển, cao nguyên Đak Lak trải rộng trên vùng đất của “anh chàng” A Ma Y Thuột, từ xưa và có thể nói cho tới ngày nay Ban Mê như là một đầu mối của cả vùng, là trung tâm của Tây Nguyên; theo những con đường 14 và 26 nối Bắc vào Nam và Tây xuống Đông, tạo cho Ban Mê đương nhiên thành một trọng điểm kinh tế-xã hội của cả vùng. Người Ban Mê thật tự hào về điều đó, có đồng nghiệp tôi đã từng viết: “Từ ngàn xưa, vùng đất Tây Nguyên đã là cái nôi của nhiều nhóm sắc tộc thiểu số, như: Jrai, Bahnar, Ê-đê, Giẻ, Raglai, Sê-đăng, Xtiêng, Mạ, Brâu, Churu, Mnông...

Nhắc đến Buôn Ma Thuột, người ta sẽ nghĩ ngay đến những bản trường ca hào hùng, đến những lễ hội còn ít nhiều nét lạ thường, đến những ngôi nhà sàn, những bức tượng, những lán nhà mồ, nhưng đặc biệt là nghĩ đến nhạc cồng chiêng với một không gian văn hóa (cùng với cả Tây Nguyên) đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa của nhân loại”.

Chiều của một ngày thượng tuần tháng Ba, cái nắng vẫn còn Xuân tạo ra màu vàng nhạt xiên qua những vòm lá ken dày trên những con phố đẹp, hai đồng nghiệp Lan Anh và Đỗ Lan lại đưa chúng tôi qua mấy lần rẽ của những con đường rợp mát đến với làng, “làng trong phố đấy ạ”- Lan Anh bảo với tôi là vậy khi chỉ tay về phía trước, nhưng có lẽ phải định hình lại tầm nhìn mới có thể rạch ròi đâu là làng, đâu là phố cho dù anh lái xe đã dừng hẳn, khẳng định “làng chính đây rồi”. Các đồng nghiệp nơi đây quả là những người biết khá rõ về chuyện làng chuyện phố, nhưng tôi lại không muốn nghe “điệp khúc” về “sơ yếu lý lịch” của nó. Tự mình cảm nhận về những gì đã có lần… cảm nhận. Một thành phố đã xếp vào hàng loại Một trực thuộc một tỉnh lớn vào bậc nhất vùng mà có thể còn có những làng trong phố thật sao.

Tôi không muốn nói về những ngôi nhà dài vẫn cứ tồn tại có thể cả trăm năm cùng sự phát triển của những căn hộ được xây dựng theo một lối kiến trúc dường như là cái để minh họa cho làng- Làng của A Ma Y Thuột xưa, mà điều tôi ngẫm nghĩ lại là chuyện của xứ mình. Một Pleiku-cũng là làng xưa đấy thôi. Nhưng có còn chút gì của… xưa và có thể nói là cả hôm nay, như “làng trong phố” đang hiện hữu trước mắt tôi? Lại theo con đường của cái làng được coi là “đặc biệt” trong phố, có lịch sử lâu đời, được quy hoạch rất đẹp và đặc biệt hơn là còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống, dấu ấn đậm nét Malayo (Nam Đảo) thể hiện qua các kiến trúc nhà dài “xếp” dọc hai bên trục lộ, những hàng cây thấp lẫn với nó là nhiều loài hoa, có tên và không tên nhưng sắc màu thì không lẫn vào đâu được, bởi chúng là hoa của… làng, chúng tôi chẳng mấy chốc đã bắt gặp một dòng suối nhỏ, trong veo, không nhận ra đó có thể lại là một nơi mà người sở tại đang khai thác kiếm tiền từ nghề tiểu-công-nghiệp “không khói”. Dulichgo

Mấy chiếc cầu bắc qua những cái hồ nho nhỏ đơn sơ đến nỗi còn “thảm” hơn cầu của làng ở quê tôi. Từ xa đã nghe thấy tiếng guitar với những giọng ca mà tôi nghĩ cũng chính là giọng của… người làng với những ca từ quen thuộc thân thương đến độ tôi không thể không nhẩm theo-nào là “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ đường ra trận mùa này đẹp lắm/ trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…, cho đến “Nghe câu quan họ trên cao nguyên/ nhớ con sông Cầu dập dềnh trước mặt/ gặp em đây lòng anh muốn tỏ/ nắng trên đồi như thật như mơ/ mùa cà phê hương ngát đợi chờ…”. Lời ca ấy cứ như níu tôi lại gần với các bạn trai trẻ đang quây quần trên một căn nhà sàn đơn sơ mái lá, chẳng vách, chẳng ghế chẳng bàn.

Trả lời câu hỏi hơi bị… hớ của tôi, đồng nghiệp Lan Anh bảo đêm xuống nơi này mới đông vui đấy ạ. Hai đồng nghiệp-hướng-dẫn-viên du lịch xứ Ban trẻ trung xinh đẹp hết tung tăng cùng những chàng trai là thành viên trong đoàn của khách bên những chiếc cầu, bờ ao với những gốc si già quanh những cái nhà sàn mái lá, rồi cùng túm tụm lại chụp ảnh chung với những cách làm… kiểu trong không gian làng vào lúc giao thời của ngày và đêm của làng và phố như thế nên người già như tôi cũng thấy vui lây.

Ra khỏi “làng” những con đường của phố Ban Mê đã đỏ đèn, những trụ đèn với những cái lộc bình khổng lồ làm đế mà với ý tưởng của người làm ra nó chắc là mong cho muôn đời người người nơi đây được an bình hưởng lộc- một ý nghĩ vụt qua như thế làm người viết bài này thấy hạnh phúc tràn theo…

Buôn Ma Thuột (Ban Mê Thuột) năm 1975 còn là một thị xã miền núi bé nhỏ, nghèo nàn với vài con đường nhựa quanh Ngã sáu trung tâm, công nghiệp hầu như không có gì. Nay, Buôn Ma Thuột đã trở thành thành phố năng động và phát triển nhanh nhất Tây Nguyên, năm 2010 trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là một điểm mốc lịch sử quan trọng để thành phố tiếp tục phấn đấu, phát triển thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương vào năm 2015 theo tinh thần kết luận 60 của Bộ Chính trị. Hiện nay, Buôn Ma Thuột được Chính phủ công nhận là thành phố có quy hoạch tốt nhất Việt Nam.

Cùng với thành phố Bắc Ninh, Đà Lạt, Hòa Bình, Huế, Thái Nguyên, Sơn La, Vinh, Việt Trì, Hà Nội, Buôn Ma Thuột đã được chọn là 10 đô thị sạch trên cả nước.

Theo Bích Hà (Báo Gia Lai)

Còn tiếp
Bài 1 - Bài 2 - Bài 3 - Bài 4

Du lịch, GO!