Tà Đùng thuộc hệ sinh thái núi cao, là một trong bốn đỉnh cao của Tây Nguyên (1982 m) trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng với diện tích hơn 26.000 ha. Vài năm gần đây, khi Thủy điện Đồng Nai 3 tích nước thì Tà Đùng có thêm hồ nước nhân tạo rộng mênh mông, trên đó có tới 36 hòn đảo lớn nhỏ. Trong lòng hồ có nhiều thủy sản và từ đó đã và đang hình thành một nghề sản xuất mới: đánh bắt thủy sản. Dưới chân núi Tà Đùng, bên hồ Thủy điện Đồng Nai 3, là những bon làng người Mạ, người Kinh, người Mông sinh sống, lưu giữ nhiều sinh hoạt văn hóa đặc sắc và phong phú.

Như một mặt gương xanh biếc nổi lên giữa núi rừng Tây Nguyên hoang vu, hồ Tà Đùng đã khiến biết bao du khách mê mẩn và đặt biệt danh là “vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”.

Hồ Tà Đùng vốn là một vùng thung lũng bên núi Tà Đùng, có con sông Đạ Dưng chảy qua. Các dự án thủy điện đã biến thung lũng bên núi này trở thành hồ nước rộng mênh mông mà có lẽ những người quy hoạch dự án cũng không ngờ về vẻ đẹp mà hồ Tà Đùng mang đến cho cảnh quan Đắk Nông. Dulichgo

Vịnh Hạ Long giữa Tây nguyên

Tìm hiểu thông tin trên mạng, chúng tôi biết rằng hồ Tà Đùng đẹp nhất vào mùa tích nước, khoảng từ tháng 8 và kéo dài đến tháng 12. Khi đó, nước hồ dâng cao, trong xanh và những cơn mưa cũng khiến cây cối trên các hòn đảo nhỏ trở nên xanh mướt. Đã gần đến thời điểm “vàng” đó nên chúng tôi rủ nhau đi sớm.

Có hai đường đến hồ Tà Đùng là hướng qua huyện Di Linh, Lâm Đồng và hướng ngược lại từ thị trấn Quảng Khê, Đắk Nông. Từ thị trấn Di Linh, chúng tôi đi theo quốc lộ 28 đến bến thuyền ở xã Đinh Trang Thượng. Tại đây, chúng tôi thuê thuyền để qua phía bên kia hồ. Thuyền rẽ sóng trên mặt nước hồ xanh ngắt, lượn quanh những hòn đảo đem đến cảm giác như đang ở vịnh Hạ Long. Mọi cảm xúc của chúng tôi vỡ òa khi thuyền lướt giữa đại ngàn Tây Nguyên. Bỗng nhiên tôi nhớ đến bài hát Hồ trên núi, quả thật chỉ có ở những hồ lớn trên núi mới có những cảnh đẹp kết hợp giữa mây trời, núi rừng và mặt hồ xanh trong veo như thế này.

Rực rỡ bản H'Mông

Hành trình khá lâu nên chúng tôi dừng chân ở nhà người dân sống trên đảo giữa hồ và được chiêu đãi một bữa trưa thịnh soạn với cá đánh bắt từ hồ ăn với rau rừng. Sau bữa trưa ngon lành trên đảo, chúng tôi đi tiếp đến bờ bên kia hồ để đến địa phận tỉnh Đắk Nông.

Từ hồ Tà Đùng đi thêm một đoạn ngắn nữa, chúng tôi đến thị trấn Quảng Khê. Sau khi tìm thuê phòng nghỉ ở một khách sạn trong thị trấn, chúng tôi tiếp tục lên đường vào thăm khu tái định cư của người H’Mông. Trên đường vào bản, những chiếc váy thổ cẩm rực rỡ phơi dài dưới nắng như đang vẫy chào chúng tôi. Các em bé đi học trên con đường đất đỏ, ríu rít trò chuyện như đàn chim non. Người H’Mông ở đây hiền lành, hiếu khách, không bị “thương mại hóa” như ở một số điểm du lịch nổi tiếng khác. Khi chúng tôi xin phép chụp ảnh, từ các cụ già đến các em bé đều hưởng ứng rất nhiệt tình và vui vẻ. Dulichgo

Đáng tiếc nhất trong chuyến thăm bản H’Mông với chúng tôi là việc không thể ghé nhà người dân để ăn tối cùng gia đình họ theo lời mời. Vì ngại phải về Quảng Khê trong đêm nên chúng tôi đành từ chối trong nuối tiếc và đã không thể có thêm một trải nghiệm thú vị.

Phố núi Quảng Khê là một thị trấn tỉnh lẻ điển hình nên khá vắng vẻ, bù lại món ăn và cà-phê ở đây rất ngon miệng. Thị trấn nhỏ này hiện nay vẫn chưa bị cơn lốc làm du lịch kéo qua, hy vọng là sau này nó vẫn giữ được sự yên bình và hiếu khách đang có.

Mách bạn

Nếu thích dã ngoại, bạn có thể cắm trại ở trên đảo giữa hồ Tà Đùng nhưng phải tự chuẩn bị lều vì chưa có dịch vụ cho thuê lều ở đây. Khi trò chuyện với người H’Mông, gọi họ là “đồng bào” sẽ tạo cảm giác gần gũi và thân thiện hơn.

Theo Nam Nguyễn, Hải An (Thế Giới Văn Hóa)
Du lịch, GO!