(Tiếp theo) - Sáu giờ chiều, trước mặt tôi là Apachải, là bản cực Tây của Tổ quốc, của giống nòi tự do, nơi một con gà gáy ba nước nghe tiếng. Tôi dựa lưng vào vách núi ngắm nhìn ước mơ nhỏ từ thời cấp 3 của mình, nhận thấy đã hoàn toàn kiệt sức. Chấn thuỷ rất đau vì gan phải làm việc liên tục, uống rượu quá nhiều, không đêm nào dám ngủ đẫy giấc, không đỉnh đèo nào dám ngồi nghỉ quá lâu. Chuyến đi dài mà dân trong làng báo vẫn gọi là “conscience tour – chuyến đi của lương tâm” đã tới được nơi cần đến.

Còn có nơi nào xa xôi hơn Apachải? Một bát muối mang lên được đến đây giá 12.000đ, gia đình nào trong bản có người tật bệnh mà quân y đồn 405 không cứu nổi, có nghĩa là chết. Dân Apachải trồng được lúa, nuôi được trâu, rau trồng ra để cho già chết đi mà không bán đi đâu được, không làm sao giàu có nổi.

Năm 1982, thấy dân cõng một tấn lúa nhọc nhằn ra được đến huyện đổi muối, đổi dầu không bằng xách một cân thuốc phiện, một số vị lãnh đạo đã xót ruột, cho trồng thuốc phiện. Chỉ một mùa rẫy, hoa anh túc nở bạt ngàn trên các sườn đồi. Đó là thảm hoạ đến nay còn đeo đẳng. Có người hút mười lăm, hai mươi năm, nằm bẹp trong nhà, ôi thiu quần áo, chưa bao giờ sờ tay đến cái cày, cái cuốc. Có người bỏ sang Lào đi ở để được hút cho thoải mái, 6 tháng trời mà hút hết 38 lạng.

Đầu năm, trạm biên phòng đi một buổi chiều thu được 70 bàn đèn thuốc phiện. Đến từng nhà vận động đi cai thì dân oán. Nghiện nặng nhất bản là vợ chồng Vàng Lá Lụ – Pờ Xà Mé – mà người mẹ của 8 đứa con này thời thiếu nữ đi cắt cỏ gianh còn vật ngã được cả thanh niên, nay tàn tạ như con ma rừng. Bộ đội khuyên can gẫy lưỡi cũng không chịu. Giờ đã đỡ hơn nhiều, cha đã về với con, chồng đã về với vợ, đi đâu cũng tươi tỉnh hát hò, gặp bộ đội ở đâu là chào hỏi.

Sống vắt vẻo trên những sườn non cao như người Mông, nhưng người Hà Nhì luôn quần cư ở những nơi thuận tiện với phương thức canh tác của mình. Đồng bào ở nhà đất có tường trình chắc chắn dày 30-40cm chống sương gió lạnh. Nhà ở vùng Y Tí, A Lú (Bát Xát – Lào Cai) tường cao đến 3-4m, mái dốc, ngắn, không hiên và chỉ có một cửa ra vào. Bên trong lại dựng thêm một lần tường có tác dụng phòng thủ và hỗ trợ chống rét. Lớp tường ngoài và tường trong cách nhau chừng 1m50, tạo nên khoảng trống gọi là hiên trong. Ở bức tường thứ hai mở một hoặc hai cửa để vào nhà. Hai gian ở hai đầu được ngăn thành hai buồng riêng cho vợ chồng chủ gia đình và con cái. Khoảng 1/3 chiều rộng của hai gian giữa là phần đất, còn lại được dựng thành sàn.

Phần đất có bếp lò nấu cơm, cám lợn, có chạn bát. Phần sàn là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi ngủ của con gái, khách đến chơi nhà. Trên sàn có bếp lửa cháy suốt ngày đêm. Nhà người Hà Nhì ở ngã ba biên giới lại có tường và mái thấp hơn với hàng hiên phía trước, nhà chỉ có một tường, thường chia ba gian, độ rộng dài tuỳ theo sức người, sức của. Rất nhiều kiểu nhà được xây dựng ở Apachải với vật liệu, kiến trúc khác nhau mà tôi chưa từng gặp trong suốt dải hành trình. Có nhà dựng hai lầu, lầu trên mở cửa bốn hướng, lại là nơi sinh hoạt chính của cả gia đình được dựng bởi thợ xây từ bên kia biên giới sang làm giúp – kiểu kiến trúc giao thoa của rất nhiều dân tộc anh em chỉ có ở bản cực Tây của Tổ quốc này.

40 giờ ở Apachải đủ để tôi tìm thấy vóc dáng can trường và tình nghĩa người ngã ba biên giới. Chủ tịch xã Pờ Dần Sinh vai đeo đài pin đưa tôi đi thăm thú khắp nơi. Anh có một thân hình hoàn hảo làm người ta kinh ngạc và một ước mơ cũng làm người ta không quên được: “Một ngày nào đó, mảnh đất này sẽ là... thành phố Apachải”. Nhưng trước hết Pờ Dần Sinh mong mỏi một con đường để người ngựa có thể chở lúa, dắt trâu đi lại suốt ngày đêm.

Ở Apachải không ai không biết đến “hai con hổ xám” của một thời: Pờ Xí Tài và Tô Minh Điến. Pờ Xí Tài cao tới gần mét tám, ngày còn trai trẻ sức vật trâu ngã, một mình một súng trận, một ngựa chiến suốt 10 năm rong ruổi, ngủ tai phải thức tai trái tiễu phỉ, gọi hàng. Tô Minh Điến là trưởng đồn biên phòng, sống 26 năm với bà con Apachải. Tôi vào thăm Pờ Xí Tài. Huyền thoại một thời bây giờ ngồi suốt ngày trên ghế mây giữa nhà, vì bệnh tật. Năm ngoái Pờ Xí Tài tự mình đi đánh bẫy gấu lớn, mổ ngay lấy mật nuốt sống mà bệnh cũng không đỡ được là bao.

Thích nhất là nghe Pờ Xí Tài kể chuyện các chuyến săn. Có chuyến đi rình hổ dữ thì gặp nó đang rình lại mình trong rừng sạt. Con hổ dữ gầm lớn rồi quật đuôi chồm tới. Pờ Xí Tài giật bắn mình ngã ngửa ra sau, theo phản xạ thả bừa một loạt liên thanh. Con hổ thành tinh khiến dân Apachải phải đi sơ tán đổ vật xuống người Pờ Xí Tài như một cây gỗ nặng. Hôm tôi đến, hổ dữ lại về Apachải, người ta thấy vết chân nó ngang ngược dẫm cả vào những lối mòn xung quanh bản. Tôi theo dõi Pờ Xí Tài lồng lộn khi nghe tin báo có tiếng gầm của hổ chỉ cách bản một giờ đường, vào buồng lôi cây súng của ông chỉ dành riêng để bắn thám báo và ác thú, vuốt ve mãi cái nòng thép xanh biếc có lỗ toả nhiệt mà thở dài bất lực.

Không ai bảo vệ nổi người Apachải trước thiên nhiên hoang dại, ngoại trừ chính họ. Còn Tô Minh Điến là một quân nhân quê ở Thái Bình, biệt kích từng treo giải rất hậu cho ai chặt được đầu ông. Tô Minh Điến ra quân từ năm 1988, suốt từ đó đến nay không quay trở lại. Người ở đây nghe tin dữ rằng, Tô Minh Điến ở quê thấy côn đồ hành hung hàng xóm bước ra can, bị dao xuyên qua người thiệt mạng. Cả Apachải làm ma cho Tô Minh Điến. Có nhà báo lên đây họ mừng lắm.

Trong cuộc rượu uống với thịt nai tươi vừa bắn được khi chiều, già Chang Vang Sinh, chú Sừng Khai nhờ tôi về xuôi hỏi lại tin của Tô Minh Điến. Nếu gặp được ông thì nhắn là già Sừng Là Vù đã mất rồi, gửi lời bà con mời ông lên chơi, lên say. Người ta không tin một người như Tô Minh Điến lại có thể sớm qua đời như vậy được.

Chiến tranh đã lùi xa, Pờ Xí Tài và Tô Minh Điến, hai hảo hán huyền thoại của ngã ba biên giới đang dần đi vào ký ức. Bây giờ, ai giàu có, ai học hành nên người ở Apachải sẽ là những huyền thoại mới. Nhưng biết đến bao giờ mới có, khi những đứa trẻ Apachải quần áo không có mà mặc, muối không có mà ăn, suốt ngày nô đùa trong phân trâu, bò tù đọng?

Tôi ở hai đêm với những người lính trấn giữ cửa khẩu quốc gia Apachải, những người ba, bốn năm trời không thấy một bóng phụ nữ mặc quần hai ống; những người nghỉ phép một tháng mà không dám về quê vì đường dài đi không kịp. Không có sức mà chuyển lương, tám người lính Apachải phải tự đục đẽo cày bừa làm tất tật để nuôi mình. Apachải là nơi những lá thư nhà hai tháng mới gửi lên được đến nơi, có người vợ giận chồng: “Mẹ đang ốm, con đang ốm, em trăm lần xin anh, ngàn lần xin anh mau gửi tiền về cho mẹ, cho con”. Không có người về từ Apachải thì xót lòng bao nhiêu cũng đành phải chịu.

Chia tay, có đêm mất ngủ ở Apachải của những người lính nhớ nhà, có rượu mật ong, cao sơn dương, hổ cốt, rượu lục phủ ngũ tạng hổ bà con mời uống để tôi đủ sức trở về. Già Chang Vang Sinh gọi tôi qua nhà bảo: “Con à, ata đặt cho con một cái tên để ở trên này bà con dễ gọi. Chang là họ của ata, Hừ Giá là to, là nhanh nhẹn. Ata đặt cho con tên này để về sau con còn về uống rượu với ata. Có trở lại không con?”. Tôi cúi đầu. Từ xưa đến nay, người đã ra đi chưa ai một lần quay lại Apachải. Còn tôi, lời thề khi đi lạc rừng vừa đói vừa khát ở Ma Ký – đến bằng được để không bao giờ quay lại Apachải – bây giờ tan thành nước.

Tôi đã là người Hà Nhì, là con của ngã ba biên giới. Có thể hàng chục năm nữa, một khách lữ thứ ghé thăm Apachải, sẽ vẫn được nghe những câu hỏi ngây thơ đau xé ruột gan: “Từ đây về Hà Nội có xa đến một tỉ cây số không con? Có phải người Liên Xô biết bay cả rồi phải không cán bộ?”. Nhưng anh ta có thể sẽ được nghe kể thêm về một nhà báo đã một mình lặn lội lên đây, đã được là máu thịt của Apachải. Người ấy tên là Chang Hừ Giá. Người ấy không làm được gì cho những cuộc đời tăm tối và ngay cả những dòng chữ như chắt từ nỗi xót đau của người ấy cũng không biết bao giờ mới đến được với Apachải. Với người ấy, một lần nữa quay lại với Gò Cứ, Sen Thượng, Tả Long San, Lỳ Mà Tá, Apachải... không còn là “conscience tour”, mà chỉ giản đơn hai chữ:
Trở về.

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3

Theo Việt Thường (Phần cuối - Chuyển thể từ ghi chép Một mình vào ngã ba biên giới của tác giả Việt Thường)
Du lịch, GO!