(ATC) - Dân gian xưa có câu “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” với mong muốn xua đi những điều xui xẻo của năm cũ và cầu mong may mắn, mặn mà cho một năm mới đang tới. Cũng vì lẽ đó mà chúng tôi, những kẻ ham mê trekking (đi bộ đường dài và leo núi) đã chọn núi Muối thuộc dãy Bạch Mộc Lương Tử cho chuyến đi chào đón năm 2014 của mình.

< Cả không gian trên dãy Bạch Mộc Lương Tử chỉ toàn mây là mây.

Đây là một chuyến đi không thực sự dễ dàng, cả về thời điểm và cung đường. Cũng chỉ cách đây không lâu, sau chặng đường vất vả lên Phu Ta Leng chúng tôi đã nhìn thấy được đỉnh Bạch Mộc này, nhưng những ngày cuối cùng của năm 2013 mới lên đường được.

Tìm đường

Trong các đỉnh núi cao trên 2.500m ở Việt Nam thì có lẽ Fansipan được biết đến nhiều nhất, phần vì nó cao nhất Đông Dương (3.143m), phần vì người ta đã làm du lịch khá nhiều. Còn lại các đỉnh khác như Phu Song Sung, Phu Ta Leng, Nhìu Cồ San cũng đã được một số đoàn ham mê leo núi chinh phục. Bạch Mộc Lương Tử vẫn là cái tên khá xa lạ với dân xê dịch, được chính thức “khai phá” vào năm 2012, nhưng đến nay dãy núi có cái tên khá mỹ miều này vẫn chỉ chứng kiến những đoàn leo núi với số lượng đếm trên đầu ngón tay.

< Chúng tôi đã chọn núi Muối thuộc dãy Bạch Mộc Lương Tử cho chuyến đi chào đón năm 2014.

Núi Muối (thuộc dãy Bạch Mộc) là ranh giới tự nhiên giữa Lai Châu và Lào Cai nên có ít nhất là hai cung đường để lên được đỉnh núi. Một đường từ bản Dền Sung – Tam Đường – Lai Châu và một đường từ Trung Lèng Hồ – Mường Hum – Lào Cai, cả hai đường này đều đã có nhóm chinh phục và thông tin khá rõ ràng. Còn một con đường khác chưa được khai phá từ Sàng Ma Sáo đi lên, đó là động lực thôi thúc chúng tôi lên đường chinh phục đỉnh Bạch Mộc từ hướng đi này.

Mất một ngày trời di chuyển bằng xe máy từ Hà Nội, tối đầu tiên chúng tôi ngủ tại thành phố Lào Cai. Thông tin từ anh bạn tại Bát Xát đã giúp chúng tôi liên hệ trước với người tại Ủy Ban Nhân Dân (UBND) xã Sàng Ma Sáo nhờ tìm người bản địa dẫn đường. Sau một đêm tại thành phố vùng biên, sáng sớm hôm sau chúng tôi lên đường theo hướng Mường Hum thẳng tiến.

Có mặt tại UBND xã Sàng Ma Sáo lúc 9 giờ nhưng sau khi hỏi vòng quanh hết một lượt những người dân mà chúng tôi gặp thì họ không hề biết đến dãy núi có tên Bạch Mộc Lương Tử. Với vài từ tiếng Kinh không rõ ràng, mọi người đều nghĩ chúng tôi leo núi Nhìu Cồ San – một ngọn núi cao và nổi tiếng trong vùng.

Chúng tôi khá bế tắc và đã tính tới phương án quay về leo lên từ hướng Lai Châu. Đúng lúc đó thì có một thanh niên bản tự nhận là thường xuyên đi núi hái nấm và biết đường lên ngọn núi cao nhất. Sau một hồi suy tính chúng tôi quyết định theo người thanh niên này, dù thông tin cũng khá mơ hồ vì không ai khẳng định đó là núi Bạch Mộc Lương Tử.

Anh chàng người Mông tên là Tủa, muốn phải thêm người nữa đi cùng là Sẻ là cậu ruột của anh ta và nhà ở ngay chân dãy núi. Chúng tôi theo chân Tủa về nhà để chuẩn bị đồ đạc và thức ăn rồi lên đường đi vào bản Kỳ Quan San. Tại đây chúng tôi gửi xe lại ở nhà một người dân bản với lời nhắn bằng nét bút của Tủa viết theo phiên âm tiếng Mông khiến ai trong đoàn cũng tò mò. Hành trình chinh phục núi Muối chính thức bắt đầu.

Leo núi không bao giờ là dễ

Theo kế hoạch của ngày đầu tiên này, chúng tôi phải leo từ điểm bắt đầu có độ cao khoảng 1.100m lên độ cao 2.100m để nghỉ trước khi trời tối. Thời tiết lúc này thực sự không quá ủng hộ chúng tôi khi những cơn gió mùa đông bắc liên tục thổi về mang theo đó là hơi lạnh khủng khiếp.

< Con đường nhỏ nơi đỉnh núi với mây và nắng.

Từ Kỳ Quan San, cả đoàn leo bộ gần một tiếng tới nhà Sẻ – cậu của Tủa để nói anh ta đi cùng. Một trong những điểm khiến những kẻ xê dịch luôn muốn đi lên những vùng sâu của nước Việt là do lòng hiếu khách và sự thân thiện của người dân nơi đây. Điều này thể hiện qua việc Tủa đã thiết đãi chúng tôi một bữa trưa thịnh soạn, làm thịt con gà trống duy nhất còn lại để làm thức ăn lên đường. Cả bầu trời âm u một màu xám xịt là những dấu hiệu cho một chuyến đi không dễ dàng.

Chặng đường đầu tiên, chúng tôi cứ theo lối mòn của dân bản hay đi rừng mà theo. Có khá nhiều lối rẽ khác nhau nên phải bám sát người dẫn đường để không bị lạc. Dù đã trang bị cho mình tất cả những thứ đồ cần thiết cho một chuyến leo núi nhưng tất thảy điều đó đều sẽ không là gì cả khi bị lạc giữa khu rừng rậm rạp và ẩm ướt với hệ sinh thái rất đa dạng này.

< Thành quả sau chặng đường gian khó.

Nhiều thân cây dương xỉ, chuối rừng khá lớn, đặc biệt là rất nhiều thảo quả – một loài cây họ Gừng được dùng nhiều trong việc làm thuốc và thực phẩm. Khá nhiều dòng suối chảy xiết và nước lớn, những đoạn đường ẩm ướt, lầy lội đã rút cạn dần sức lực của chúng tôi. Tuy nhiên, do việc khởi hành khá muộn nên cả đoàn xác định bằng mọi cách phải lên được điểm nghỉ trước khi trời tối, bởi ở giữa rừng già hoang vắng vào ban đêm thật không an toàn chút nào.

Càng lên cao, không khí loãng hơn kèm theo đó là từng cơn gió lạnh thổi liên hồi làm nhiệt độ giảm sâu khiến chúng tôi mất nhiều sức hơn. Cả bóng tối bao trùm lấy khu rừng khi cả đoàn vẫn chưa tới được điểm nghỉ. Cứ đi mãi, đi mãi cho tới khi chúng tôi leo lên những đoạn đường đầy băng tuyết để lên khỏi tầng mây thấp và nhìn thấy cả bầu trời đầy sao và chút ánh sáng le lói cuối ngày phía sau núi.

Tuy nhiên, cũng từ đây những khó khăn bắt đầu lớn dần lên theo mỗi bước chân. Lớp băng tuyết phủ dày cùng với hàng loạt cây bị đổ đã xóa hết mọi dấu vết về con đường mòn dẫn tới lán nghỉ.

< Trên đại ngàn mây của dãy Bạch Mộc Lương Tử.

Cả con đường bị chắn bởi nhiều cây đổ và tuyết ngập, đoạn mỏng thì đến mắt cá chân, đoạn dày lên tới tận đầu gối, cộng với việc trời tối và không có kinh nghiệm đi tuyết khiến cho việc di chuyển của chúng tôi vô cùng khó khăn. Leo, chui, trườn, bò, đu,... đủ mọi tư thế để qua những thân cây gãy đổ, cả những bụi gai với cái bụng đã lép kẹp từ lâu. Điều tệ hại nhất cũng đã xảy ra đó là cả Tủa và Sẻ đều mất toàn bộ phương hướng, GPS mang theo cũng không giúp ích chúng tôi là mấy trong cái tiết trời như thế này.

Phương án được đưa ra là tìm ngay một chỗ đất đủ rộng để có thể nhóm lửa sưởi ấm đề phòng bị lạnh đến mức kiệt sức, Tủa và Sẻ mở đường để về đúng cái lán mà người dân đi rừng đã dựng nên.


< Bữa cơm tối giữa rừng già với thực phẩm mang theo.

Cuối cùng thì hai anh chàng cũng đã mở lối thành công, chúng tôi lại tiếp tục mò mẫm đi trong tuyết ngập và đêm tối để tới điểm nghỉ khi đã hơn 9 giờ đêm. Lán nằm giữa thung lũng, sát bên là dòng suối, bao bọc xung quanh là sườn núi tuyết trắng xóa. Nhanh chóng kiếm củi, dựng trại, chuẩn bị đồ ăn và chờ đón thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới.

Biển mây giữa đất trời

Bầu trời đêm 31 – đêm cuối cùng của năm 2013 trên đỉnh núi Muối thật quá huyền ảo. Bên đống lửa, chúng tôi quây quần ngồi sưởi ấm và ngắm sao trời. Cả không gian trên đỉnh núi là chi chít những đốm sáng lập lòe, không khó để xác định được đâu là Bắc Đẩu, sao Kim, Bò Cạp,... cả những vệt sáng do sao băng vụt qua giữa bầu trời.

Càng về khuya, nhiệt độ càng xuống thấp dần, những câu chuyện nhấp cùng ngụm rượu khiến chúng tôi quên đi giá lạnh xung quanh. Câu chuyện về những người dân đi hái nấm, lan rừng và cả thảo quả, chuyện về anh chàng Tủa cưới vợ từ năm 15 tuổi đến nay đã có hai con lớn. Cả Sẻ và Tủa đều chưa bao giờ thấy tuyết rơi nhiều như đợt này, trắng rừng, trắng cả bản làng.

< Trên đỉnh là mây, tuyết và nắng.

Rồi chuyện về ngọn núi chúng tôi vừa leo qua, người Mông gọi nó là núi Muối vì có rất nhiều cây cỏ muối. Gần như chúng tôi đã thức trắng cả đêm để chào đón giao thừa, để kể, để lắng nghe về nhau như thế.

Suốt cả đêm, chúng tôi phải liên tục kiếm củi và duy trì lửa cháy liên tục để chống lại cái giá lạnh của núi rừng. Dự định tiếp theo là cố gắng lên đỉnh cao nhất của dãy Bạch Mộc Lương Tử để ngắm bình minh đã không thực hiện được do đường sá và sức lực chưa hồi phục sau chặng đường gian nan và một đêm thức trắng. Tiếp tục băng qua những khu rừng đầy băng tuyết, những tia nắng của ngày đầu năm mới chiếu xiên qua tán cây cổ thụ tạo nên cảnh sắc huyền ảo là động lực tiếp sức cho bước chân chúng tôi.

Vượt qua những dốc đá dựng đứng, những thảm rêu mục nát, chúng tôi như vỡ òa vì sung sướng và lặng người vì cảnh sắc nơi đỉnh núi Muối. Cả không gian trước mặt chỉ toàn mây là mây, cả một biển mây trắng xóa, bồng bềnh. Như một đại dương mây với bập bềnh sóng vỗ, thấp thoáng nhô lên là những ngọn núi như chọc thủng tầng mây tạo nên nét chấm phá vô cùng đặc sắc.

< Mây là quà tặng đặc biệt mà cả dãy Bạch Mộc Lương Tử dành tặng cho chúng tôi.

Từ đây có thể dễ dàng nhìn thấy cả dãy Hoàng Liên Sơn, đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, Nhìu Cồ San, Tà Chì Nhù,... hùng vĩ giữa biển mây. Chúng tôi cứ mải miết ngồi trên mỏm đá mà ngẩn ngơ với phong cảnh như chỉ có trên thiên đường, mãi đến khi Tủa nói là phải nhanh chóng đi tiếp lên đỉnh để tối về cho kịp.

Cả đoàn lại tiếp tục băng rừng từ đỉnh núi Muối ở độ cao khoảng 2.840m để lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.046m. Không quá mất thời gian, có lẽ vì những gì trên đỉnh núi Muối đã ban tặng cho chúng tôi là thứ “doping” tiếp thêm sức mạnh cho hành trình giữa băng tuyết lạnh giá. Đỉnh Bạch Mộc đã bị chinh phục bởi những con người trẻ tuổi với niềm hứng khởi vô bờ của ngày đầu tiên trong năm.

Chặng đường trở về không quá khó khăn, có những đoạn chúng tôi trượt trên băng tuyết để xuống. Những ai muốn khám phá tiếp có thể xuống theo đường sang Dền Sung (Lai Châu) hoặc Trung Lèng Hồ (Lào Cai) hứa hẹn những trải nghiệm rất khác. Chúng tôi tạm biệt Sẻ, quay lại nhà người dân nơi Tủa ghi lại giấy gửi xe rồi tạm biệt anh chàng người Mông nhiệt tình và đầy mến khách. Đỉnh núi Muối, dãy Bạch Mộc Lương Tử xa dần xa dần phía sau vệt bánh xe nhưng sẽ còn đọng lại mãi trong tim những kẻ đã qua đây.

Lịch trình sơ bộ:

< Để leo núi Muối cần tối thiểu 2 ngày một đêm cho việc leo.

Ngày 0: Hà Nội - Lào Cai
Ngày 1: Lào Cai  - Bát Xát (17km)- Mường Hum(35km)- Sàng Ma Sáo(6km) – lên độ cao 2.100m
Ngày 2 : Lên đỉnh núi Muối và Bạch Mộc Lương Tử
10h tới đỉnh núi Muối, cao độ 2.800m. Đây là nơi có góc ngắm mây đẹp nhất (lên đỉnh Bạch Mộc thì dễ bị góc khuất)

Tới đây có 2 phương án:

1. Quay về lán trại ăn uống nghỉ trưa, xuống chân núi khoảng 6h tối.
2. Tiếp tục leo lên đỉnh Bạch Mộc Lương Tử cao 3.045m. Quay lại lán trại nghỉ đêm, sáng sau leo xuống chân núi. Về Mường Hum hoặc theo đường về hướng Dền Sung, Phong Thổ, Lai Châu.

Kinh nghiệm:

Leo núi đi thật đều, tập trung nhịp thở và cố gắng đi thật mệt mới nghỉ. Không được nghỉ quá lâu, cơ thể bị lạnh và các khớp dễ mỏi. Uống nước chỉ nên ngụm từng hớp nhỏ, tránh uống nhiều liền lúc.

Theo Hachi8 (Autocad Vietnam)
Du lịch, GO!

Lên đỉnh núi Muối